Đề xuất những văn bản mà công chứng viên có nhiệm vụ phải công chứng theo quy định pháp luật?

Cho tôi hỏi, công chứng viên có nhiệm vụ chứng nhận các việc theo quy định của pháp luật phải được công chứng nào? - Chị Mẫn (Vinh)

Quy định về chức năng xã hội của công chứng viên như thế nào?

Theo quy định tại Điều 3 Luật Công chứng 2014:

Chức năng xã hội của công chứng viên
Công chứng viên cung cấp dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm thực hiện nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch; phòng ngừa tranh chấp; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, công chứng viên có các chức năng xã hội sau đây:

- Đảm bảo an toàn pháp lý;

- Phòng ngừa tranh chấp;

- Bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các bên;

- Ổn định, phát triển kinh tế xã hội.

Công chứng viên có nhiệm vụ chứng nhận các việc theo quy định của pháp luật phải được công chứng nào? (Hình ảnh từ Internet)

Nhiệm vụ của công chứng viên là gì?

Theo pháp luật một số quốc gia trên thế giới như Tây Ban Nha, Pháp, Trung Quốc quy định về nhiệm vụ của công chứng viên, có thể thấy, với nhiệm vụ cung cấp bằng chứng, tư vấn, hòa giải, lập văn bản và thu thuế, công chứng viên có phạm vi hoạt động tương đối rộng so với các công chức khác.

Hoạt động pháp luật duy nhất mà công chứng viên không được làm là bào chữa trong các vụ kiện. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp để bảo đảm tính độc lập trong hoạt động của công chứng viên. Với việc trao cho công chứng viên chức năng, nhiệm vụ đặc biệt như trên, Nhà nước đặt ra những yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe đối với hoạt động của công chứng viên, đồng thời, tạo lập một vị trí xứng đáng cho chức danh này trong xã hội, nơi mà người dân tin tưởng và coi công chứng viên là những "thẩm phán hợp đồng", "bác sĩ tài sản" của họ.

Hiện nay, Luật Công chứng 2014 không có quy định cụ thể cho nhiệm vụ của công chứng viên. Tuy nhiên, xem xét trên nhiệm vụ chính của công chứng quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng 2014 như sau:

Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.
..

Theo đó, nhiệm vụ của công chứng viên là chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của các văn bản sau:

- Hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản;

- Bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài và ngược lại;

- Các loại giấy tờ, văn bản khác theo yêu cầu.

Công chứng viên có nhiệm vụ chứng nhận các việc theo quy định của pháp luật phải được công chứng nào?

Theo đề xuất tại Điều 3 Đề cương chi tiết Luật Công chứng (sửa đổi), về chức năng nhiệm vụ của công chứng viên như sau:

Chức năng, nhiệm vụ của công chứng viên (sửa đổi, bổ sung)
1. Công chứng viên cung cấp dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm thực hiện trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; thông qua hoạt động làm chứng, tạo lập, lưu giữ và cung cấp chứng cứ bằng văn bản công chứng nhằm bảo đảm tính xác thực, ổn định các giao dịch cơ bản trong xã hội, nhất là các giao dịch về bất động sản; bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch; phòng ngừa tranh chấp; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà nước, cá nhân, tổ chức; ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.
2. Chứng nhận các việc theo quy định của pháp luật phải được công chứng gồm:
a) Chứng nhận hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.
b) Chứng nhận hợp đồng mua bán, tặng cho, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại.
c) Chứng nhận hợp đồng mua bán, thuê mua nhà, công trình xây dựng, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà các bên là hộ gia đình, cá nhân.
d) Chứng nhận hợp đồng kinh doanh bất động sản.
đ) Chứng nhận thỏa thuận về việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân.
e) Chứng nhận thỏa thuận về việc mang thai hộ.
g) Chứng nhận việc ủy quyền tham gia giải quyết việc dân sự tại tòa án nhân dân các cấp.
3. Chứng nhận hợp đồng, giao dịch theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức.
4. Thực hiện các công việc khác do pháp luật quy định.

Theo đó, công chứng viên có nhiệm vụ chứng nhận các việc theo quy định của pháp luật phải được công chứng gồm:

- Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng chuyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất.

- Hợp đồng mua bán, tặng cho, thế chấp, đổi, góp vốn bằng nhà ở thương mại;

- Hợp đồng mua bán, thuê mua nhà, công trình xây dựng, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà các bên là hộ gia đình, cá nhân;

- Hợp đồng kinh doanh bất động sản;

- Thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân;

- Thỏa thuận mang thai hộ;

- Đại diện ủy quyền tham gia giải quyết việc dân sự tại tòa án nhân dân các cấp.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

16,200 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào