Dấu hiệu bệnh sốt rét là gì? Các thể lâm sàng của bệnh sốt rét và dấu hiệu bệnh sốt rét ác tính ra sao?

Tôi muốn hỏi dấu hiệu bệnh sốt rét là gì? Các thể lâm sàng của bệnh sốt rét và dấu hiệu bệnh sốt rét ác tính? - câu hỏi của anh N.K.D (Yên Bái).

Dấu hiệu bệnh sốt rét là gì?

Tại Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sốt rét ban hành kèm theo Quyết định 3377/QĐ-BYT năm 2023 có hướng dẫn dấu hiệu bệnh sốt rét như sau:

(1) Sốt

- Người bệnh đang sốt hoặc có tiền sử sốt trong 3 ngày gần đây.

- Có triệu chứng điển hình của cơn sốt rét: rét run, sốt và vã mồ hôi, có tính chu kỳ.

- Những người bị sốt rét lần đầu tiên thường không có cơn sót rét điển hình mà thường sốt không thành cơn (người bệnh thấy ớn lạnh, gai rét) hoặc sốt cao liên tục, sốt dao động.

(2) Yếu tố dịch tễ:

Đến vùng sốt rét, đang ở hoặc trở về từ vùng sốt rét lưu hành hoặc có tiền sử mắc sốt rét.

Tất cả các trường hợp nghi ngờ sốt rét đều phải làm xét nghiệm để phát hiện ký sinh trùng sốt rét. Nếu lần đầu xét nghiệm soi lam âm tính, mà vẫn còn nghi ngờ người đó bị sốt rét, thì phải xét nghiệm lại lam máu sau 8-24 giờ tốt nhất vào thời điểm người bệnh đang lên cơn sốt.

Dấu hiệu bệnh sốt rét là gì? Các thể lâm sàng của bệnh sốt rét và dấu hiệu bệnh sốt rét ác tính ra sao?

Dấu hiệu bệnh sốt rét là gì? Các thể lâm sàng của bệnh sốt rét và dấu hiệu bệnh sốt rét ác tính ra sao?

Các thể lâm sàng của bệnh sốt rét và dấu hiệu bệnh sốt rét ác tính ra sao?

Tại Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sốt rét ban hành kèm theo Quyết định 3377/QĐ-BYT năm 2023 có hướng dẫn các thể lâm sàng của bệnh sốt rét và biểu hiện thường gặp trong sốt rét ác tính ở trẻ em và phụ nữ có thai như sau:

Các thể lâm sàng

Dấu hiệu

Sốt rét thể thông thường (chưa biến chứng)

Sốt rét chưa biến chứng là trường hợp mắc sốt rét xác định, không có dấu hiệu đe dọa tính mạng người bệnh, có thể có triệu chứng lâm sàng hoặc không.

- Triệu chứng lâm sàng:

+ Cơn sốt rét điển hình có 3 giai đoạn: rét run - sốt - vã mồ hôi, có tính chu kỳ.

+ Cơn sốt rét không điển hình như: sốt không thành cơn, ớn lạnh, gai rét (hay gặp ở người sống lâu trong vùng sót rét lưu hành), sốt liên tục hoặc dao động (hay gặp ở trẻ em, người bệnh bị sốt rét lần đầu).

+ Những dấu hiệu khác: thiếu máu, lách to, gan to...

- Xét nghiệm: có ký sinh trùng sốt rét.

Sốt rét ác tính/biến chứng

(1) Các dấu hiệu cảnh báo sốt rét ác tính

- Rối loạn ý thức nhẹ, thoáng qua (li bì, cuồng sảng, vật vã ...);

- Sốt cao liên tục;

- Rối loạn tiêu hóa: nôn, tiêu chảy nhiều lần trong ngày, đau bụng cấp;

- Đau đầu dữ dội;

- Mật độ ký sinh trùng thể vô tính cao (P. falciparum ++++ hoặc ≥ 100.000 KST/µl máu);

- Thiếu máu nặng: da xanh, niêm mạc nhợt.

