Đề xuất quy trình thành lập Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực kế hoạch, đầu tư như thế nào?
- Đề xuất quy trình thành lập Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực kế hoạch, đầu tư ra sao?
- Đề xuất thành phần hồ sơ đề nghị thành lập Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực kế hoạch, đầu tư gồm những gì?
- Đề án thành lập đơn vị sự nghiệp công lập có những nội dung gì?
Đề xuất quy trình thành lập Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực kế hoạch, đầu tư ra sao?
Căn cứ tại Điều 5 Dự thảo 3 Thông tư hướng dẫn về Hội đồng quản lý và tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực kế hoạch, đầu tư và thống kê đề xuất quy trình thành lập Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực kế hoạch, đầu tư như sau:
Bước 1: Xin chủ trương thành lập Hội đồng quản lý.
- Sau khi trao đổi, thống nhất trong lãnh đạo đơn vị về chủ trương thành lập Hội đồng quản lý, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức họp liên tịch giữa lãnh đạo đơn vị, cấp ủy đảng cùng cấp và đại diện các tổ chức chính trị - xã hội thảo luận về việc thành lập, dự kiến số lượng, cơ cấu thành phần tham gia Hội đồng quản lý.
- Trên cơ sở họp liên tịch, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập xây dựng báo cáo đề xuất thành lập Hội đồng quản lý kèm theo Biên bản họp liên tịch gửi cơ quan thẩm định để trình cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại Điều 4 Thông tư này phê duyệt chủ trương thành lập Hội đồng quản lý.
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập có đơn vị cấp trên trực tiếp quản lý, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập gửi báo cáo cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp để xem xét, có văn bản gửi cơ quan thẩm định trình người có thẩm quyền quy định tại Điều 4 Thông tư này phê duyệt chủ trương thành lập Hội đồng quản lý.
Bước 2: Đề nghị thành lập Hội đồng quản lý sau khi được phê duyệt chủ trương.
- Sau khi được phê duyệt chủ trương, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập chỉ đạo tổ chức lập Hồ sơ thành lập Hội đồng quản lý, tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt của đơn vị để cho ý kiến đối với Đề án thành lập, dự thảo Quy chế hoạt động và đề xuất nhân sự tham gia Hội đồng quản lý của đơn vị. Nhân sự tham gia Hội đồng quản lý phải đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Điều 14 Thông tư này.
- Hội nghị cán bộ chủ chốt của đơn vị bao gồm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu, cấp ủy, chủ tịch công đoàn, bí thư đoàn thanh niên, lãnh đạo các phòng, ban trực thuộc (nếu có) và đại diện cơ quan quản lý cấp trên, cấp trên trực tiếp (nếu có) của đơn vị sự nghiệp công lập;
- Trên cơ sở kết quả hội nghị cán bộ chủ chốt, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập chỉ đạo hoàn thiện Hồ sơ thành lập Hội đồng quản lý gửi cơ quan thẩm định trình người có thẩm quyền quyết định theo quy định tại Điều 4 Thông tư này.
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập có đơn vị cấp trên trực tiếp quản lý, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập gửi Hồ sơ đến cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp để gửi cơ quan thẩm định trình người có thẩm quyền thành lập Hội đồng quản lý quy định tại Điều 4 Thông tư này xem xét, quyết định.
Bước 3: Cơ quan thẩm định hồ sơ thành lập Hội đồng quản lý tiến hành thẩm định các nội dung về sự cần thiết, số lượng, cơ cấu, thành phần, tiêu chuẩn của thành viên Hội đồng quản lý; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý và các nội dung khác có liên quan, cụ thể:
- Vụ Tổ chức cán bộ thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm thẩm định hồ sơ thành lập Hội đồng quản lý của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
- Cơ quan chuyên môn tham mưu quản lý nhà nước về lĩnh vực tổ chức bộ máy thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm thẩm định đối với việc thành lập Hội đồng quản lý của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân các tỉnh.
