Cư dân biên giới là gì theo Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa Việt Nam - Lào ký năm 2016?
Theo Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa Việt Nam - Lào ký năm 2016, cư dân biên giới là gì?
Căn cứ tại khoản 9 Điều 1 Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa Việt Nam - Lào năm 2016 có nêu rõ cư dân biên giới như sau:
"Cư dân biên giới” là chỉ công dân Việt Nam hoặc công dân Lào có đăng ký cư trú tại “khu vực biên giới”.
Cư dân biên giới là gì theo Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa Việt Nam - Lào ký năm 2016? (Hình từ Internet)
Những hành vi nào bị nghiêm cấm trong khu vực biên giới giữa Việt Nam - Lào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 5 Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa Việt Nam - Lào năm 2016 có nêu rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong khu vực biên giới giữ Việt Nam - Lào bao gồm:
- Xê dịch, phá hoại hoặc gây hư hại mốc quốc giới, dấu hiệu nhận biết đường biên giới, công trình công ích, các loại biển báo “Khu vực biên giới”, “Khu vực cửa khẩu”, “Vành đai biên giới”, “Vùng cấm”; làm sai lệch, chệch hướng đi của đường biên giới; làm thay đổi dòng chảy tự nhiên của sông, suối biên giới.
- Kích động hoặc phá hoại an ninh, an toàn xã hội và trật tự công cộng; bắn súng qua biên giới; gây nổ, chặt phá và đốt cây trong vành đai biên giới; xâm canh, xâm cư, khai thác tài nguyên thiên nhiên, lâm thổ sản, thủy sản trái phép và các hành vi khác gây nguy hại cho quốc phòng, an ninh và sức khỏe con người.
- Làm cạn kiệt nguồn nước, gây ngập úng, gây ô nhiễm môi trường, lắp đặt các thiết bị lưu giữ chất hóa học nguy hiểm, xây dựng cơ sở xử lý chất thải nguy hiểm trong phạm vi 1.000m (một nghìn mét) hoặc khai khoáng trong phạm vi 500m (năm trăm mét) tính từ đường biên giới về mỗi nước (trừ trường hợp hai Bên có thỏa thuận khác).
- Xuất cảnh, nhập cảnh và cư trú trái phép trong khu vực biên giới; mua bán người; buôn lậu, gian lận thương mại, mua bán, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ, vũ khí, ma túy, chất phóng xạ, nguyên liệu hạt nhân, hóa chất độc hại, chất cháy, nổ nguy hiểm, chất thải qua biên giới; vận chuyển qua biên giới văn hóa phẩm độc hại, hàng hóa, vật phẩm có khả năng truyền dịch bệnh nguy hiểm, gây hại cho sức khỏe của con người, động vật, thực vật và môi trường.
- Bay vào khu vực cấm bay; bắn, phóng, thả, đưa qua biên giới trên không của hai nước thiết bị bay, vật thể, các chất gây hại hoặc có nguy cơ gây hại cho quốc phòng, an ninh, kinh tế, sức khỏe của người, môi trường, an toàn hàng không và trật tự, an toàn xã hội.
- Khảo sát, quay phim, chụp ảnh, ghi âm, đo, vẽ cảnh vật ở những nơi có biển cấm những hành vi đó.
- Giả mạo giấy tờ của cơ quan có thẩm quyền của hai Bên để hoạt động trong khu vực biên giới, vành đai biên giới, vùng cấm và khu vực cửa khẩu.
- Các hành vi khác vi phạm quy định của Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa Việt Nam - Lào năm 2016
Quản lý và bảo vệ mốc quốc giới giữa Việt Nam - Lào như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 7 Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa Việt Nam - Lào năm 2016 có nêu rõ như sau:
Quản lý và bảo vệ mốc quốc giới
1. Lực lượng chuyên trách bảo vệ biên giới hai Bên chịu trách nhiệm áp dụng các biện pháp để bảo vệ và ngăn ngừa việc mốc quốc giới bị phá hoại, dịch chuyển hoặc bị đánh cắp; giữ cho vị trí, loại mốc, chất liệu, hình dạng, kích thước, ký hiệu chữ và màu sắc của mốc quốc giới đúng với quy cách được quy định trong các văn kiện về phân giới, cắm mốc.