(2) Các biểu hiện lâm sàng và xét nghiệm của sốt rét ác tính

Sốt rét ác tính được xác định khi phát hiện có ký sinh trùng sốt rét thể vô tính trong máu và xuất hiện một hoặc nhiều triệu chứng sau đây:

- Suy sụp: yếu toàn thân khiến người bệnh không có khả năng tự ngồi, đứng và đi lại mà không có sự hỗ trợ;

- Rối loạn tri giác hoặc hôn mê: Glasgow < 11 điểm đối với người lớn, Blantyre < 3 điểm đối với trẻ em;

- Co giật nhiều lần: trên 2 cơn /24 giờ;

- Suy hô hấp: nhịp thở > 30 lần/phút, co kéo cơ hô hấp và nghe có ran ẩm ở 2 đáy phổi. Độ bão hòa oxy trong máu mao mạch ngoại vi (SpO2) < 92% có thể có phù phổi cấp; ARDS; chụp X-quang phổi có hình mờ 2 rốn phổi và đáy phổi;

- Sốc: sốc còn bù được định nghĩa là thời gian đổ đầy mao mạch ≥ 3 giây hoặc chênh lệch nhiệt độ ở chân (đoạn giữa chi và phần chi sát thân mình) nhưng không hạ huyết áp. Sốc mất bù được định nghĩa là huyết áp tâm thu < 70 mmHg ở trẻ em hoặc < 80 mmHg ở người lớn, kèm theo bằng chứng của suy giảm tưới máu (máu ngoại vi hoặc thời gian đổ đầy mao mạch kéo dài);

- Thiếu máu nặng do sốt rét: nồng độ huyết sắc tố ≤ 5 g/dL hoặc hematocrit ≤ 15% ở trẻ em < 12 tuổi, nồng độ huyết sắc tố < 7 g/dL hoặc hematocrit < 20% ở người lớn với số lượng ký sinh trùng > 10.000/µL;

- Tổn thương gan: vàng da, Bilirubin toàn phần > 50 pmol/L (3 mg/dL), men gan cao;

- Suy thận cấp: thiểu niệu (< 400ml/ngày) hoặc vô niệu (< 200ml/ngày), Creatinine huyết tương hoặc huyết thanh > 265 pmol/L (> 3 mg/dL) ở cả người lớn và trẻ em; hoặc ure máu > 20 mmol/L;

- Rối loạn đông máu: bao gồm chảy máu tái phát hoặc kéo dài ở mũi, nướu răng hoặc các vị trí lấy máu tĩnh mạch; nôn ra máu hoặc đi ngoài phân đen;

- Toan chuyển hóa: thiếu hụt kiềm > 8 mEq/L hoặc thể hiện bằng mức bicarbonate huyết tương < 15 mmol/L (pH < 7,35) hoặc lactate huyết tương tĩnh mạch ≥ 5 mmol/L.

- Hạ đường huyết: đường huyết < 2,2 mmol/L (< 40 mg/dL);

- Mật độ ký sinh trùng cao (> 10% hồng cầu bị nhiễm ký sinh trùng, thường gặp với P. falciparum).

(3) Một số biểu hiện thường gặp trong sốt rét ác tính ở trẻ em và phụ nữ có thai

- Trẻ em: thiếu máu nặng, hôn mê, co giật, hạ đường huyết, suy hô hấp, toan chuyển hóa.

- Phụ nữ có thai: hạ đường huyết (thường sau điều trị quinin), thiếu máu, sảy thai, đẻ non, nhiễm trùng hậu sản sau sảy thai hoặc đẻ non.

Trường hợp bệnh sốt rét xác định khi nào?

Tại Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sốt rét ban hành kèm theo Quyết định 3377/QĐ-BYT năm 2023 có hướng dẫn các trường hợp bệnh sốt rét xác định như sau:

Trường hợp bệnh sốt rét xác định là trường hợp có ký sinh trùng sốt rét trong máu được xác định bằng xét nghiệm lam máu nhuộm Giemsa hoặc xét nghiệm chẩn đoán nhanh phát hiện kháng nguyên hoặc kỹ thuật sinh học phân tử.

* Các kỹ thuật xét nghiệm xác định ký sinh trùng sốt rét bao gồm:

- Kỹ thuật xét nghiệm lam máu nhuộm Giemsa: là kỹ thuật phổ biến trong phát hiện ký sinh trùng sốt rét ở các cơ sở y tế, kết quả xét nghiệm ký sinh trùng có thể trả lời trong vòng 1 giờ.

- Kỹ thuật xét nghiệm chẩn đoán nhanh phát hiện kháng nguyên sốt rét (Rapid Diagnostic Tests -RDTs): được áp dụng để chẩn đoán sốt rét tại các cơ sở y tế và y tế thôn bản, kết quả xét nghiệm ký sinh trùng có thể trả lời trong vòng 30 phút.

- Kỹ thuật sinh học phân tử: kỹ thuật xác định chất liệu di truyền (DNA hoặc RNA) của ký sinh trùng sốt rét trong máu. Áp dụng ở những nơi có đủ điều kiện kỹ thuật.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Nguyễn Hạnh Phương Trâm Lưu bài viết
2,004 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào