Công văn 05 về bổ sung, hoàn thiện phương án tinh gọn bộ máy ở địa phương? Toàn văn Công văn 05 năm 2025?
Công văn 05 về bổ sung, hoàn thiện phương án tinh gọn bộ máy ở địa phương? Toàn văn Công văn 05 năm 2025?
Ngày 12/01/2025, Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2017 của Chính phủ đã có Công văn 05/CV-BCĐTKNQ18 năm 2025 về việc bổ sung, hoàn thiện phương án sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.
Cụ thể, nội dung bổ sung, hoàn thiện phương án tinh gọn bộ máy ở địa phương (bổ sung, hoàn thiện phương án sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện) tại Công văn 05/CV-BCĐTKNQ18 năm 2025như sau:
Căn cứ chủ trương tại Kết luận 09-KL/TW năm 2024 và yêu cầu tại Công văn 22-CV/BCĐ năm 2024 của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2017 ; ngày 18/12/2024, Ban Chỉ đạo của Chính phủ đã có Công văn số 24/CV-BCĐTKNQ18 định hướng, gợi ý một số nội dung về sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.
Căn cứ ý kiến kết luận của Bộ Chính trị tại Công văn 13038-CV/VPTW năm 2025 của Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo của Chính phủ đề nghị các địa phương hoàn thiện phương án sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện như sau:
Về tên gọi của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện:
(1) Đối với các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
- Giữ nguyên tên Sở Tài chính sau khi hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính.
- Giữ nguyên tên Sở Nội vụ sau khi hợp nhất Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và Sở Nội vụ.
- Giữ nguyên tên Sở Xây dựng sau khi hợp nhất Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng. Trường hợp thực hiện phương án sáp nhập Sở Quy hoạch - Kiến trúc vào Sở Xây dựng thì giữ nguyên tên Sở Xây dựng.
- Giữ nguyên tên Sở Khoa học và Công nghệ sau khi hợp nhất Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Khoa học và Công nghệ.
- Giữ nguyên tên Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sau khi tiếp nhận chức năng quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản từ Sở Thông tin và Truyền thông.
- Thành lập Sở Dân tộc và Tôn giáo trên cơ sở Ban Dân tộc tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tôn giáo từ Sở Nội vụ.
- Các Sở, ngành khác tiếp tục giữ tên gọi như định hướng tại Công văn 24/CV-BCĐTKNQ18 năm 2024 của Ban Chỉ đạo của Chính phủ, cụ thể: Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Ngoại vụ, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tư pháp, Sở Công Thương, Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Thanh tra tỉnh; Sở Du lịch; Sở Quy hoạch và Kiến trúc (đối với Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hà Nội), Sở An toàn thực phẩm (được thành lập tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù).
(2) Đối với các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện
- Giữ nguyên tên Phòng Nội vụ sau khi hợp nhất Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội và Phòng Nội vụ.
- Thành lập Phòng Dân tộc và Tôn giáo trên cơ sở Phòng Dân tộc tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tôn giáo từ Phòng Nội vụ.
- Các Phòng chuyên môn khác tiếp tục giữ tên gọi như định hướng tại Công văn số 24/CV-BCĐTKNQ18 ngày 18/12/2024 của Ban Chỉ đạo của Chính phủ, cụ thể: Phòng Tư pháp; Phòng Tài chính – Kế hoạch; Thanh tra huyện; Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện; Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị; Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin; Phòng Nông nghiệp và Môi trường (hoặc Phòng Tài nguyên và Môi trường ở quận); Phòng Y tế; Phòng Giáo dục và Đào tạo.
Về điều chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của một số cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện
- Chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản từ Sở Thông tin và Truyền thông sang Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
- Chuyển nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về giảm nghèo từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sang Sở Nông nghiệp và Môi trường; ở cấp huyện, chuyển nhiệm vụ về giảm nghèo từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội sang Phòng Nông nghiệp và Môi trường (hoặc Phòng Tài nguyên và Môi trường ở quận).
