Có bao nhiêu MST được cấp cho 1 người? Cách sử dụng MST như thế nào? Địa điểm nộp thuế là ở đâu?
MST là gì? Khi nào phải đăng ký MST?
Theo khoản 5 Điều 3 Luật Quản lý thuế 2019 thì MST (mã số thuế) được định nghĩa như sau:
“5. Mã số thuế là một dãy số gồm 10 chữ số hoặc 13 chữ số và ký tự khác do cơ quan thuế cấp cho người nộp thuế dùng để quản lý thuế.”
Theo khoản 1 Điều 30 Luật Quản lý thuế 2019 quy định về đối tượng đăng ký MST và việc cấp MST như sau:
”1. Người nộp thuế phải thực hiện đăng ký thuế và được cơ quan thuế cấp mã số thuế trước khi bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc có phát sinh nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Đối tượng đăng ký thuế bao gồm:
a) Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện đăng ký thuế theo cơ chế một cửa liên thông cùng với đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan;
b) Tổ chức, cá nhân không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này thực hiện đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.”
Có bao nhiêu MST được cấp cho 1 người?
Căn cứ điểm b khoản 3 Điều 30 Luật Quản lý thuế 2019 thì số lượng MST được cấp cho 1 cá nhân được quy định như sau:
“b) Cá nhân được cấp 01 mã số thuế duy nhất để sử dụng trong suốt cuộc đời của cá nhân đó. Người phụ thuộc của cá nhân được cấp mã số thuế để giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế thu nhập cá nhân. Mã số thuế cấp cho người phụ thuộc đồng thời là mã số thuế của cá nhân khi người phụ thuộc phát sinh nghĩa vụ với ngân sách nhà nước;”
Như vậy, nếu bạn đã được cấp MST thì MST đó sẽ là MST duy nhất và vĩnh viễn, sẽ không có sự thay đổi nào trong tương lai.
MST cá nhân
Cách sử dụng MST như thế nào?
Điều 35 Luật Quản lý thuế 2019 quy định về việc sử dụng MST như sau:
1. Người nộp thuế phải ghi mã số thuế được cấp vào hóa đơn, chứng từ, tài liệu khi thực hiện các giao dịch kinh doanh; mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác; khai thuế, nộp thuế, miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, không thu thuế, đăng ký tờ khai hải quan và thực hiện các giao dịch về thuế khác đối với tất cả các nghĩa vụ phải nộp ngân sách nhà nước, kể cả trường hợp người nộp thuế hoạt động sản xuất, kinh doanh tại nhiều địa bàn khác nhau.
2. Người nộp thuế phải cung cấp mã số thuế cho cơ quan, tổ chức có liên quan hoặc ghi mã số thuế trên hồ sơ khi thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa liên thông với cơ quan quản lý thuế.
3. Cơ quan quản lý thuế, Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại phối hợp thu ngân sách nhà nước, tổ chức được cơ quan thuế ủy nhiệm thu thuế sử dụng mã số thuế của người nộp thuế trong quản lý thuế và thu thuế vào ngân sách nhà nước.
4. Ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác phải ghi mã số thuế trong hồ sơ mở tài khoản và các chứng từ giao dịch qua tài khoản của người nộp thuế.
5. Tổ chức, cá nhân khác trong việc tham gia quản lý thuế sử dụng mã số thuế đã được cấp của người nộp thuế khi cung cấp thông tin liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế.
6. Khi bên Việt Nam chi trả tiền cho tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh xuyên biên giới dựa trên nền tảng trung gian kỹ thuật số không hiện diện tại Việt Nam thì phải sử dụng mã số thuế đã cấp cho tổ chức, cá nhân này để khấu trừ, nộp thay.
7. Khi mã số định danh cá nhân được cấp cho toàn bộ dân cư thì sử dụng mã số định danh cá nhân thay cho mã số thuế.
Địa điểm nộp thuế là ở đâu?
Căn cứ khoản 1 Điều 56 Luật Quản lý thuế 2019 thì địa điểm nộp thuế được quy định như sau:
- Tại Kho bạc Nhà nước;
- Tại cơ quan quản lý thuế nơi tiếp nhận hồ sơ khai thuế;
- Thông qua tổ chức được cơ quan quản lý thuế ủy nhiệm thu thuế;
- Thông qua ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác và tổ chức dịch vụ theo quy định của pháp luật.
Như vậy, bạn có thể đến một trong các cơ quan được quy định trên để thực hiện nộp thuế.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.