Chủ đầu tư nhà ở xã hội có được sử dụng diện tích đất để xây dựng công trình kinh doanh thương mại hay không?
- Có được sử dụng diện tích đất để xây dựng công trình kinh doanh thương mại đối với dự án nhà ở xã hội của ban Quản lý dự án thiết chế công đoàn hay không?
- Đối với các dự án thiết chế công đoàn, có phải chủ đầu tư được phép dành 20% tổng diện tích sàn nhà ở của dự án nhà ở xã hội để bán?
- Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có trách nhiệm gì đối với dự án thiết chế của công đoàn?
Có được sử dụng diện tích đất để xây dựng công trình kinh doanh thương mại đối với dự án nhà ở xã hội của ban Quản lý dự án thiết chế công đoàn hay không?
Nội dung này đã được hướng dẫn tại Công văn 4550/BXD-QLN năm 2022 của Bộ Xây dựng như sau:
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định 100/2015/NĐ-CP (sửa đổi bởi điểm a khoản 8 Điều 1 Nghị định 49/2021/NĐ-CP) quy định về cơ chế hỗ trợ, ưu đãi chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội như sau:
Cơ chế hỗ trợ, ưu đãi chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội
1. Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội không sử dụng nguồn vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 58 của Luật Nhà ở, cụ thể như sau:
a) Được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất đã được Nhà nước giao, cho thuê, kể cả quỹ đất để xây dựng các công trình kinh doanh thương mại đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định việc hoàn trả lại hoặc khấu trừ vào nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư dự án phải nộp cho Nhà nước, kể cả chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng (nếu có) đối với trường hợp chủ đầu tư đã nộp tiền sử dụng đất khi được Nhà nước giao đất hoặc đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác mà diện tích đất đó được sử dụng để xây dựng nhà ở xã hội hoặc chủ đầu tư dự án đã nộp tiền sử dụng đất đối với quỹ đất 20%;
b) Được dành 20% tổng diện tích đất ở đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (bao gồm cả dự án sử dụng quỹ đất 20%) để đầu tư xây dựng nhà ở thương mại nhằm bù đắp chi phí đầu tư, góp phần giảm giá bán, giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội và giảm kinh phí dịch vụ quản lý, vận hành nhà ở xã hội sau khi đầu tư.
Như vậy, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội được dành 20% tổng diện tích đất ở đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh thương mại.
Chủ đầu tư nhà ở xã hội có được sử dụng diện tích đất để xây dựng công trình kinh doanh thương mại hay không? (Hình từ Internet)
Đối với các dự án thiết chế công đoàn, có phải chủ đầu tư được phép dành 20% tổng diện tích sàn nhà ở của dự án nhà ở xã hội để bán?
Nội dung này đã được hướng dẫn tại Công văn 4550/BXD-QLN năm 2022 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn việc bố trí không gian tiện ích trong tòa nhà chung cư xã hội, cụ thể như sau:
Trước đây, căn cứ theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 9 Nghị định 100/2015/NĐ-CP thì trường hợp phương án quy hoạch chi tiết của dự án do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt mà không bố trí quỹ đất riêng để xây dựng công trình kinh doanh thương mại trong phạm vi dự án thì chủ đầu tư được phép dành 20% tổng diện tích sàn nhà ở của dự án đó để bán, cho thuê, thuê mua theo giá kinh doanh thương mại.
Tuy nhiên, hiện nay tại quy định này đã được sửa đổi bởi điểm a khoản 8 Điều 1 Nghị định 49/2021/NĐ-CP. Theo đó, hiện nay pháp luật chỉ chỉ quy định chủ đầu tư được dành 20% diện tích đất ở (không còn quy định dành 20% diện tích sàn) để đầu tư xây dựng nhà ở thương mại.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có trách nhiệm gì đối với dự án thiết chế của công đoàn?
Căn cứ điểm a khoản 2 Mục III Điều 1 Quyết định 655/QĐ-TTg năm 2017 (sửa đổi bởi điểm d khoản 1 Điều 1 Quyết định 1729/QĐ-TTg năm 2020) quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có những trách nhiệm đối với dự án thiết chế của công đoàn như sau:
- Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn để phục vụ đoàn viên công đoàn và người lao động theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
- Chịu trách nhiệm toàn diện trong việc triển khai thực hiện Đề án, đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả, sử dụng đúng mục đích, phát huy tác dụng, quản lý tài chính và quản lý đầu tư xây dựng theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng và pháp luật về đầu tư công.
- Chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, cơ quan có liên quan tổ chức, triển khai thực hiện Đề án đảm bảo hiệu quả, sử dụng đúng mục đích, phát huy tác dụng, quản lý tài chính và quản lý đầu tư xây dựng, quản lý sau đầu tư theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng và pháp luật khác có liên quan; định kỳ kiểm tra đánh giá, tổng kết việc thực hiện Đề án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
- Sau khi được Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giới thiệu, chấp thuận địa điểm khu đất quy hoạch thiết chế công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có trách nhiệm:
+ Tổ chức khảo sát, lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 thiết chế của công đoàn trên toàn bộ phạm vi diện tích đất do địa phương giới thiệu, chấp thuận bằng vốn của tổ chức công đoàn.
+ Thực hiện đầu tư một số hạng mục hoặc toàn bộ dự án thiết chế công đoàn bằng nguồn vốn của tổ chức công đoàn, vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ, vốn vay và vốn huy động hợp pháp khác theo hướng:
++ Làm chủ đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật (nếu có) và các công trình văn hóa, thể thao thuộc quy hoạch khu thiết chế công đoàn từ nguồn vốn của tổ chức công đoàn và ngân sách nhà nước hỗ trợ tuân thủ các quy định của pháp luật.
++ Các doanh nghiệp có chức năng và đủ năng lực theo quy định của pháp luật thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê và cho thuê mua thuộc quy hoạch khu thiết chế công đoàn, tổ chức đầu tư theo các quy định của pháp luật về nhà ở xã hội.
- Phối hợp Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quá trình thực hiện quy hoạch khu thiết chế công đoàn, với các nội dung:
+ Thu hút các nhà đầu tư nhằm xã hội hóa tối đa nguồn lực thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân; tiêu chí lựa chọn đối tượng được mua, thuê và thuê mua nhà ở thuộc dự án nhà ở cho công nhân;
+ Phương án giá bán, giá thuê và giá thuê mua tại các dự án nhà ở cho công nhân; quản lý thiết chế công đoàn sau đầu tư theo các quy định của pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.