Cho trẻ em xem tranh, sách, truyện, phim khiêu dâm là xâm hại tình dục trẻ em? Phòng chống xâm hại tình dục trẻ em như thế nào?
Những hành vi nào được xem là xâm hại tình dục trẻ em?
Căn cứ vào tiểu mục 2.1 Mục 2 Chủ đề 7 Phần I Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 2885/QĐ-BYT năm 2022 của Bộ Y tế đã có nội dung hướng dẫn về các hành vi xâm hại tình dục trẻ em như sau:
(1) Các hành vi xâm hại tình dục không tiếp xúc:
- Phô bày bộ phận sinh dục trước mặt trẻ em;
- Cho trẻ em xem tranh, sách, truyện, phim khiêu dâm;
- Chụp ảnh, quay phim trẻ em cho mục đích tình dục;
- Yêu cầu trẻ em phô bày bộ phận sinh dục;
- Khuyến khích trẻ em xem hoặc nghe các âm thanh kích dục;
- Nhìn trẻ em chưa mặc quần áo hoặc trẻ em trong nhà tắm, nhà vệ sinh;
- Dùng những lời nói kích dục trước mặt trẻ em;
- Sử dụng các hình ảnh của trẻ em đưa lên internet hoặc truyền nhau với mục đích liên quan đến tình dục;
- Ép buộc trẻ em thực hiện các hành vi gợi dục…
(2) Các hành vi xâm hại tình dục có tiếp xúc
- Sờ vào bộ phận sinh dục hoặc cơ thể của trẻ em với mục đích tình dục;
- Yêu cầu trẻ em sờ vào bộ phận sinh dục của mình hoặc chơi các trò chơi tình dục;
- Đưa các vật dụng hoặc bộ phận cơ thể (như ngón tay, lưỡi, dương vật) vào âm đạo hay hậu môn, miệng của trẻ em với mục đích quan hệ tình dục;
- Quan hệ tình dục bằng đường miệng, âm đạo hay hậu môn;
- Ép buộc trẻ em quan hệ tình dục hoặc lôi kéo trẻ em vào các hành vi tình dục với trẻ em khác hoặc với người lớn.
Như vậy, theo như hướng dẫn nêu trên thì hiện nay có 02 dạng hành vi xâm hại tình dục trẻ em là xâm hại tình dục có tiếp xúc và xâm hại tình dục không tiếp xúc.
Cho trẻ em xem tranh, sách, truyện, phim khiêu dâm được xem là xâm hại tình dục trẻ em? Phòng chống xâm hại tình dục trẻ em như thế nào? (Hình từ Internet)
Thủ phạm xâm hại tình dục trẻ em thường là những đối tượng nào?
Tại tiểu mục 2.2 Mục 2 Chủ đề 7 Phần I Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 2885/QĐ-BYT năm 2022 của Bộ Y tế đã có nội dung đề cập đến những nhóm đối tượng được cho là có thể phát sinh hành vi xâm hại tình dục trẻ em như sau:
Thủ phạm xâm hại tình dục trẻ em
Thủ phạm thường gặp nhất là những thành viên trong gia đình hoặc những người quen biết (bạn bè của gia đình, hàng xóm, người trông trẻ…).
Kẻ xâm hại thường xây dựng mối quan hệ thân thiết với nạn nhân và gia đình của các em để tạo lòng tin với trẻ.
Trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục do người lạ mặt chỉ chiếm khoảng 10%.
Theo đó, thủ phạm xâm hại tình dục trẻ em thường sẽ là thành viên trong gia đình hoặc người quen của thành viên trong gia đình, người quen của trẻ.
Chỉ có 10% trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người lạ mặt.
Bên cạnh đó, tại tiểu mục 2.2 Mục 2 Chủ đề 7 Phần I Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 2885/QĐ-BYT năm 2022 của Bộ Y tế cũng đã đề cập đến hậu quả của hành vi xâm hại tình dục trẻ em như sau:
- Trẻ luôn sợ hãi và lo lắng trước người khác hoặc trước những vấn đề liên quan đến tình dục;
- Trẻ em từng là nạn nhân bị xâm hại tình dục có nguy cơ tự tử, uống thuốc quá liều, bị rối loạn lo âu, trầm cảm, mất ngủ, lệ thuộc các thuốc/chất gây nghiện (rượu, thuốc lá, các thuốc kích thích...), tỷ lệ mắc các rối loạn tâm thần cao hơn nhiều so với các trẻ khác.