Bước 4: Trên cơ sở kết quả thẩm định, đơn vị sự nghiệp công lập hoặc đơn vị cấp trên trực tiếp quản lý đơn vị sự nghiệp công lập báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến thẩm định, hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo cơ quan hoặc người có thẩm quyền xem xét, quyết định thành lập Hội đồng quản lý
Bước 5: Trên cơ sở văn bản đề nghị thành lập, văn bản thẩm định thành lập Hội đồng quản lý, cơ quan hoặc người có thẩm quyền thành lập Hội đồng quản lý quy định tại Điều 4 Thông tư này xem xét, quyết định thành lập Hội đồng quản lý và phê duyệt Quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý.
Đề xuất quy trình thành lập Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực kế hoạch, đầu tư? (Hình từ Internet)
Đề xuất thành phần hồ sơ đề nghị thành lập Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực kế hoạch, đầu tư gồm những gì?
Căn cứ tại Điều 6 Dự thảo 3 Thông tư hướng dẫn về Hội đồng quản lý và tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực kế hoạch, đầu tư và thống kê đề xuất thành phần hồ sơ đề nghị thành lập Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực kế hoạch, đầu tư gồm có:
- Văn bản đề nghị thành lập Hội đồng quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập; văn bản đề nghị thành lập Hội đồng quản lý của đơn vị cấp trên trực tiếp quản lý đơn vị sự nghiệp công lập (nếu có).
+ Cấp trên trực tiếp của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cục, thuộc tổng cục thuộc bộ là cục, tổng cục thuộc bộ.
+ Cấp trên trực tiếp của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Khu kinh tế thuộc Ủy ban nhân dân các tỉnh là Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Khu kinh tế.
- Đề án thành lập Hội đồng quản lý.
- Dự thảo Quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý.
- Các tài liệu chứng minh đủ điều kiện thành lập Hội đồng quản lý.
- Biên bản họp liên tịch và Hội nghị cán bộ chủ chốt.
- Ý kiến của các cơ quan, đơn vị có liên quan (Báo cáo tổng hợp và giải trình tiếp thu ý kiến góp ý, báo cáo thẩm định hồ sơ thành lập Hội đồng quản lý, báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định và các báo cáo, ý kiến khác nếu có).
- Các giấy tờ có liên quan khác (nếu có).
Đề án thành lập đơn vị sự nghiệp công lập có những nội dung gì?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 8 Nghị định 120/2020/NĐ-CP quy định nội dung Đề án thành lập đơn vị sự nghiệp công lập bao gồm:
- Thứ nhất, sự cần thiết và cơ sở pháp lý.
- Thứ hai, mục tiêu, phạm vi hoạt động và danh mục dịch vụ sự nghiệp công đơn vị dự kiến cung cấp.
- Thứ ba, loại hình và tên gọi của đơn vị sự nghiệp công lập.
- Thứ tư, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức.
- Thứ năm, cơ chế tài chính, cơ chế hoạt động và mức độ tự chủ tài chính.
- Thứ sáu, báo cáo giải trình về việc đáp ứng các tiêu chí, điều kiện thành lập.
- Thứ bảy, dự kiến về nhân sự (trong đó xác định rõ số lượng cấp phó của đơn vị theo quy định tại Điều 6 Nghị định này và hướng dẫn chi tiết của bộ quản lý ngành, lĩnh vực); vị trí việc làm, số lượng người làm việc theo vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp, bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, kinh phí hoạt động, trụ sở làm việc, trang thiết bị và phương tiện làm việc cần thiết.
- Thứ tám, phương án tổ chức thực hiện và lộ trình triển khai hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.
- Thứ chín, kiến nghị của cơ quan, tổ chức xây dựng đề án thành lập đơn vị sự nghiệp công lập (nếu có).
- Cuối cùng, các nội dung khác thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành và hướng dẫn của bộ quản lý ngành, lĩnh vực
Xem toàn bộ Dự thảo Thông tư hướng dẫn về Hội đồng quản lý và tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực kế hoạch, đầu tư và thống kê: Tại đây.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.