2. Không Bên nào đơn phương thay đổi vị trí mốc hoặc xây dựng thêm mốc quốc giới.
3. Nếu lực lượng chuyên trách bảo vệ biên giới Bên nào phát hiện mốc quốc giới bị hư hỏng, bị phá hoại, bị dịch chuyển hoặc bị mất phải báo cáo ngay với Cơ quan biên giới trung ương và cấp trên có thẩm quyền, đồng thời thông báo ngay cho lực lượng chuyên trách bảo vệ biên giới Bên kia để phối hợp cùng xác minh làm rõ vụ việc và thống nhất biện pháp giải quyết theo quy định của Hiệp định này.
Bên phụ trách việc quản lý, bảo vệ mốc quốc giới này phải kịp thời tiến hành sửa chữa, khôi phục hoặc xây dựng lại mốc quốc giới tại vị trí cũ và cần thông báo cho bên kia ít nhất 10 ngày trước khi triển khai công việc. Khi một bên tiến hành công việc này, đại diện của bên kia cần phải có mặt tại hiện trường. Sau khi hoàn thành công việc, đại diện hai bên phải lập và ký biên bản xác nhận. Biên bản này được lập thành hai bản chính, mỗi bản bằng tiếng Việt và tiếng Lào, do đại diện hai bên ký (mẫu biên bản nêu tại Phụ lục 1, Phụ lục 2);
Đại diện cấp có thẩm quyền của hai Bên xử lý công việc nêu tại Khoản này do hai Bên thống nhất thỏa thuận.
4. Kiểu dáng, quy cách, chất liệu và vị trí của mốc quốc giới được sửa chữa, khôi phục hoặc xây dựng lại đều phải phù hợp với Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào ký ngày 16 tháng 3 năm 2016 và các văn kiện kiểm tra liên hợp.
5. Đối với các mốc quốc giới không thể khôi phục hoặc xây dựng lại tại vị trí cũ, đại diện hai Bên tiến hành lập biên bản (theo mẫu nêu tại Phụ lục 3), ghi rõ lý do không thể khôi phục hoặc xây dựng lại tại vị trí cũ và báo cáo tình hình lên Cơ quan biên giới trung ương hai Bên để xem xét quyết định và xác định một vị trí thích hợp khác để cắm lại mốc quốc giới này trên đường biên giới (đối với mốc quốc giới là mốc đơn) và không ảnh hưởng đến đường biên giới (đối với mốc quốc giới là mốc đôi, mốc ba cùng số). Việc cắm mốc quốc giới tại vị trí mới phải có biên bản ghi nhận (theo mẫu nêu tại Phụ lục 4).
6. Hồ sơ và biên bản về việc sửa chữa, khôi phục và xây dựng mốc quốc giới nêu tại Khoản 3 và Khoản 5 Điều này phải được chuyển lên Cơ quan biên giới trung ương hai Bên để phê duyệt và lưu hồ sơ.
7. Cơ quan có thẩm quyền của mỗi Bên tiến hành xử lý vi phạm, truy cứu trách nhiệm theo pháp luật nước mình đối với những người làm hư hỏng, dịch chuyển, đánh cắp hoặc hủy hoại mốc quốc giới.
8. Khi có cơ sở xác định rõ ràng, chính xác mốc quốc giới bị công dân một nước phá hoại hoặc làm hư hại thì nước có công dân đó phải đảm bảo toàn bộ phí tổn về việc khôi phục hoặc sửa chữa mốc quốc giới đó; trường hợp mốc quốc giới bị hư hại do nguyên nhân khác thì mốc do Bên nào quản lý thì Bên đó đảm bảo kinh phí.
Theo đó, việc quản lý và bảo vệ mốc quốc giới giữa Việt Nam - Lào được thực hiện theo quy định trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.