Cố tình mang thai thì có được hoãn hình phạt tù không? Phụ nữ có thai được miễn những hình phạt nào?

Tôi muốn hỏi là nếu cố tình mang thai để trốn tránh việc bị xử phạt thì có được hoãn tù không? - Câu hỏi của chị Trâm (Nam Định)

Điều kiện để được hoãn hình phạt tù là gì? Đối tượng nào được hoãn phạt tù?

Căn cứ vào khoản 1 Điều 67 Bộ luật Hình sự 2015, người bị xử phạt tù sẽ được hoãn chấp hành hình phạt tù trong các trường hợp như sau:

Hoãn chấp hành hình phạt tù
1. Người bị xử phạt tù có thể được hoãn chấp hành hình phạt trong các trường hợp sau đây:
a) Bị bệnh nặng thì được hoãn cho đến khi sức khỏe được hồi phục;
b) Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi;
c) Là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt, được hoãn đến 01 năm, trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
d) Bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, do nhu cầu công vụ, thì được hoãn đến 01 năm.

Như vậy, các đối tượng được hoãn hình phạt tù bao gồm:

- Bị bệnh nặng;

- Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi;

- Là người lao động duy nhất trong gia đình và gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt nếu họ đi tù;

- Tội phạm ít nghiêm trọng được hoãn do nhu cầu công vụ.

Cố tình mang thai thì có được hoãn hình phạt tù không? Phụ nữ có thai được miễn những hình phạt nào?Cố tình mang thai thì có được hoãn hình phạt tù không? Phụ nữ có thai được miễn những hình phạt nào? (Hình từ Internet)

Cố tình mang thai để trốn tránh thì có được hoãn hình phạt tù không?

Nội dung quy định, Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 chỉ nhắc đến cụm từ "Phụ nữ có thai" khi liệt kê những đối tượng được hoãn chấp hành hình phạt tù.

Theo đó, Bộ luật không hề nhắc đến điều kiện cụ thể để áp dụng: Là có thai tự nhiên hay cố tình mang thai để trốn tránh trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, tại tiểu mục 4 Mục II Văn bản 01/2017/GĐ-TANDTC của Tòa án nhân dân tối cao về việc Giải đáp vấn đề nghiệp cụ có đề cập:

...nếu người bị kết án là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì có thể được hoãn chấp hành hình phạt tù cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi, không phân biệt họ cố tình có thai và sinh con liên tục để trốn tránh nghĩa vụ thi hành án phạt tù hay không.

Có thể hiểu, người phạm tội là phụ nữ dù cho có cố tình mang thai thì vẫn được áp dụng hoãn hình phạt tù. Như vậy, chỉ cần đáp ứng điều kiện là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi là đáp ứng điều kiện hoãn chấp hành hình hình phạt tù đối với người phạm tội là phụ nữ.

Đây được xem là sự biểu hiện của chính sách nhân đạo, khoan hồng của Nhà nước để đảm bảo quyền con người, bảo vệ trẻ em.

Phụ nữ có thai được miễn các hình phạt nào theo quy định pháp luật?

Căn cứ theo khoản 4 Điều 36 Bộ luật Hình sự 2015 về cải tạo không giam giữ như sau:

Cải tạo không giam giữ
...
4. Trường hợp người bị phạt cải tạo không giam giữ không có việc làm hoặc bị mất việc làm trong thời gian chấp hành hình phạt này thì phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng trong thời gian cải tạo không giam giữ.
Thời gian lao động phục vụ cộng đồng không quá 04 giờ trong một ngày và không quá 05 ngày trong 01 tuần.
Không áp dụng biện pháp lao động phục vụ cộng đồng đối với phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 06 tháng tuổi, người già yếu, người bị bệnh hiểm nghèo, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng.
Người bị kết án cải tạo không giam giữ phải thực hiện những nghĩa vụ quy định tại Luật thi hành án hình sự.

Khoản 2 Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015khoản 3 Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015 quy định:

Tử hình
...
2. Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.
3. Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi;
b) Người đủ 75 tuổi trở lên;
c) Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

Theo các quy định trên, phụ nữ có thai sẽ được miễn, không áp dụng hình phạt lao động phục vụ cộng đồng và tử hình.

Ngoài ra, tại điểm n khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015 thì việc có thai được xem như một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội là phụ nữ.

Cụ thể:

Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
...
n) Người phạm tội là phụ nữ có thai;
MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Đặng Phan Thị Hương Trà Lưu bài viết
11,663 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào