Đã có Luật Thi đua khen thưởng 2022: Bảo đảm bình đẳng giới trong thi đua, khen thưởng từ 01/01/2024?
- Quy định về mục tiêu của thi đua, khen thưởng?
- Nguyên tắc thực hiện thi đua, khen thưởng theo Luật Thi đua, khen thưởng 2003?
- Quy định về nguyên tắc thực hiện thi đua, khen thưởng theo Luật Thi đua, khen thưởng 2022?
- Quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác thi đua, khen thưởng?
Quy định về mục tiêu của thi đua, khen thưởng?
Căn cứ theo quy định tại Điều 4 Luật Thi đua khen thưởng 2022 quy định về mục tiêu của thi đua, khen thưởng cụ thể như sau:
(1) Mục tiêu của thi đua là nhằm động viên, thu hút, khuyến khích mọi cá nhân, tập thể, hộ gia đình phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, đổi mới, năng động, sáng tạo vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt được thành tích tốt nhất trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
(2) Mục tiêu của khen thưởng là nhằm khuyến khích, động viên cá nhân, tập thể, hộ gia đình hăng hái thi đua; ghi nhận công lao, thành tích của cá nhân, tập thể, hộ gia đình trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đã có Luật Thi đua khen thưởng 2022: Bảo đảm bình đẳng giới trong thi đua, khen thưởng từ 01/01/2024?
Nguyên tắc thực hiện thi đua, khen thưởng theo Luật Thi đua, khen thưởng 2003?
Về nội dung nguyên tắc thực hiện thi đua, khen thưởng theo Luật Thi đua, khen thưởng 2003 thì tại Điều 6 Luật Thi đua khen thưởng 2003 (khoản 2 Điều này được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Luật thi đua, khen thưởng sửa đổi 2013) quy định cụ thể như sau:
(1) Nguyên tắc thi đua gồm:
- Tự nguyện, tự giác, công khai;
- Đoàn kết, hợp tác và cùng phát triển.
(2) Nguyên tắc khen thưởng gồm:
- Chính xác, công khai, công bằng, kịp thời;
- Một hình thức khen thưởng có thể tặng nhiều lần cho một đối tượng; không tặng thưởng nhiều hình thức cho một thành tích đạt được;
- Bảo đảm thống nhất giữa tính chất, hình thức và đối tượng khen thưởng;
- Kết hợp chặt chẽ động viên tinh thần với khuyến khích bằng lợi ích vật chất.
Quy định về nguyên tắc thực hiện thi đua, khen thưởng theo Luật Thi đua, khen thưởng 2022?
Căn cứ theo quy định tại Điều 5 Luật Thi đua, khen thưởng 2022 quy định về nguyên tắc thực hiện thi đua, khen thưởng cụ thể như sau:
(1) Việc thi đua được thực hiện theo các nguyên tắc sau đây:
- Tự nguyện, tự giác, công khai, minh bạch;
- Đoàn kết, hợp tác và cùng phát triển.
(2) Việc khen thưởng được thực hiện theo các nguyên tắc sau đây:
- Chính xác, công khai, minh bạch, công bằng, kịp thời;
- Bảo đảm thống nhất giữa hình thức, đối tượng khen thưởng và công trạng, thành tích đạt được;
- Một hình thức khen thưởng có thể tặng nhiều lần cho một đối tượng; không khen thưởng nhiều lần, nhiều hình thức cho một thành tích đạt được; thành tích đến đâu khen thưởng đến đó;
- Chú trọng khen thưởng cá nhân, tập thể, hộ gia đình trực tiếp lao động, sản xuất, kinh doanh; cá nhân, tập thể công tác ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
(3) Bảo đảm bình đẳng giới trong thi đua, khen thưởng.
Quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác thi đua, khen thưởng?
Đối với quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc thực hiện công tác thi đua, khen thưởng thì tại Điều 13 Luật Thi đua khen thưởng 2022 quy định cụ thể như sau:
(1) Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về kết quả công tác thi đua, khen thưởng; phát hiện cá nhân, tập thể, hộ gia đình có thành tích để khen thưởng theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng; nhân rộng điển hình tiên tiến; đánh giá thành tích; chịu trách nhiệm về quyết định khen thưởng và việc trình cấp trên khen thưởng.
(2) Cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm áp dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa về quản lý công tác thi đua, khen thưởng.
(3) Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này và có trách nhiệm sau đây:
- Tuyên truyền, vận động, động viên các đoàn viên, hội viên và Nhân dân thực hiện pháp luật về thi đua, khen thưởng;
- Tổ chức hoặc phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức các phong trào thi đua;
- Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng và phản biện xã hội đối với dự thảo chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng.
(4) Cơ quan báo chí có trách nhiệm thực hiện quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này và thường xuyên tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng; tích cực tham gia phát hiện cá nhân, tập thể, hộ gia đình có thành tích xuất sắc; phổ biến, nêu gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, góp phần cổ vũ, khích lệ phong trào thi đua. Công tác tuyên truyền phản ánh đúng kết quả của phong trào thi đua và công tác khen thưởng; kịp thời phản ánh, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng.
(5) Cơ quan, tổ chức, đơn vị tham mưu, giúp việc về công tác thi đua, khen thưởng có trách nhiệm sau đây:
- Tham mưu, đề xuất thực hiện công tác thi đua, khen thưởng;
- Tham mưu phát động phong trào thi đua; xây dựng chương trình, kế hoạch, nội dung thi đua;
- Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện công tác thi đua, khen thưởng; tiếp nhận, xem xét, thẩm định hồ sơ đề nghị tặng danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng; trình cấp có thẩm quyền quyết định việc khen thưởng;
- Tham mưu sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua.
Luật Thi đua khen thưởng 2022 có hiệu lực từ ngày 01/01/2024.
Trên đây là một số thông tin chúng tôi cung cấp gửi tới bạn. Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.