Đề xuất hồ sơ đăng ký nhiệm vụ bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu ngành Công Thương gồm những tài liệu gì?
- Đề xuất hồ sơ đăng ký nhiệm vụ bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu ngành Công Thương gồm những tài liệu gì?
- Hạn giao nộp sản phẩm, ứng dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu ngành Công Thương là khi nào?
- Nhà nước có những chính sách gì về bảo vệ môi trường?
Đề xuất hồ sơ đăng ký nhiệm vụ bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu ngành Công Thương gồm những tài liệu gì?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 4 Dự thảo Thông tư quy định về quản lý, thực hiện các nhiệm vụ sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường của Bộ Công Thương đề xuất như sau:
Đăng ký và tổng hợp kế hoạch bảo vệ môi trường, kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu
1. Trong Quý I hàng năm, căn cứ vào yêu cầu quản lý, chiến lược, chương trình mục tiêu, kế hoạch bảo vệ môi trường, kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu của quốc gia và của ngành, Cơ quan quản lý nhiệm vụ trình Bộ Công Thương ban hành văn bản hướng dẫn các đơn vị đăng ký nhiệm vụ cho năm tiếp theo. Nội dung hướng dẫn được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương.
2. Hồ sơ đăng ký nhiệm vụ gồm:
a) Văn bản đề xuất nhiệm vụ cấp Bộ;
b) Danh mục tổng hợp đề xuất nhiệm vụ sắp xếp theo thứ tự ưu tiên theo mẫu B1a-ĐXNV;
c) Thuyết minh đề cương nhiệm vụ theo mẫu B1b-TMMT (đối với các nhiệm vụ quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này) và theo mẫu B1c TMBĐKH (đối với các nhiệm vụ quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này).
Số lượng hồ sơ bao gồm 01 bộ hồ sơ gốc (có dấu và chữ ký trực tiếp) đóng thành 01 tập, trình bày và in trên khổ giấy A4, sử dụng phông chữ tiếng Việt (Times New Roman) theo tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 6909:2001).
3. Gửi Hồ sơ đăng ký nhiệm vụ
Tổ chức, cá nhân có thể gửi Hồ sơ qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp hoặc qua mạng thông tin điện tử về Cơ quan quản lý nhiệm vụ như sau:
a) Đối với các nhiệm vụ quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư này, hồ sơ gửi về Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp - Bộ Công Thương. Thư điện tử: CucATMT@moit.gov.vn.
b) Đối với các nhiệm vụ quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này, hồ sơ gửi về Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững - Bộ Công Thương. Thư điện tử: EESDVietnam@moit.gov.vn.
Hồ sơ gửi qua mạng thông tin điện tử gồm bản scan bộ hồ sơ gốc (có dấu và chữ ký trực tiếp), thành phần hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Căn cứ các quy định hiện hành, các văn bản hướng dẫn và hồ sơ đăng ký nhiệm vụ của các đơn vị, Cơ quan quản lý nhiệm vụ tổng hợp danh mục nhiệm vụ, rà soát sơ bộ, lựa chọn các nhiệm vụ đáp ứng các điều kiện về sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường và trình Bộ Công Thương thành lập Hội đồng tư vấn xét chọn nhiệm vụ.
...
Như vậy theo quy định trên hồ sơ đăng ký nhiệm vụ bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu ngành Công Thương gồm có:
- Văn bản đề xuất nhiệm vụ cấp Bộ.
- Danh mục tổng hợp đề xuất nhiệm vụ sắp xếp theo thứ tự ưu tiên theo mẫu B1a-ĐXNV.
- Thuyết minh đề cương nhiệm vụ theo mẫu B1b-TMMT (đối với các nhiệm vụ quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này) và theo mẫu B1c TMBĐKH (đối với các nhiệm vụ quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này).
