Đại sứ quán và Lãnh sự quán khác nhau thế nào? Người đứng đầu Đại sứ quán và Lãnh sự quán là ai?
Đại sứ quán và Lãnh sự quán khác nhau thế nào?
Căn cứ khoản 1, 2 Điều 4 Luật Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài 2009 giải thích khái niệm Đại sứ quán và Lãnh sự quán như sau:
(1) Cơ quan đại diện ngoại giao là Đại sứ quán.
(2) Cơ quan đại diện lãnh sự là Tổng Lãnh sự quán và Lãnh sự quán.
Dưới đây là sự phân biệt sự khác nhau giữa Đại sứ quán và Lãnh sự quán:
Tiêu chí | Đại sứ quán | Tổng Lãnh sự quán, Lãnh sự quán |
Chức năng | Đều là cơ quan đại diện thực hiện chức năng đại diện chính thức của một quốc gia trong quan hệ với quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế tiếp nhận và thống nhất quản lý hoạt động đối ngoại. | Đều là cơ quan đại diện thực hiện chức năng đại diện chính thức của một quốc gia trong quan hệ với quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế tiếp nhận và thống nhất quản lý hoạt động đối ngoại. |
Khái niệm | Đại sứ quán là cơ quan đại diện ngoại giao của một quốc gia tại một quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế, giữa những chủ thể này có quan hệ ngoại giao và đồng ý thiết lập cơ quan đại diện ngoại giao. | Lãnh sự quán là cơ quan đại diện lãnh sự của một quốc gia để thực hiện chức năng lãnh sự tại một bộ phận lãnh thổ của một quốc gia khác. |
Vị trí | Đặt tại thủ đô của quốc gia có Đại sứ quán. | Đặt tại các thành phố lớn của quốc gia có Tổng Lãnh sự quán, Lãnh sự quán. |
Chức vụ trong cơ quan đại diện | Đứng đầu là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền hoặc Đại biện trong trường hợp chưa cử Đại sứ đặc mệnh toàn quyền. Tiếp đó là Đại sứ, Công sứ, Tham tán công sứ, Tham tán, các Bí thư, Tùy viên. | Đứng đầu Tổng Lãnh sự quán là Tổng Lãnh sự. Đứng đầu Lãnh sự quán là Lãnh sự. Tiếp đó là Phó Tổng Lãnh sự, Lãnh Sự, Phó Lãnh Sự, Tùy viên lãnh sự. |
Chức năng, nhiệm vụ | Thực hiện chức năng đại diện tại một hay nhiều quốc gia hoặc tổ chức quốc tế, và có thể thực hiện chức năng, nhiệm vụ ngoại giao, lãnh sự do quốc gia khác ủy nhiệm. | Thực hiện chức năng, nhiệm vụ lãnh sự tại khu vực lãnh sự và có thể thực hiện chức năng, nhiệm vụ này ngoài khu vực lãnh sự nếu có thỏa thuận khác. |
Lĩnh vực hoạt động | Hoạt động của Đại sứ quán rộng hơn, gồm nhiều lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, … | Hoạt động của Lãnh sự quán hẹp hơn, chủ yếu về kinh tế và visa. |
Lưu ý: Nội dung so sánh trên chỉ mang tính chất tham khảo!
Đại sứ quán và Lãnh sự quán khác nhau thế nào? Người đứng đầu Đại sứ quán và Lãnh sự quán là ai? (Hình ảnh Internet)
Người đứng đầu Đại sứ quán và Lãnh sự quán là ai?
Căn cứ khoản 1, 2 Điều 19 Luật Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài 2009 quy định người đứng đầu cơ quan đại diện:
Người đứng đầu cơ quan đại diện
1. Người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền hoặc Đại biện trong trường hợp chưa cử Đại sứ đặc mệnh toàn quyền.
2. Người đứng đầu Tổng Lãnh sự quán là Tổng Lãnh sự. Người đứng đầu Lãnh sự quán là Lãnh sự.
Như vậy, người đứng đầu Đại sứ quán là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền hoặc Đại biện trong trường hợp chưa cử Đại sứ đặc mệnh toàn quyền.
Người đứng đầu Tổng Lãnh sự quán là Tổng Lãnh sự. Người đứng đầu Lãnh sự quán là Lãnh sự.
Lãnh sự quán có thể thực hiện chức năng, nhiệm vụ ngoài khu vực lãnh sự không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài 2009 thì cơ quan đại diện lãnh sự là Tổng Lãnh sự quán và Lãnh sự quán.
Đồng thời, tại khoản 3 Điều 12 Luật Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài 2009 có quy định về phân công thực hiện chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan đại diện như sau:
Phân công thực hiện chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan đại diện
1. Cơ quan đại diện thực hiện chức năng, nhiệm vụ cụ thể theo quyết định thành lập của Chính phủ, phù hợp với thỏa thuận giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp nhận, phù hợp với pháp luật quốc tế.
2. Cơ quan đại diện ngoại giao là cơ quan đại diện cao nhất của Nhà nước Việt Nam tại quốc gia tiếp nhận.
Cơ quan đại diện ngoại giao có thể thực hiện chức năng đại diện tại một hay nhiều quốc gia hoặc tổ chức quốc tế và có thể thực hiện chức năng, nhiệm vụ ngoại giao, lãnh sự do quốc gia khác ủy nhiệm.
Cơ quan đại diện ngoại giao có trách nhiệm thống nhất quản lý hoạt động đối ngoại của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại quốc gia tiếp nhận và có quyền kiểm tra hoạt động đối ngoại của cơ quan đại diện lãnh sự tại quốc gia tiếp nhận.
3. Cơ quan đại diện lãnh sự thực hiện chức năng, nhiệm vụ lãnh sự tại khu vực lãnh sự và có thể thực hiện chức năng, nhiệm vụ này ngoài khu vực lãnh sự theo thỏa thuận giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và quốc gia tiếp nhận.
Cơ quan đại diện lãnh sự có thể thực hiện chức năng, nhiệm vụ lãnh sự tại một hay nhiều quốc gia hoặc chức năng, nhiệm vụ lãnh sự do quốc gia khác ủy nhiệm tại quốc gia tiếp nhận và chức năng, nhiệm vụ ngoại giao tại quốc gia tiếp nhận theo thỏa thuận giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và quốc gia tiếp nhận.
Cơ quan đại diện lãnh sự có trách nhiệm thống nhất quản lý hoạt động đối ngoại của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại quốc gia tiếp nhận trong trường hợp không có cơ quan đại diện ngoại giao tại quốc gia đó.
4. Cơ quan đại diện tại tổ chức quốc tế có thể thực hiện chức năng, nhiệm vụ đại diện tại một hay nhiều tổ chức quốc tế và có thể thực hiện một số nhiệm vụ lãnh sự tại quốc gia nơi đặt trụ sở của tổ chức quốc tế theo thỏa thuận giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và quốc gia đó.
Như vậy, theo quy định trên thì lãnh sự quán là cơ quan đại diện lãnh sự thực hiện chức năng, nhiệm vụ lãnh sự tại khu vực lãnh sự và có thể thực hiện chức năng, nhiệm vụ này ngoài khu vực lãnh sự theo thỏa thuận giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và quốc gia tiếp nhận.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.