- Trẻ sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong đời sống tình dục sau này, trẻ có thể biểu hiện các hành vi tình dục không đúng mực, thậm chí trở thành thủ phạm xâm hại tình dục trong tương lai…
- Trẻ bị xâm hại tình dục có xâm nhập có thể bị tổn thương cơ quan sinh dục, nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục, mang thai ngoài ý muốn, gặp các biến chứng sản khoa ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục sau này bao gồm cả vô sinh. Thậm chí ấn tượng bi xâm hại tình dục có thể khiến trẻ trở nên vô cảm trong suốt phần đời còn lại.
Theo đó, trẻ em khi bị xâm hại tình dục sẽ luôn trong trạng thái sợ hãi, lo lắng trước người lạ, trẻ em từng bị xâm hại tình dục dễ dẫn đến nguy cơ tự tử, lo âu, trầm cảm.
Nhận biết trẻ em bị xâm hại tình dục qua những dấu hiệu nào?
Căn cứ vào tiểu mục 2 Mục 2 Chủ đề 7 Phần I Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 2885/QĐ-BYT năm 2022 của Bộ Y tế đã hướng dẫn về dấu hiệu nhận biết trẻ em bị xâm hại tình dục:
(1) Dấu hiệu về hành vi, tâm lý
- Bỗng nhiên trở nên im lặng, lầm lũi hoăc hung hãn…;
- Tỏ ra sợ hãi hoặc thiếu tin tưởng bất thường đối với một hoặc một số người lớn nào đó;
- Bắt đầu có những hành động, lời nói liên quan trực tiếp đến tình dục đặc biệt không phù hợp với lứa tuổi của trẻ;
- Mô tả về sự quan tâm chú ý đặc biệt của một người lớn cụ thể nào đó với mình hoặc nói đến một mối quan hệ “bí mật” với một người nào đó...
(2) Dấu hiệu về thể chất
- Xuất hiện vết thương, vết ngứa, vết thâm tím hoặc bị chảy máu ở khu vực hậu môn hoặc bộ phận sinh dục;
- Viêm nhiễm đường tiết niệu hoặc bộ phận sinh dục bị mưng mủ;
- Đau bụng hoặc không thoải mái khi ngồi hoặc đi lại;
- Bị các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục;
- Có thai…
Những biện pháp nào được áp dụng để phòng chống xâm hại tình dục trẻ em?
Theo tiểu mục 2.3 Mục 2 Chủ đề 7 Phần I Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 2885/QĐ-BYT năm 2022 của Bộ Y tế đã hướng dẫn về biện pháp phòng chống xâm hại tình dục trẻ em như sau:
(1) Quy tắc: “Nói Không - Bỏ đi - Kể lại”
Không ai có quyền được đụng chạm, sờ mó, quay phim, chụp ảnh, nói… đến vùng kín của bạn (là những nơi được che bằng đồ lót hoặc đồ bơi) trừ khi để giữ vệ sinh hay chữa bệnh; không ai có quyền được yêu cầu bạn sờ mó, đụng chạm, quay phim, chụp ảnh, nói… về vùng kín của mình (trừ khi để giữ vệ sinh hay chữa bệnh) hoặc vùng kín của họ.
Nếu chuyện đó xảy ra, hãy Nói Không, rồi Bỏ đi (tìm cách để thoát ra khỏi tình huống đó, đứng ngay dậy, lùi ra xa đủ để không cho họ với tay được đến mình), bỏ chạy đến chỗ an toàn và kêu to cầu cứu sự giúp đỡ của mọi người xung quanh, Kể lại cho người mà mình tin tưởng để được giúp đỡ.
(2) Quy tắc PANTS
P - Privates are private
Cơ thể của mỗi người là “riêng tư”, không một ai có thể được nhìn hay chạm vào vùng kín của bạn, trừ để giữ vệ sinh hay chữa bệnh.
A - