Cơ quan kiểm tra phát hiện có sai sót trong tình hình quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công thì sẽ bị xử lý như thế nào?
Kiểm tra tình hình quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công?
Căn cứ theo quy định tại Điều 49 Nghị định 99/2021/NĐ-CP quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công quy định về việc kiểm tra tình hình quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công cụ thể như sau:
(1) Chủ đầu tư tự thực hiện kiểm tra việc thực hiện dự án theo các nội dung được giao quản lý.
(2) Cơ quan chủ quản, cơ quan cấp trên của chủ đầu tư, cơ quan tài chính các cấp định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra các chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện dự án về tình hình sử dụng vốn tạm ứng, vốn thanh toán khối lượng hoàn thành, tình hình thực hiện công tác quyết toán theo niên độ, quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành do đơn vị mình quản lý và việc chấp hành chính sách, chế độ tài chính đầu tư công và ngân sách nhà nước hiện hành.
Trường hợp trong quá trình kiểm tra phát hiện có sai sót, vi phạm, cơ quan kiểm tra tổng hợp, báo cáo Bộ Tài chính để xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.
(3) Cơ quan tài chính các cấp định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra cơ quan kiểm soát, thanh toán về việc chấp hành chế độ kiểm soát, thanh toán vốn đầu tư công, kiểm tra các đơn vị thuộc phạm vi quản lý tình hình thực hiện công tác quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành. Trường hợp trong quá trình kiểm tra phát hiện có sai sót, vi phạm, cơ quan kiểm tra xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan tài chính cấp trên để xử lý theo thẩm quyền.
(4) Bộ Tài chính định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra việc quản lý, thanh toán và sử dụng vốn đầu tư công, tình hình thực hiện công tác quyết toán theo niên độ, quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Trường hợp phát hiện có sai sót, vi phạm, Bộ Tài chính chủ động xử lý theo thẩm quyền hoặc tổng hợp, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.
(5) Cơ quan kiểm soát, thanh toán thực hiện kiểm tra theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.
Như vậy, đối với câu hỏi của bạn, trường hợp trong quá trình kiểm tra phát hiện có sai sót, vi phạm, cơ quan kiểm tra tổng hợp, báo cáo Bộ Tài chính để xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Cơ quan kiểm tra phát hiện có sai sót trong tình hình quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công
Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu thực hiện dự án sử dụng vốn đầu tư công?
Căn cứ theo quy định tại Điều 53 Nghị định 99/2021/NĐ-CP quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công quy định về nhiêm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu thực hiện dự án sử dụng vốn đầu tư công cụ thể là:
(1) Chủ đầu tư (ban quản lý dự án):
- Thực hiện đúng quy định của pháp luật về chế độ quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công.
- Chịu trách nhiệm về tính chính xác của khối lượng thực hiện, đơn giá, giá trị đề nghị thanh toán, số liệu, tài liệu cung cấp cho cơ quan kiểm soát, thanh toán và các cơ quan quản lý nhà nước về quản lý, thanh toán vốn đầu tư công.
- Chịu sự kiểm tra của cơ quan tài chính các cấp và cơ quan quyết định đầu tư về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công.
- Kiểm tra tình hình quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công của các nhà thầu. Phối hợp với cơ quan kiểm soát, thanh toán báo cáo đánh giá tình hình thực hiện tạm ứng vốn và thu hồi tạm ứng vốn theo quy định của Nghị định này.
- Thực hiện kế toán đơn vị chủ đầu tư. Hết năm ngân sách, lập bảng đối chiếu số liệu giải ngân vốn đầu tư công hàng năm đối với từng dự án gửi cơ quan kiểm soát, thanh toán nơi giao dịch trước ngày 10 tháng 02 năm sau để xác nhận.
- Lập, trình phê duyệt, quản lý hồ sơ quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành đúng quy định.
- Chịu trách nhiệm trước pháp luật, cơ quan chủ trì thẩm tra quyết toán về tính pháp lý của hồ sơ quyết toán và tính đúng đắn của số liệu đề nghị quyết toán; tính chính xác của khối lượng do chủ đầu tư và nhà thầu nghiệm thu đưa để quyết toán; tính phù hợp của đơn giá do chủ đầu tư và nhà thầu đã thống nhất ghi trong hợp đồng.
