Cơ quan nào có thẩm quyền giám sát công tác phòng chống tham nhũng? Việc đánh giá công tác phòng chống tham nhũng dựa trên những tiêu chí nào?
- Cơ quan nào có thẩm quyền giám sát công tác phòng chống tham nhũng?
- Việc đánh giá công tác phòng chống tham nhũng dựa trên những tiêu chí nào?
- Quy định về báo cáo và công khai báo cáo công tác phòng chống tham nhũng hiện nay ra sao? Nội dung báo cáo gồm những gì?
- Những hành vi nào bị nghiêm cấm trong công tác phòng chống tham nhũng?
Cơ quan nào có thẩm quyền giám sát công tác phòng chống tham nhũng?
Căn cứ quy định về việc giám sát công tác phòng chống tham nhũng tại Điều 7 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 như sau:
Giám sát công tác phòng, chống tham nhũng
1. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát công tác phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước.
2. Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực do mình phụ trách.
3. Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc phát hiện và xử lý tham nhũng.
4. Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng.
5. Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng tại địa phương.
Như vậy, theo quy định trên thì các cơ quan có thẩm quyền giám sát công tác phòng chống tham nhũng bao gồm:
- Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
- Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.
- Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.
- Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội.
- Hội đồng nhân dân, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND.
Cơ quan nào có thẩm quyền giám sát công tác phòng chống tham nhũng? Việc đánh giá công tác phòng chống tham nhũng dựa trên những tiêu chí nào?
Việc đánh giá công tác phòng chống tham nhũng dựa trên những tiêu chí nào?
Căn cứ quy định tại Điều 17 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 về tiêu chí đánh giá về công tác phòng chống tham nhũng như sau:
Tiêu chí đánh giá về công tác phòng, chống tham nhũng
1. Việc đánh giá về công tác phòng, chống tham nhũng được thực hiện theo các tiêu chí sau đây:
a) Số lượng, tính chất và mức độ của vụ việc, vụ án tham nhũng;
b) Việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng;
c) Việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng;
d) Việc phát hiện và xử lý tham nhũng;
đ) Việc thu hồi tài sản tham nhũng.
2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Như vậy, theo quy định hiện nay, việc đánh giá công tác phòng chống tham nhũng dựa trên 05 tiêu chí tại khoản 1 Điều 17 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 nêu trên.
Quy định về báo cáo và công khai báo cáo công tác phòng chống tham nhũng hiện nay ra sao? Nội dung báo cáo gồm những gì?
Căn cứ quy định tại Điều 16 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 như sau:
Báo cáo, công khai báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng
1. Hằng năm, Chính phủ có trách nhiệm báo cáo Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước; Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp về công tác phòng, chống tham nhũng ở địa phương.
2. Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước có trách nhiệm phối hợp với Chính phủ trong việc xây dựng báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước.
3. Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp trong việc xây dựng báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng ở địa phương.
4. Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng bao gồm các nội dung sau đây:
a) Đánh giá tình hình tham nhũng;
b) Kết quả thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng và các nội dung khác trong công tác quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng;
c) Đánh giá về công tác phòng, chống tham nhũng và phương hướng, giải pháp, kiến nghị.
5. Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng phải được công khai trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước hoặc phương tiện thông tin đại chúng.
Theo đó, việc báo cáo, công khai báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng được thực hiện theo nội dung quy định được trích dẫn nêu trên.
Trong đó, báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng phải được công khai trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước hoặc phương tiện thông tin đại chúng.
Về nội dung báo cáo công tác phòng chống tham nhũng, bao gồm các nội dung sau:
- Đánh giá tình hình tham nhũng;
- Báo cáo kết quả thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng
- Báo cáo các nội dung khác trong công tác quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng;
- Đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng và phương hướng, giải pháp, kiến nghị đối với công tác phòng, chống tham nhũng đã thực hiện.
Những hành vi nào bị nghiêm cấm trong công tác phòng chống tham nhũng?
Căn cứ theo quy định tại Điều 8 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, các hành vi bị nghiêm cấm trong công tác phòng chống tham những bao gồm:
- Hành vi tham nhũng.
- Thực hiện các hành vi đe dọa, trả thù, trù dập, tiết lộ thông tin về người phản ánh, báo cáo, tố cáo, tố giác, báo tin, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng.
- Vu khống cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác thông qua phản ánh, báo cáo, tố cáo, tố giác, báo tin, cung cấp thông tin tham nhũng.
- Bao che hành vi tham nhũng;
- Cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc phát hiện, xử lý tham nhũng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.