Đề xuất thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm? Quy định chuyển nhượng tài sản bảo đảm được đề xuất như thế nào?
Đề xuất thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm cụ thể như thế nào?
Căn cứ tại Điều 192 Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi đề xuất thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm theo 02 phương án sau:
Phương án 1:
- Số tiền thu được từ xử lý TSBĐ của khoản nợ xấu, sau khi trừ chi phí bảo quản, thu giữ và chi phí xử lý TSBĐ được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế, án phí và nghĩa vụ khác không có bảo đảm của bên bảo đảm.
- Trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận bảo đảm thực hiện theo quy định của pháp luật.
Phương án 2:
- Số tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, sau khi trừ chi phí bảo quản, thu giữ và chi phí xử lý tài sản bảo đảm được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế (trừ các khoản thuế trực tiếp liên quan đến việc chuyển nhượng chính tài sản bảo đảm đó gồm thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ), nghĩa vụ khác không có bảo đảm của bên bảo đảm.
- Trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận bảo đảm thực hiện theo quy định của pháp luật.
Đề xuất thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm? Đề xuất đối với quy định chuyển nhượng tài sản bảo đảm như thế nào? (Hình từ Internet)
Đề xuất đối với quy định chuyển nhượng tài sản bảo đảm như thế nào?
Căn cứ tại Điều 194 Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi đề xuất đối với quy định chuyển nhượng tài sản bảo đảm như sau:
- Cơ quan có thẩm quyền đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản có trách nhiệm thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản cho bên mua, bên nhận chuyển nhượng tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Nếu lựa chọn Phương án 1 tại Điều 192 Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi:
- Bên nhận bảo đảm, bên nhận chuyển nhượng không phải nộp thay hoặc thực hiện nghĩa vụ thuế, phí khác của bên bảo đảm từ số tiền chuyển nhượng tài sản bảo đảm khi thực hiện thủ tục đăng ký, thay đổi quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bảo đảm.
- Việc nộp thuế của bên bảo đảm, bên nhận chuyển nhượng liên quan đến chuyển nhượng tài sản bảo đảm thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế.
Nếu lựa chọn Phương án 2 tại Điều 192 Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi:
- Trừ các khoản thuế trực tiếp liên quan đến việc chuyển nhượng chính tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo quy định tại Điều 192 Luật này, bên nhận bảo đảm, bên nhận chuyển nhượng không phải nộp thay hoặc thực hiện nghĩa vụ thuế, phí khác của bên bảo đảm từ số tiền chuyển nhượng tài sản bảo đảm khi thực hiện thủ tục đăng ký, thay đổi quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bảo đảm.
- Việc nộp thuế của bên bảo đảm, bên nhận chuyển nhượng liên quan đến chuyển nhượng tài sản bảo đảm thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế.
Thực hiện thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm theo quy định hiện hành như thế nào?
Căn cứ tại Điều 299 Bộ luật Dân sự 2015 quy định các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm:
- Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
- Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật.
- Trường hợp khác do các bên thỏa thuận hoặc luật có quy định
Căn cứ tại Điều 300 Bộ luật Dân sự 2015 quy định thực hiện thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm như sau:
- Trước khi xử lý tài sản bảo đảm, bên nhận bảo đảm phải thông báo bằng văn bản trong một thời hạn hợp lý về việc xử lý tài sản bảo đảm cho bên bảo đảm và các bên cùng nhận bảo đảm khác.
Đối với tài sản bảo đảm có nguy cơ bị hư hỏng dẫn đến bị giảm sút giá trị hoặc mất toàn bộ giá trị thì bên nhận bảo đảm có quyền xử lý ngay, đồng thời phải thông báo cho bên bảo đảm và các bên nhận bảo đảm khác về việc xử lý tài sản đó.
- Trường hợp bên nhận bảo đảm không thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại khoản 1 Điều 300 Bộ luật Dân sự 2015 mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho bên bảo đảm, các bên cùng nhận bảo đảm khác.
Xem toàn bộ Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi: Tại đây.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.