- Thu hồi để nộp về ngân sách nhà nước số vốn đã thanh toán thừa khi dự án hoàn thành được phê duyệt quyết toán có số vốn được quyết toán thấp hơn số vốn đã thanh toán cho dự án, số vốn đã tạm ứng theo quy định và chịu trách nhiệm về những khoản tạm ứng nhưng không thu hồi được. Thanh toán tiếp cho nhà thầu hoặc nhà cung cấp theo giá trị quyết toán được phê duyệt khi có kế hoạch vốn trong trường hợp số vốn được quyết toán cao hơn số vốn đã thanh toán cho dự án.
- Chủ đầu tư (chủ dự án) chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng chứng từ kiểm soát chi điện tử do cơ quan kiểm soát, thanh toán (Kho bạc Nhà nước) ban hành đối với dự án đầu tư công sử dụng vốn nước ngoài.
(2) Nhà thầu:
- Lập hồ sơ quyết toán hợp đồng, quyết toán giá trị thực hiện hợp đồng đã ký kết với chủ đầu tư theo quy định của pháp luật về hợp đồng khi hoàn thành nội dung công việc trong hợp đồng; chịu trách nhiệm về số liệu và tính pháp lý đối với các tài liệu có liên quan trong hồ sơ quyết toán hợp đồng theo quy định.
- Phối hợp với chủ đầu tư xử lý dứt điểm các vấn đề còn tồn tại theo hợp đồng đã ký kết; hoàn trả đầy đủ, kịp thời số vốn mà chủ đầu tư đã giải ngân sai chế độ quy định.
- Chấp hành quyết định phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành của người có thẩm quyền.
(3) Nhà thầu kiểm toán độc lập, kiểm toán viên khi thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán phải chấp hành nguyên tắc hoạt động kiểm toán độc lập, có quyền hạn, nghĩa vụ và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về kiểm toán độc lập.
Nhiệm vụ của cơ quan kiểm soát, thanh toán đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công?
Điều 51 Nghị định 99/2021/NĐ-CP quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công quy định về nhiệm vụ của cơ quan kiểm soát, thanh toán cụ thể như sau:
(1) Kiểm soát, thanh toán vốn kịp thời, đầy đủ cho dự án khi đã có đủ điều kiện và đúng thời gian quy định của pháp luật hiện hành và Nghị định này. Có ý kiến bằng văn bản cho chủ đầu tư đối với những khoản giảm thanh toán hoặc từ chối thanh toán, trả lời các vướng mắc của chủ đầu tư trong việc thanh toán vốn.
Trường hợp phát hiện tài liệu tại hồ sơ do chủ đầu tư cung cấp trái với quy định hiện hành, cơ quan kiểm soát, thanh toán có văn bản đề nghị xem xét lại và nêu rõ ý kiến đề xuất; quá thời hạn quy định mà không được trả lời hoặc được trả lời mà thấy chưa phù hợp với quy định hiện hành, cơ quan kiểm soát, thanh toán báo cáo lên cơ quan có thẩm quyền cao hơn và báo cáo cơ quan tài chính để xem xét, xử lý.
(2) Đôn đốc chủ đầu tư thực hiện đúng quy định về tạm ứng, thu hồi vốn tạm ứng, công nợ, phối hợp với chủ đầu tư thực hiện kiểm tra vốn đã tạm ứng để thu hồi ngay những khoản tồn đọng chưa sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích, tất toán tài khoản của các dự án đã phê duyệt quyết toán theo quy định. Được phép tạm ngừng thanh toán vốn hoặc phối hợp với chủ đầu tư thu hồi số vốn sử dụng sai mục đích, sai đối tượng hoặc trái với quy định quản lý tài chính của nhà nước hiện hành, báo cáo Bộ Tài chính để xử lý.
(3) Thực hiện chế độ thông tin báo cáo và quyết toán theo niên độ theo quy định tại Nghị định này và các quy định hiện hành.
(4) Xác nhận số giải ngân trong năm, lũy kế số thanh toán từ khởi công đến hết niên độ ngân sách nhà nước cho từng dự án hoặc xác nhận số vốn đã thanh toán theo yêu cầu quản lý; đối với vốn ngoài nước, cơ quan kiểm soát, thanh toán (Kho bạc Nhà nước) xác nhận theo số liệu đề nghị tạm ứng, thanh toán của chủ đầu tư (chủ dự án) đã được cơ quan kiểm soát, thanh toán chấp nhận.
(5) Hướng dẫn cụ thể phương thức kiểm soát, thanh toán trong hệ thống.
Trên đây là một số thông tin chúng tôi cung cấp gửi tới bạn. Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.