Đã có chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Cơ sở giá trị thẩm định giá từ ngày 01/7/2024 ra sao?
Đã có chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Cơ sở giá trị thẩm định giá từ ngày 01/7/2024 ra sao?
Ngày 16/5/2024, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 30/2024/TT-BTC các chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Quy tắc đạo đức nghề nghiệp thẩm định giá, Phạm vi công việc thẩm định giá, Cơ sở giá trị thẩm định giá, Hồ sơ thẩm định giá.
Trong đó, Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Cơ sở giá trị thẩm định giá có quy định chung như sau:
(1) Phạm vi điều chỉnh
Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam này quy định và hướng dẫn về báo cáo thẩm định giá, chứng thư thẩm định giá, thông báo kết quả thẩm định giá, hồ sơ thẩm định giá khi thẩm định giá theo quy định của pháp luật về giá.
(2) Đối tượng áp dụng
- Thẩm định viên về giá, doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm định giá theo quy định của pháp luật về giá.
- Tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động thẩm định giá của Nhà nước theo quy định của pháp luật về giá áp dụng quy định tại Điều 3, Điều 4, Điều 8, Điều 9 và Điều 10 của Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Cơ sở giá trị thẩm định giá.
- Tổ chức, cá nhân yêu cầu thẩm định giá, bên thứ ba sử dụng báo cáo thẩm định giá theo hợp đồng thẩm định giá (nếu có).
Đã có chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Cơ sở giá trị thẩm định giá từ ngày 01/7/2024 ra sao? (Hình từ Internet)
Các cơ sở giá trị theo chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Cơ sở giá trị thẩm định giá mới nhất là cơ sở nào?
Căn cứ Điều 4 chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Cơ sở giá trị thẩm định giá tại Thông tư 30/2024/TT-BTC, cơ sở giá trị bao gồm nhưng không giới hạn trong các loại cơ sở giá trị sau:
- Giá trị thị trường,
- Giá trị thuê thị trường,
- Giá trị đầu tư,
- Giá trị bắt buộc phải bán,
- Giá trị ngang bằng.
Cơ sở giá trị hợp lý được quy định tại pháp luật Việt Nam về lập báo cáo tài chính và hướng dẫn tại Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế.
Cụ thể các cơ sở giá trị theo chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam như thế nào?
Theo chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Cơ sở giá trị thẩm định giá ban hành kèm theo Thông tư 30/2024/TT-BTC, cụ thể các cơ sở giá trị như sau:
(1) Giá trị thị trường
- Giá trị thị trường là khoản tiền ước tính để tài sản có thể được giao dịch tại thời điểm thẩm định giá giữa người sẵn sàng mua và người sẵn sàng bán trong một giao dịch khách quan, độc lập, sau khi được tiếp thị đầy đủ và các bên tham gia hành động có hiểu biết, thận trọng và không bị ép buộc.
- Giá trị thị trường thể hiện mức giá hợp lý có khả năng đạt được trên một thị trường vào thời điểm thẩm định giá và phù hợp với khái niệm giá trị thị trường. Đây là một mức giá ước tính mà không phải là một khoản tiền được ấn định trước hay là giá bán thực tế.
- Giá trị tài sản cần gắn với thời điểm thẩm định giá và đây là thời điểm xác định cụ thể do các điều kiện thị trường có thể thay đổi theo thời gian, dẫn tới giá trị thẩm định giá ước tính có thể không phù hợp tại thời điểm khác thời điểm thẩm định giá.
- Giá trị thị trường được ước tính trong một thị trường mở và cạnh tranh, nơi các bên tham gia thị trường được tự do quyết định hành vi mua bán.
Thị trường ở đây có thể là thị trường quốc tế hoặc thị trường trong nước. Thị trường có thể bao gồm nhiều người mua và người bán, hoặc có thể là thị trường có số lượng người tham gia thị trường hạn chế.