- Chuyển chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội sang Sở Y tế (chức năng chỉ đạo, quản lý công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ của tỉnh, thành phố của Ban Bảo vệ, Chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh, thành phố được chuyển về Ban Tổ chức Tỉnh ủy, bảo đảm tương đồng với việc sắp xếp ở Trung ương; nhiệm vụ quản lý nhà nước về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy chuyển về Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).
- Chuyển nhiệm vụ quản lý nhà nước về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sang Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Chuyển nhiệm vụ quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp và thực hiện dịch vụ công cấp Phiếu lý lịch tư pháp từ Sở Tư pháp sang Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Chuyển nhiệm vụ về sát hạch, cấp Giấy phép lái xe cơ giới đường bộ từ Sở Giao thông vận tải sang Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Chuyển nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn, an ninh thông tin mạng từ Sở Thông tin và Truyền thông sang Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
tải về Toàn văn Công văn 05/CV-BCĐTKNQ18 năm 2025 về bổ sung, hoàn thiện phương án tinh gọn bộ máy ở địa phương
Công văn 05 về bổ sung, hoàn thiện phương án tinh gọn bộ máy ở địa phương? Toàn văn Công văn 05 năm 2025? (Hình từ Internet)
Nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đối với chính quyền địa phương được đề ra tại Nghị quyết 18 như thế nào?
Căn cứ tiểu mục 2.3 Mục 2 Phần III Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2017 nêu rõ như sau:
- Tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế xây dựng chính quyền địa phương theo hướng phân định rõ hơn tổ chức bộ máy chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; chủ động thí điểm ở những nơi có đủ điều kiện. Nghiên cứu, thực hiện giảm hợp lý số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp và giảm đại biểu Hội đồng nhân dân công tác ở các cơ quan quản lý nhà nước; giảm số lượng phó chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động để thực hiện từ nhiệm kỳ 2021 - 2026.
- Quy định khung số lượng các cơ quan trực thuộc Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và khung số lượng cấp phó của các cơ quan này. Căn cứ điều kiện cụ thể, tiêu chí và quy định khung của Trung ương, cấp uỷ địa phương lãnh đạo việc sắp xếp, bố trí cho phù hợp. Rà soát, sắp xếp tổ chức bên trong của các sở, ngành theo hướng tinh gọn đầu mối, kiên quyết cắt giảm số lượng, sắp xếp lại phòng, chi cục, trung tâm, ban quản lý dự án và đơn vị sự nghiệp thuộc sở, ngành.
- Rà soát, điều chỉnh, sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động của chính quyền địa phương, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch, chuyên nghiệp; tổ chức thực hiện có hiệu quả mô hình trung tâm phục vụ hành chính công, cơ chế một cửa, một cửa liên thông ở các cấp.
- Sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền cấp xã và quy định khung số lượng cán bộ, công chức cấp xã cho phù hợp theo hướng xác định rõ vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh, đặc thù của địa phương và bảo đảm giảm biên chế. Quy định và thực hiện nghiêm, thống nhất việc khoán chi phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã và thôn, tổ dân phố.
- Nghiên cứu ban hành quy định để thực hiện hợp nhất văn phòng Hội đồng nhân dân, văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và văn phòng Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thành một văn phòng tham mưu giúp việc chung.
- Từng bước sắp xếp, kiện toàn, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật; khuyến khích sáp nhập, tăng quy mô các đơn vị hành chính các cấp ở những nơi có đủ điều kiện để nâng cao năng lực quản lý, điều hành và tăng cường các nguồn lực của địa phương. Khẩn trương, cương quyết sắp xếp, sáp nhập các thôn, tổ dân phố không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định của Nhà nước.
Mục tiêu tổng quát được đề ra tại Nghị quyết 18 ra sao?
Căn cứ Mục 2 Phần II Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2017 nêu rõ mục tiêu tổng quát như sau:
Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội; phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm chi thường xuyên và góp phần cải cách chính sách tiền lương.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.