Cúng Rằm tháng Giêng 2024 vào ngày nào? Khung giờ cúng Rằm tháng Giêng 2024 theo quan niệm dân gian là khi nào?
Nguồn gốc của ngày tết Nguyên tiêu (Rằm tháng Giêng) là gì?
Về nguồn gốc của Rằm tháng Giêng - tết Nguyên tiêu, dân gian có nhiều giải thích. Có truyền thuyết cho rằng, tết Nguyên tiêu bắt nguồn từ việc đồng áng trong dân gian.
Sau ngày Rằm tháng Giêng hàng năm, công việc cày bừa của vụ chiêm sẽ bắt đầu. Bà con nông dân ở các nơi đều khẩn trương chuẩn bị cho công việc đồng áng. Trước khi xuống đồng, họ làm lễ để tỏ lòng nhớ ơn tổ tiên, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Cúng Rằm tháng Giêng 2024 vào ngày nào? Khung giờ cúng Rằm tháng Giêng 2024 theo quan niệm dân gian là khi nào? (Hình từ Internet)
Cúng Rằm tháng Giêng 2024 vào ngày nào? Khung giờ cúng Rằm tháng Giêng 2024 theo quan niệm dân gian là khi nào?
Rằm tháng Giêng là ngày 15/1 âm lịch hàng năm. Năm 2024, Rằm tháng Giêng rơi vào thứ 7 tức là ngày 24/2 dương lịch.
Người xưa cho rằng, ngày rằm đầu năm thích hợp để cầu phúc, bình an, tài lộc, công việc thuận lợi… cho năm mới. Vì vậy, cúng Rằm tháng Giêng được xem là nghi lễ quan trọng của người Việt.
(1) Ngày cúng Rằm tháng Giêng 2024
Người xưa cho rằng, lễ cúng Rằm tháng Giêng nên được tiến hành vào ngày chính Rằm (15/1 âm lịch), tức là vào ngày 24/2/2024 dương lịch.
Tuy nhiên, nếu các gia đình không sắp xếp cúng được đúng ngày chính Rằm thì có thể chọn cúng Rằm tháng Giêng 2024 từ sáng ngày 14/1 đến ngày 15/1 âm lịch.
(2) Khung giờ cúng Rằm tháng Giêng 2024
Theo lịch vạn niên, cúng Rằm tháng Giêng 2024 có các khung giờ tốt như sau:
Ngày chính Rằm (15/1 âm lịch, tức 24/2/2024 dương lịch), khung giờ tốt gồm:
- Ất Mão (5h-7h);
- Mậu Ngọ (11h-13h) là khung giờ được cho là đẹp nhất;
- Canh Thân (15h-17h);
- Tân Dậu (17h-19h).
Ngày 14/1 âm lịch, tức ngày 23/2/2024 dương lịch, khung giờ tốt gồm:
- Giáp Thìn (7h-9h);
- Bính Ngọ (11h-13h);
- Đinh Mùi (13h-15h);
- Canh Tuất (19h-21h).
Mâm cúng Rằm tháng Giêng 2024 gồm những gì?
Đối với lễ cúng tại gia, nhiều gia đình chỉ cần làm một mâm cỗ đặt lên bàn thờ chính, một số gia đình muốn làm cầu kỳ hơn sẽ sửa soạn mâm lễ để cúng cả trong nhà và ngoài trời.
Thường theo truyền thống của người Việt, mâm cúng Rằm tháng Giêng 2024 sẽ bao gồm: mâm cỗ chay cúng trời Phật và mâm cỗ mặn cúng gia tiên.
Nhà ít người không nên làm quá nhiều món, quá nhiều mâm cỗ, sau đó dễ dẫn đến tình trạng lãng phí.
Mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng 2024 truyền thống:
- Thịt gà, xôi gấc/bánh chưng. Xôi gấc có màu đỏ, được cho là sẽ mang đến may mắn cho gia đình trong năm mới.
- Các món giò, chả, rau xào... cũng thường có mặt trên mâm cỗ mặn cúng gia tiên vào ngày Rằm tháng Giêng.
Tùy theo vùng miền, lễ vật và các món ăn trên mâm cúng Rằm tháng Giêng có khác biệt. Nếu như miền Bắc có chân giò hầm măng khô, canh bóng thả, nem rán,... thì miền Trung thường cúng thịt lợn, giá chua, giò chả. Người miền Nam lại cúng Rằm tháng Giêng với canh khổ qua, thịt kho tàu, chả giò, gỏi tôm thịt…
Riêng mâm cúng trời Phật thì làm cơm chay, không có tiền vàng và rượu.
Mâm cỗ chay cúng trời Phật gồm: Hoa quả, chè xôi, các món đậu, bánh trôi nước… Điểm đặc biệt trên mâm cỗ chay là sự hiện diện của bánh trôi nước. Ý nghĩa của việc ăn bánh trôi ngày tết Nguyên tiêu là mong muốn mọi việc quanh năm được hanh thông, trôi chảy.
Ngoài thức ăn, mâm cúng Rằm tháng Giêng không thể thiếu các đồ lễ như: Hương, hoa tươi, vàng mã, đèn nến, trầu cau, rượu… điều này cũng căn cứ vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình và phong tục tập quán vùng miền.
Người lao động làm việc vào ngày Rằm tháng Giêng 2024 được hưởng lương bao nhiêu?
Căn cứ theo quy định tại Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Nghỉ lễ, tết
1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
a) Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
b) Tết Âm lịch: 05 ngày;
c) Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
d) Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
đ) Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
2. Lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ theo quy định tại khoản 1 Điều này còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.
3. Hằng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể ngày nghỉ quy định tại điểm b và điểm đ khoản 1 Điều này.
Theo điểm b khoản 1 Điều 98 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm
1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau:
a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
2. Người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.
3. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Năm 2024, Rằm tháng Giêng rơi vào thứ 7 tức là ngày 24/2 dương lịch. Nếu ngày này không phải ngày nghỉ hằng tuần thì được hưởng lương như ngày bình thường
Nếu ngày Rằm tháng Giêng rơi vào ngày nghỉ hằng tuần thì người lao động được hưởng ít nhất 200% tiền lương.
Ngoài ra, trường hợp người lao động làm việc vào ban đêm thì sẽ được trả thêm ít nhất 30% tiền lương của ngày làm việc bình thường và 20% tiền lương của ngày làm việc bình thường.
Như vậy, nếu Ngày rằm tháng giêng 2024 rơi vào ngày nghỉ hằng tuần của người lao động thì người lao động đi làm ngày ngày rằm tháng giêng 2024 thì tiền lương được tính như sau:
- Làm việc vào ban ngày: Nhận ít nhất 200% lương.
- Làm việc vào ban đêm: Nhận ít nhất 270% lương.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.