Đậu mùa khỉ lây qua đường nào? Hướng dẫn điều trị bệnh đậu mùa khỉ ở người mới nhất như thế nào?
Đậu mùa khỉ lây qua đường nào?
Căn cứ theo Phần II Hướng dẫn phòng ngừa lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban hành kèm theo Quyết định 2306/QĐ-BYT năm 2022 thì bệnh đậu mùa khỉ lây truyền qua các đường như sau:
(1) Lây từ động vật sang người:
Qua dịch tiết của động vật nhiễm bệnh, bao gồm các giọt bắn ở đường hô hấp hoặc tiếp xúc với dịch tiết của vết thương.
(2) Lây truyền từ người sang người:
- Các con đường lây truyền xảy ra khi tiếp xúc gần và lâu với người nhiễm bệnh bao gồm các giọt bắn ở đường hô hấp khi tiếp xúc trực diện hoặc tiếp xúc trực tiếp với các tổn thương da của người bị bệnh và đồ vật ô nhiễm.
- Lây truyền từ mẹ sang thai nhi có thể xảy ra qua nhau thai
- Lây truyền khi quan hệ tình dục hoặc quan hệ thân mật, có thể do tiếp xúc trực tiếp với các tổn thương đậu mùa khỉ hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết ở đường hô hấp của người nhiễm bệnh đậu mùa khỉ.
(3) Lây truyền từ môi trường ô nhiễm sang người:
- Lây nhiễm từ quần áo, ga trải giường có các hạt tiểu phần da ô nhiễm
- Hít phải các hạt tiểu phần da ô nhiễm trong không khí hoặc các hạt phát tán ra tiếp xúc với các vị trí nhạy cảm như vùng da không nguyên vẹn, màng niêm mạc trên cơ thể.
Đậu mùa khỉ lây qua đường nào? Hướng dẫn điều trị bệnh đậu mùa khỉ ở người mới nhất như thế nào? (Hình từ internet)
Hướng dẫn điều trị bệnh đậu mùa khỉ ở người thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Mục 3 Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 2099/QĐ-BYT năm 2022 hướng dẫn điều trị bệnh đậu mùa khỉ ở người như sau:
Nguyên tắc điều trị bệnh đậu mùa khỉ:
- Thực hiện giám sát và cách ly ca bệnh nghi ngờ/ xác định;
- Điều trị triệu chứng là chủ yếu;
- Đảm bảo dinh dưỡng, cân bằng nước điện giải và hỗ trợ tâm lý;
- Sử dụng thuốc điều trị đặc hiệu ở những trường hợp nặng và cơ địa đặc biệt (trẻ sơ sinh, người cao tuổi, người bị suy giảm miễn dịch,…) theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và các quy định của Việt Nam.
- Theo dõi, phát hiện và xử trí kịp thời các tình trạng nặng, biến chứng của bệnh.
Điều trị cụ thể bệnh đậu mùa khỉ:
- Các biện pháp điều trị chung
+ Cách ly tại cơ sở y tế các trường hợp nghi ngờ/xác định theo hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ của Bộ Y tế.
+ Cá thể hóa việc điều trị cho từng người bệnh.
- Thể nhẹ:
Điều trị triệu chứng như:
+ Hạ sốt, giảm đau.
+ Chăm sóc tổn thương da, mắt, miệng.
+ Bảo đảm dinh dưỡng, cân bằng điện giải.
+ Cần theo dõi và phát hiện sớm các biến chứng nếu có: viêm phổi, nhiễm khuẩn da, nhiễm khuẩn huyết, viêm não... để điều trị ở buồng cách ly tại khoa hồi sức.
+ Phòng và kiểm soát nhiễm khuẩn theo quy định
- Thể nặng:
Cần điều trị ở buồng cách ly tại khoa hồi sức, điều trị biến chứng (nếu có) theo các phác đồ đã ban hành
- Thuốc điều trị đặc hiệu:
+ Chỉ định
++ Người có biến chứng nặng (nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi, viêm não…).
++ Người bị suy giảm miễn dịch (HIV, ung thư, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc corticosteroid liều cao…).
++ Trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 8 tuổi.
++ Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.
++ Những người đang có bệnh cấp tính tiến triển.
+ Các thuốc điều trị sử dụng theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (tham khảo phụ lục 2)
++ Tecovirimat
++ Cidofovir
++ Brincidofovir
++ Globulin miễn dịch tĩnh mạch
Biện pháp phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ ra sao?
Căn cứ tại chương IV Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 2265/QĐ-BYT năm 2022 có nêu rõ về các biện pháp phòng ngừa đậu mùa khỉ như sau:
Biện pháp phòng bệnh không đặc hiệu:
- Tránh tiếp xúc gần gũi với người mắc hoặc nghi mắc bệnh Đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương hở, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.
- Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.
- Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh tiếp xúc gần với người khác, bao gồm cả quan hệ tình dục.
- Người đến các quốc gia/vùng lãnh thổ có lưu hành dịch bệnh Đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa vi rút đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.
- Đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.
- Nhân viên y tế chăm sóc, điều trị cho người bệnh nghi ngờ hoặc xác định mắc bệnh Đậu mùa khỉ cần sử dụng trang phục phòng hộ (PPE) thích hợp.
Biện pháp phòng bệnh đặc hiệu:
Đến nay, kết quả một số nghiên cứu cho thấy vắc xin Đậu mùa trước đây có hiệu quả nhất định trong việc phòng chống bệnh đầu mùa khỉ. Hiện một số ít quốc gia đã phê duyệt sử dụng vắc xin phòng bệnh Đậu mùa/Đậu mùa khỉ thế hệ mới (thế hệ 2, 3) để sử dụng phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ 5,6,7.
Tới thời điểm ngày 18/7/2022, WHO không khuyến cáo tiêm vắc xin phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ một cách rộng rãi, chỉ tiêm cho những người có nguy cơ cao như nhân viên y tế, người tiếp xúc trực tiếp với trường hợp bệnh và việc tiêm vắc xin được xem xét, quyết định đối với từng trường hợp cụ thể khi có tiếp xúc và sau khi tiếp xúc với trường hợp bệnh. Các dữ liệu nghiên cứu về hiệu quả của vắc xin phòng Đậu mùa khỉ vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu.
Kiểm dịch y tế biên giới:
Thực hiện theo quy định tại Nghị định 89/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới và các chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế.
Việc cách ly và xử lý y tế tại cửa khẩu theo quy định tại Nghị định 101/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch và các chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế.
Khuyến cáo cho hành khách tự theo dõi sức khỏe trong vòng 21 ngày sau nhập cảnh, hạn chế tiếp xúc, tập trung nơi đông người8. Khi có triệu chứng phát ban, nhức đầu, sốt, ớn lạnh, đau họng, khó chịu, mệt mỏi và nổi hạch cần hạn chế tiếp xúc người khác và tới cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, chẩn đoán, điều trị.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.