(2) Giá trị thuê thị trường
- Giá trị thuê thị trường là khoản tiền ước tính để được thuê một quyền lợi từ bất động sản tại địa điểm, thời điểm thẩm định giá giữa người sẵn sàng cho thuê và người sẵn sàng thuê theo các điều khoản thuê thích hợp trong một giao dịch khách quan, độc lập sau khi được tiếp thị đầy đủ và các bên tham gia hành động có hiểu biết, thận trọng và không bị ép buộc.
- Giá trị thuê thị trường có thể được sử dụng làm cơ sở giá trị thẩm định giá khi thẩm định giá một hợp đồng cho thuê hoặc một quyền lợi do hợp đồng thuê tạo ra. Trong trường hợp này, cần phải xem xét, đánh giá sự khác nhau giữa giá thuê theo hợp đồng và giá thuê thị trường.
- Để tính toán giá trị thuê thị trường, thẩm định viên cần xem xét các yếu tố sau:
+ Trường hợp xác định giá trị thuê của một hợp đồng thuê thực tế, thì các điều khoản và điều kiện của hợp đồng phải là các điều khoản thuê phù hợp với các quy định của pháp luật;
+ Trường hợp xác định giá trị thuê không thuộc một hợp đồng thuê thực tế, thì các điều khoản và điều kiện giả định của hợp đồng thuê giả định này phải được thị trường chấp nhận cho từng loại bất động sản giữa các bên tham gia thị trường vào ngày thẩm định giá.
(3) Giá trị đầu tư
- Giá trị đầu tư là số tiền ước tính tại thời điểm thẩm định giá của một tài sản đối với một chủ sở hữu cụ thể hoặc chủ sở hữu tiềm năng cho hoạt động đầu tư cụ thể hoặc các mục đích hoạt động cụ thể.
- Giá trị đầu tư là cơ sở giá trị có tính đặc thù cho một đối tượng cụ thể. Cơ sở giá trị này phản ánh những lợi ích mà chủ sở hữu này nhận được từ việc nắm giữ tài sản đó.
Giá trị đầu tư thường phản ánh các tình huống và mục tiêu tài chính của đối tượng cụ thể mà việc thẩm định giá hướng đến. Giá trị đầu tư cũng thường được sử dụng để đo lường hiệu quả đầu tư.
(4) Giá trị bắt buộc phải bán
- Giá trị bắt buộc phải bán phản ánh giá trị tài sản tại thời điểm thẩm định giá trong trường hợp người bán bắt buộc phải bán tài sản trong một thời gian hạn chế, dẫn tới không thực hiện được việc tiếp thị đầy đủ và người mua có thể không được kiểm tra về nhiều mặt liên quan đến tài sản một cách đầy đủ. Bắt buộc phải bán là tình huống mà giao dịch dự kiến được diễn ra.
- Giá có thể đạt được trong một giao dịch bắt buộc phải bán phụ thuộc vào bản chất áp lực bán của người bán và lý do việc tiếp thị đầy đủ không thể thực hiện được.
Việc xác định giá trị bắt buộc phải bán chi thực hiện được khi có những giả định hợp lý về hậu quả của việc khó hoặc không thể bán được trong một thời gian nhất định do các hạn chế từ phía người bán.
(5) Giá trị ngang bằng
- Giá trị ngang bằng là mức giá ước tính cho việc chuyển nhượng của tài sản giữa hai bên đã được xác định cụ thể, có hiểu biết và sẵn sàng mua bán tại địa điểm, thời điểm thẩm định giá; mức giá này phản ánh lợi ích tương ứng của các bên.
- Giá trị ngang bằng yêu cầu đánh giá mức giá hợp lý giữa hai bên cụ thể, xác định có tính đến các lợi thế và bất lợi tương ứng mà mỗi bên sẽ có được khi thực hiện giao dịch.
Thông tư 30/2024/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2024.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.