Đề xuất tăng mức phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố lên bao nhiêu?
Đề xuất tăng mức phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã lên bao nhiêu?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 34 Dự thảo Nghị định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố đề xuất như sau:
Chế độ phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố
1. Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được hưởng chế độ phụ cấp. Ngân sách Trung ương thực hiện khoán quỹ phụ cấp bao gồm cả hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế để chi trả hàng tháng đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã như sau:
a) Đơn vị hành chính cấp xã loại 1 được khoán quỹ phụ cấp bằng 21,0 lần mức lương cơ sở;
b) Đơn vị hành chính cấp xã loại 2 được khoán quỹ phụ cấp bằng 18,0 lần mức lương cơ sở;
c) Đơn vị hành chính cấp xã loại 3 được khoán quỹ phụ cấp bằng 15,0 lần mức lương cơ sở.
Đối với đơn vị hành chính cấp xã có số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã tăng thêm theo quy định tại khoản 2 Điều 33 Nghị định này thì tổng mức khoán quỹ phụ cấp được tăng thêm tương ứng (1,5 lần mức lương cơ sở/01 người hoạt động không chuyên trách tăng thêm).
...
Căn cứ tại Điều 14 Nghị định 92/2009/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Khoản 5 Điều 2 Nghị định 34/2019/NĐ-CP) quy định như sau:
Phụ cấp và khoán kinh phí đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã
1. Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được hưởng chế độ phụ cấp, chế độ bảo hiểm xã hội và chế độ bảo hiểm y tế. Ngân sách nhà nước thực hiện khoán quỹ phụ cấp, bao gồm cả hỗ trợ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế để chi trả hàng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã theo Quyết định phân loại đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn như sau:
a) Loại 1 được khoán quỹ phụ cấp bằng 16,0 lần mức lương cơ sở;
b) Loại 2 được khoán quỹ phụ cấp bằng 13,7 lần mức lương cơ sở;
c) Loại 3 được khoán quỹ phụ cấp bằng 11,4 lần mức lương cơ sở.
...
Như vậy về chế độ phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố và chế độ hỗ trợ đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố, Bộ Nội vụ đề xuất như sau:
Tăng mức khoán quỹ phụ cấp người hoạt động không chuyên ở mỗi đơn vị hành chính cấp xã loại 1 - 2 - 3 tương ứng từ 16,0 - 13,7 - 11,4 lần mức lương cơ sở lên 21 - 18 - 15 lần mức lương cơ sở.
Đề xuất tăng mức phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố lên bao nhiêu? (Hình từ Internet)
Đề xuất tăng mức phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố lên bao nhiêu?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 34 Dự thảo Nghị định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố đề xuất như sau:
Chế độ phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố
...
2. Áp dụng việc thực hiện phụ cấp quy định tại Nghị định này đối với những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố. Ngân sách Trung ương thực hiện khoán quỹ phụ cấp bao gồm cả hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế để chi trả hàng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở mỗi thôn, tổ dân phố như sau:
a) Đối với thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên; tổ dân phố có từ 500 hộ gia đình trở lên; thôn, tổ dân phố thuộc đơn vị hành chính cấp xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; thôn, tổ dân phố thuộc đơn vị hành chính cấp xã biên giới, hải đảo được khoán quỹ phụ cấp bằng 6,0 lần mức lương cơ sở;
b) Đối với các thôn, tổ dân phố không thuộc quy định tại điểm a khoản 2 Điều này được khoán quỹ phụ cấp bằng 4,5 lần mức lương cơ sở.
...
Căn cứ tại khoản 1 Điều 13 Thông tư 13/2019/TT-BNV quy định như sau:
Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố
1. Ngân sách nhà nước thực hiện khoán quỹ phụ cấp bằng 3,0 lần mức lương cơ sở để chi trả hàng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở mỗi thôn, tổ dân phố. Riêng đối với các thôn sau đây được khoán quỹ phụ cấp bằng 5,0 lần mức lương cơ sở:
a) Thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên;
b) Thôn thuộc xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền;
c) Thôn thuộc xã biên giới hoặc hải đảo.
...
Như vậy theo quy định trên đề xuất tăng mức khoán quỹ phụ cấp từ 3,0 - 5,0 lần mức lương cơ sở đối với mỗi loại thôn, tổ dân phố lên mức 4,5 - 6,0 lần mức lương cơ sở, trong đó:
- Tăng mức khoán từ 5,0 lên 6,0 lần mức lương cơ sở áp dụng đối với thôn, tổ dân phố theo quy định hiện hành, gồm:
+ Thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên; thôn, tổ dân phố thuộc đơn vị hành chính cấp xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền;
+ Thôn, tổ dân phố thuộc đơn vị hành chính cấp xã biên giới, hải đảo.
- Tăng mức khoán đối với các thôn, tổ dân phố còn lại từ 3,0 lên 4,5 lần mức lương cơ sở).
Đề xuất bỏ chức danh công chức Trưởng Công an xã có phải không?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 5 Dự thảo Nghị định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố đề xuất như sau:
Chức vụ, chức danh
...
2. Công chức cấp xã có các chức danh sau đây:
a) Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự;
b) Văn phòng – thống kê;
c) Địa chính – xây dựng – đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc địa chính – nông nghiệp – xây dựng và môi trường (đối với xã);
d) Tài chính – kế toán;
đ) Tư pháp – hộ tịch;
e) Văn hóa – xã hội.
...
Căn cứ tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 92/2009/NĐ-CP quy định như sau:
Chức vụ, chức danh
...
2. Công chức cấp xã có các chức danh sau đây:
a) Trưởng Công an;
b) Chỉ huy trưởng Quân sự;
c) Văn phòng – thống kê;
d) Địa chính – xây dựng – đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc địa chính – nông nghiệp – xây dựng và môi trường (đối với xã);
đ) Tài chính – kế toán;
e) Tư pháp – hộ tịch;
g) Văn hóa – xã hội.
Như vậy theo quy định trên dự thảo đề xuất bỏ chức danh công chức Trưởng Công an xã.
Xem toàn bộ Dự thảo Nghị định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố:
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.