Chủ hộ kinh doanh gas không tham gia tập huấn phòng cháy và chữa cháy theo yêu cầu của UBND phường bị xử lý như thế nào?
- Hành vi không tham gia tập huấn phòng cháy chữa cháy khi được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu bị xử phạt như thế nào?
- Chủ cửa hàng kinh doanh gas có thuộc đối tượng phải được huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy không?
- Hành vi để xảy ra cháy, nổ thì bị xử phạt như thế nào?
- Nội dung huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy là gì?
- Tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy có trách nhiệm như thế nào?
Hành vi không tham gia tập huấn phòng cháy chữa cháy khi được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ tại khoản 4 Điều 47 Nghị định 144/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình quy định:
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy khi được người có thẩm quyền yêu cầu.
Không tham gia tập huấn PCCC khi được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu bị xử phạt như thế nào? (Hình từ Internet)
Chủ cửa hàng kinh doanh gas có thuộc đối tượng phải được huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy không?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 33 Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định, đối tượng phải được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy (PCCC) gồm:
Huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy
1. Đối tượng phải được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy
a) Người có chức danh chỉ huy chữa cháy quy định tại khoản 2 Điều 37 Luật Phòng cháy và chữa cháy;
b) Thành viên đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở;
c) Thành viên đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành;
d) Người làm việc trong môi trường có nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thường xuyên tiếp xúc với hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ;
đ) Người điều khiển phương tiện, người làm việc trên phương tiện giao thông cơ giới vận chuyển hành khách trên 29 chỗ ngồi và phương tiện giao thông cơ giới vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ;
e) Người làm nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy tại các cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này;
g) Thành viên đội, đơn vị phòng cháy và chữa cháy rừng.
Như vậy, theo quy định trên thì chủ cửa hàng kinh doanh gas là người làm việc trong môi trường có nguy hiểm về cháy nổ và thuộc đối tượng bắt buộc phải được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về PCCC.
Đồng thời chủ hộ kinh doanh gas nếu không tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy chữa cháy sẽ bị xử phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Hành vi để xảy ra cháy, nổ thì bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ tại Điều 51 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình quy định:
Vi phạm trong việc để xảy ra cháy, nổ
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về tài sản dưới 20.000.000 đồng.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về tài sản từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về tài sản từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.
4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ mà gây thiệt hại về tài sản trên 100.000.000 đồng;
b) Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 61%;
c) Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này dưới 61%.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm b và c khoản 4 Điều này.
Như vậy theo quy định trên tùy thuộc vào mức độ thiệt hại của tài sản mà hành vi vi phạm để xảy ra cháy, nổ có thể bị phạt tiền lên đến 10.000.000 đồng.
Nội dung huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy là gì?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 33 Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định nội dung huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy bao gồm:
- Kiến thức pháp luật, kiến thức về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với từng đối tượng;
- Phương pháp tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy và chữa cháy;
- Biện pháp phòng cháy; biện pháp, chiến thuật, kỹ thuật chữa cháy;
- Phương pháp xây dựng và thực tập phương án chữa cháy;
- Phương pháp bảo quản, sử dụng các phương tiện phòng cháy và chữa cháy;
- Phương pháp kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy.
Tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy có trách nhiệm như thế nào?
Căn cứ tại khoản 4 Điều 33 Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định trách nhiệm tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy như sau:
- Chủ tịch UBND các cấp, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở có trách nhiệm tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý;
- Cơ quan, tổ chức, cơ sở hoặc cá nhân có nhu cầu được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy thì đề nghị cơ quan Công an hoặc cơ sở huấn luyện, hướng dẫn về nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy đã được xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy tổ chức huấn luyện. Kinh phí tổ chức huấn luyện do cơ quan, tổ chức, cơ sở hoặc cá nhân tham gia huấn luyện chịu trách nhiệm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.