Cơ quan nào có trách nhiệm quản lý lối đi tự mở đối với đường sắt? Không xử lý lối đi tự mở chủ thể có trách nhiệm quản lý bị xử phạt như thế nào?
Ai có trách nhiệm quản lý lối đi tự mở đối với đường sắt?
Căn cứ Điều 13 Nghị định 65/2018/NĐ-CP quy định trách nhiệm quản lý lối đi tự mở đối với đường sắt thuộc về các cơ quan, tổ chức sau đây:
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có vị trí nguy hiểm an toàn giao thông đường sắt chịu trách nhiệm:
+ Chủ trì tổ chức lập hồ sơ quản lý, lộ trình thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông đường sắt tại các lối đi tự mở trên đường sắt trong phạm vi quản lý;
+ Tổ chức quản lý, theo dõi các lối đi tự mở an toàn giao thông đường sắt, kịp thời có biện pháp ngăn chặn các lối đi tự mở phát sinh.
- Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành giao thông vận tải đường sắt chịu trách nhiệm:
+ Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện nội dung quy định tại điểm a khoản 1 Điều 13 Nghị định 65/2018/NĐ-CP trên đường sắt quốc gia;
+ Kiểm tra, đề xuất với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông đường sắt tại các lối đi tự mở trên đường sắt quốc gia;
+ Kiểm tra, chỉ đạo doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia thực hiện các quy định tại khoản 3 Điều 13 Nghị định 65/2018/NĐ-CP.
- Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt chịu trách nhiệm:
+ Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các cấp lập hồ sơ quản lý, lộ trình thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn tại các lối đi tự mở trên đường sắt quốc gia khi được giao, cho thuê hoặc chuyển nhượng;
+ Quản lý hồ sơ, kiểm tra, cập nhật các lối đi tự mở trên đường sắt quốc gia để phục vụ công tác quản lý; kịp thời phát hiện, báo cáo và phối hợp với Ủy ban nhân dân các cấp có biện pháp ngăn chặn lối đi tự mở phát sinh.
- Chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng chịu trách nhiệm:
+ Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các cấp lập hồ sơ quản lý, lộ trình thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn tại các lối đi tự mở trên đường sắt chuyên dùng;
+ Quản lý hồ sơ, kiểm tra, cập nhật các lối đi tự mở trên đường sắt chuyên dùng để phục vụ công tác quản lý; kịp thời phát hiện, báo cáo và phối hợp với Ủy ban nhân dân các cấp có biện pháp ngăn chặn lối đi tự mở phát sinh.
Cơ quan nào có trách nhiệm quản lý lối đi tự mở đối với đường sắt? Không xử lý lối đi tự mở chủ thể có trách nhiệm quản lý bị xử phạt như thế nào? (Hình từ Internet)
Ủy ban nhân dân địa phương có trách nhiệm gì trong thực hiện các biện pháp kiềm chế phát sinh lối đi tự mở?
Căn cứ khoản 1 Điều 14 Nghị định 65/2018/NĐ-CP quy định về việc thực hiện các biện pháp để kiềm chế không phát sinh lối đi tự mở, thu hẹp, xóa bỏ lối đi tự mở qua đường sắt như sau:
- Tổ chức thực hiện kiềm chế, không phát sinh lối đi tự mở, thu hẹp bề rộng lối đi, xóa bỏ lối đi tự mở. Trường hợp, lối đi tự mở chưa được xóa, phải có biện pháp tăng cường đảm bảo an toàn giao thông, gồm: Tổ chức phân luồng giao thông cho các phương tiện qua lại lối đi tự mở nhằm giảm thiểu mật độ phương tiện qua lại đường sắt; thực hiện các biện pháp thu hẹp bề rộng các lối đi tự mở, duy trì đầy đủ các biển cảnh báo tại khu vực lối đi tự mở theo quy định;
- Tổ chức thực hiện giảm số lượng, xóa bỏ các lối đi tự mở, gồm: Cải tạo, nâng cấp các lối đi này thành các vị trí đường sắt giao nhau với đường bộ phù hợp với quy hoạch liên quan đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; xây dựng đường gom kết hợp hàng rào bảo vệ để nối vào các đường ngang, các vị trí giao nhau khác mức nhằm giảm số lượng lối đi tự mở qua đường sắt;
- Chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành giao thông vận tải đường sắt, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng và các tổ chức cá nhân liên quan để thực hiện các nội dung quy định tại các điểm a và b Khoản 1 Điều này.
Như vậy, Ủy ban nhân dân địa phương có trách nhiệm trong việc quản lý và thực hiện các biện pháp nhằm kiềm chế không phát sinh lối đi tự mở, đồng thời thực hiện thu hẹp, xóa bỏ lối đi tự mở qua đường sắt.
Không xử lý lối đi tự mở cá nhân, tổ chức có trách nhiệm quản lý bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?
Căn cứ Điều 55 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định như sau:
Xử phạt các hành vi vi phạm quy định quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tổ chức được giao quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không lập danh mục quản lý đối với các đường ngang không phù hợp với quy định của Luật Đường sắt; không lập, không cập nhật hồ sơ các vị trí nguy hiểm đối với an toàn giao thông đường sắt, lối đi tự mở qua đường sắt;
...
g) Không thực hiện chốt gác tại đường ngang là vị trí nguy hiểm đối với an toàn giao thông đường sắt trên đường sắt quốc gia; không thực hiện huấn luyện nghiệp vụ cảnh giới, chốt gác theo quy định cho người do địa phương bố trí để cảnh giới, chốt gác tại các lối đi tự mở;
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức được giao trách nhiệm quản lý, xử lý lối đi tự mở thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không tổ chức thu hẹp bề rộng hoặc xóa bỏ lối đi tự mở là vị trí nguy hiểm đối với an toàn giao thông đường sắt theo quy định;
b) Không tổ chức cảnh giới, chốt gác tại lối đi tự mở là vị trí nguy hiểm đối với an toàn giao thông đường sắt theo quy định.
Như vậy, cá nhân, tổ chức có trách nhiệm quản lý lối đi tự mở mà không thực hiện theo đúng nhiệm vụ thì bị xử phạt vi phạm hành chính với các mức xử phạt tương ứng với từng hành vi nêu trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.