Chồng có nghĩa vụ trả nợ với số tiền mà vợ đã lừa đảo hay không? Vợ, chồng có được đại diện cho nhau khi thực hiện giao dịch không?
Chồng có nghĩa vụ trả nợ với số tiền mà vợ đã lừa đảo hay không?
Căn cứ vào Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:
Trách nhiệm liên đới của vợ, chồng
1. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 30 hoặc giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện tại các điều 24, 25 và 26 của Luật này.
2. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới về các nghĩa vụ quy định tại Điều 37 của Luật này.
Tài Điều 30 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:
Quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng trong việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình
1. Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.
2. Trong trường hợp vợ chồng không có tài sản chung hoặc tài sản chung không đủ để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì vợ, chồng có nghĩa vụ đóng góp tài sản riêng theo khả năng kinh tế của mỗi bên.
Theo Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:
Nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng
Vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:
1. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;
2. Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;
3. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;
4. Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;
5. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;
6. Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.
Theo như những quy định trên thì vợ chồng sẽ có quyền và nghĩa vụ thực hiện những giao dịch nhằm đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của gia đình mình. Và với những giao dịch đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì vợ chồng sẽ có nghĩa vụ chung về tài sản.
Điều nay nghĩa là nếu như người vợ hoặc người chồng thực hiện giao dịch và mục đích của giao dịch đó là nhằm đáp ứng cho nhu cầu thiết yếu của gia đình thì cả 02 vợ chồng sẽ cùng có nghĩa vụ trả nợ với giao dịch mà vợ hoặc chồng đã thực hiện.
Ví dụ: Người vợ vay tiền để trang trãi các chi phí sinh hoạt hằng ngày của gia đình thì trong trường hợp này, người chồng cũng sẽ có nghĩa vụ trả nợ mà người vợ đã vay.
Tại khoản 1 Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:
Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự
1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Theo đó, một trong những điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực chính là mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội.
Ở đây, người vợ có hành vi lừa đảo, điều này đồng nghĩa với giao dịch mà người vợ thực hiện là không đúng với quy định pháp luật.
Như vậy, trong trường hợp người vợ thực hiện hành vi lừa đảo với người khác thì người chồng sẽ không phải có nghĩa vụ trả nợ cho hành vi lừa đảo mà người vợ đã thực hiện.
Chồng có nghĩa vụ trả nợ với số tiền mà vợ đã lừa đảo hay không? Vợ, chồng có được đại diện cho nhau khi thực hiện giao dịch không? (Hình từ Internet)
Vợ, chồng có được đại diện cho nhau khi thực hiện giao dịch không?
Căn cứ vào Điều 24 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:
Căn cứ xác lập đại diện giữa vợ và chồng
1. Việc đại diện giữa vợ và chồng trong xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch được xác định theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng có thể ủy quyền cho nhau xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch mà theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng.
3. Vợ, chồng đại diện cho nhau khi một bên mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có đủ điều kiện làm người giám hộ hoặc khi một bên bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà bên kia được Tòa án chỉ định làm người đại diện theo pháp luật cho người đó, trừ trường hợp theo quy định của pháp luật thì người đó phải tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ có liên quan.
Trong trường hợp một bên vợ, chồng mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn thì căn cứ vào quy định về giám hộ trong Bộ luật dân sự, Tòa án chỉ định người khác đại diện cho người bị mất năng lực hành vi dân sự để giải quyết việc ly hôn.
Theo đó, vợ chồng có thể ủy quyền cho nhau để thực hiện giao dịch mà quy định bắt buộc có sự đồng ý của cả 02 vợ chồng.
Trong trường hợp vợ hoặc chồng bị mất năng lực hành vi dân sự và người còn lại đủ điều kiện làm người giám hộ hoặc một bên bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà Tòa án chỉ định người còn lại làm người đại diện theo pháp luật cho người kia thì có thể đại diên thực hiện giao dịch.
Vợ chồng có đại diện cho nhau trong quan hệ kinh doanh không?
Căn cứ vào Điều 25 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:
Đại diện giữa vợ và chồng trong quan hệ kinh doanh
1. Trong trường hợp vợ, chồng kinh doanh chung thì vợ, chồng trực tiếp tham gia quan hệ kinh doanh là người đại diện hợp pháp của nhau trong quan hệ kinh doanh đó, trừ trường hợp trước khi tham gia quan hệ kinh doanh, vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc Luật này và các luật liên quan có quy định khác.
2. Trong trường hợp vợ, chồng đưa tài sản chung vào kinh doanh thì áp dụng quy định tại Điều 36 của Luật này.
Như vậy, khi vợ chồng kinh doanh chung với nhau thì vợ, chồng sẽ là người đại diện hợp pháp của nhau trong quan hệ kinh doanh đó, trừ các trường hợp pháp luật có quy định khác hoặc vợ chồng có thỏa thuận khác.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.