Đề xuất hồ sơ đăng ký nhiệm vụ bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu ngành Công Thương gồm những tài liệu gì? (Hình từ Internet)
Hạn giao nộp sản phẩm, ứng dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu ngành Công Thương là khi nào?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 10 Dự thảo Thông tư quy định về quản lý, thực hiện các nhiệm vụ sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường của Bộ Công Thương đề xuất như sau:
Giao nộp sản phẩm, ứng dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ
1. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày họp Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ, cơ quan chủ trì thực hiện có trách nhiệm hoàn chỉnh hồ sơ, sản phẩm của nhiệm vụ gửi về Cơ quan quản lý nhiệm vụ gồm:
a) Văn bản đề nghị nghiệm thu, thanh lý hợp đồng thực hiện nhiệm vụ kèm theo Bảng tổng hợp giải trình, tiếp thu hoàn thiện các sản phẩm của nhiệm vụ theo kết luận của Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ.
b) 01 Bản in các sản phẩm chính của nhiệm vụ được đơn vị chủ trì ký, đóng dấu gồm: Báo cáo tổng hợp, Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện nhiệm vụ và các sản phẩm phải giao nộp khác theo đề cương được phê duyệt (như Sổ tay, Hướng dẫn, Dự thảo chính sách...).
c) Bản file điện tử dạng PDF được quét (scan) từ Báo cáo tổng hợp, Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện nhiệm vụ. Bản file điện tử dạng Microsoft Word các báo cáo tổng hợp, báo cáo chuyên đề và các sản phẩm khác theo hợp đồng và đề cương đã phê duyệt.
d) Đối với các nhiệm vụ có yêu cầu sản phẩm là thông tin, dữ liệu thì phải gửi file điện tử thông tin, dữ liệu đã được tổng hợp, xử lý.
2. Kết quả và sản phẩm của nhiệm vụ sau khi được giao nộp, nghiệm thu sẽ được tổ chức phổ biến, áp dụng tới các đơn vị liên quan trong và ngoài Bộ Công Thương theo quy định.
Như vậy đề xuất hạn giao nộp sản phẩm, ứng dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu ngành Công Thương là 30 ngày kể từ ngày họp Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ.
Nhà nước có những chính sách gì về bảo vệ môi trường?
Căn cứ tại Điều 5 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định những chính sách Nhà nước về bảo vệ môi trường gồm có:
- Thứ nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân tham gia thực hiện, kiểm tra, giám sát hoạt động bảo vệ môi trường.
- Thứ hai, tuyên truyền, giáo dục kết hợp với biện pháp hành chính, kinh tế và biện pháp khác để tăng cường việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, xây dựng văn hóa bảo vệ môi trường.
- Thứ ba, chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên; khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; phát triển hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường.
- Thứ tư, ưu tiên xử lý ô nhiễm môi trường, phục hồi hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái, chú trọng bảo vệ môi trường khu dân cư.
- Thứ năm, đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường; bố trí khoản chi riêng cho bảo vệ môi trường trong ngân sách nhà nước với tỷ lệ tăng dần theo khả năng của ngân sách nhà nước và yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ môi trường; ưu tiên nguồn kinh phí cho các nhiệm vụ trọng điểm về bảo vệ môi trường.
- Thứ sáu, bảo đảm quyền lợi của tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân đóng góp cho hoạt động bảo vệ môi trường; ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường; thúc đẩy sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường.
- Thứ bảy, tăng cường nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ xử lý ô nhiễm, tái chế, xử lý chất thải; ưu tiên chuyển giao và áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường, kỹ thuật hiện có tốt nhất; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực về bảo vệ môi trường.
- Thứ tám, tôn vinh, khen thưởng cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân có đóng góp tích cực trong hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
- Thứ chín, mở rộng, tăng cường hội nhập, hợp tác quốc tế và thực hiện cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường.
- Thứ mười, thực hiện sàng lọc dự án đầu tư theo tiêu chí về môi trường; áp dụng công cụ quản lý môi trường phù hợp theo từng giai đoạn của chiến lược, quy hoạch, chương trình và dự án đầu tư.
- Cuối cùng, lồng ghép, thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Tải Dự thảo Thông tư quy định về quản lý, thực hiện các nhiệm vụ sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường của Bộ Công Thương: Tại đây.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.