Đề xuất phân loại hợp tác xã theo quy mô siêu nhỏ, nhỏ, vừa và lớn? Chính sách thuế, phí và lệ phí ưu đãi đối với hợp tác xã như thế nào?
Đề xuất phân loại hợp tác xã theo quy mô siêu nhỏ, nhỏ, vừa và lớn?
Căn cứ tại Điều 3 Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đề xuất phân loại hợp tác xã theo quy mô siêu nhỏ, nhỏ, vừa và lớn, cụ thể:
* Đối với hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp được phân loại như sau:
- Hợp tác xã siêu nhỏ có không quá 30 thành viên chính thức được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã và tổng doanh thu của năm dưới 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn dưới 01 tỷ đồng.
- Hợp tác xã nhỏ có không quá 100 thành viên chính thức được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã và tổng doanh thu của năm không quá 15 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn dưới 5 tỷ đồng, nhưng không phải là hợp tác xã siêu nhỏ theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều này.
- Hợp tác xã vừa có không quá 500 thành viên chính thức được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã và tổng doanh thu của năm không quá 150 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn dưới 50 tỷ đồng, nhưng không phải là hợp tác xã siêu nhỏ, nhỏ theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều này.
- Hợp tác xã lớn có từ 500 thành viên chính thức trở lên được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xãvà tổng doanh thu của năm từ 150 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn từ 50 tỷ đồng trở lên, nhưng không phải là hợp tác xã siêu nhỏ, nhỏ, vừa theo quy định tại điểm a, b, c khoản này.
* Đối với hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp – xây dựng được phân loại như sau:
- Hợp tác xã siêu nhỏ có không quá 50 thành viên chính thức được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã và tổng doanh thu của năm dưới 5 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn dưới 02 tỷ đồng.
- Hợp tác xã nhỏ có không quá 200 thành viên chính thức được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã và tổng doanh thu của năm không quá 20 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn dưới 10 tỷ đồng, nhưng không phải là hợp tác xã siêu nhỏ theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều này.
- Hợp tác xã vừa có không quá 500 thành viên chính thức được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã và tổng doanh thu của năm dưới 150 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn dưới 50 tỷ đồng, nhưng không phải là hợp tác xã siêu nhỏ, nhỏ theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều này.
- Hợp tác xã lớn có từ hơn 500 thành viên chính thức trở lên được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã và tổng doanh thu của năm từ 150 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn từ 50 tỷ đồng trở lên.
* Đối với hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực thương mại-dịch vụ (gồm cả giao thông vận tải) được phân loại như sau:
- Hợp tác xã siêu nhỏ có không quá 100 thành viên chính thức được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng.
- Hợp tác xã nhỏ có không quá 300 thành viên chính thức được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã và tổng doanh thu của năm không quá 30 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 10 tỷ đồng, nhưng không phải là hợp tác xã siêu nhỏ theo quy định tại điểm a, khoản 2 Điều này.
- Hợp tác xã vừa có không quá 500 thành viên chính thức được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã và tổng doanh thu của năm không quá 200 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 50 tỷ đồng, nhưng không phải là hợp tác xã siêu nhỏ, nhỏ theo quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều này.
- Hợp tác xã lớn có từ hơn 500 thành viên chính thức trở lên được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã và tổng doanh thu của năm từ hơn 200 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn từ hơn 50 tỷ đồng trở lên.
*Đối với hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng được phân loại theo quy định của pháp luật về các tổ chức tài chính, tín dụng.
Đề xuất phân loại hợp tác xã theo quy mô siêu nhỏ, nhỏ, vừa và lớn? Chính sách thuế, phí và lệ phí ưu đãi đối với hợp tác xã? (Hình từ Internet)
Đề xuất chính sách thuế, phí và lệ phí ưu đãi đối với hợp tác xã?
Căn cứ tại Điều 9 Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đề xuất chính sách thuế, phí và lệ phí ưu đãi đối với hợp tác xã như sau:
- Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã với hoạt động thu mua, sơ chế sản phẩm nông nghiệp, hợp tác xã môi trường.
- Giảm 50% mức thuế thu nhập doanh nghiệp với giao dịch nội bộ là hoạt động chế biến sản phẩm, mua, bán sản phẩm, dịch vụ.
- Quỹ tín dụng nhân dân được hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp mức thấp hơn so với ngân hàng thương mại.
Đề xuất chính sách hỗ trợ tư vấn tài chính và đánh giá rủi ro đối với hợp tác xã?
Căn cứ tại Điều 14 Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đề xuất chính sách hỗ trợ tư vấn tài chính và đánh giá rủi ro đối với hợp tác xã
- Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo quy định phải có báo cáo kiểm toán độc lập cho hợp tác xã quy mô siêu nhỏ, nhỏ thì kinh phí hỗ trợ của Nhà nước bao gồm kinh phí hỗ trợ kiểm toán không quá 20 triệu đồng/hợp tác xã trong trường hợp hợp tác xã đó được lựa chọn thụ hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo quy định.
- Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí cho tổ chức đại diện, hệ thống liên minh hợp tác xã Việt Nam trong việc thực hiện đánh giá rủi ro, tư vấn tài chính; tư vấn, hướng dẫn kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ cho tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Xem toàn bộ Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã (sửa đổi): Tại đây.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.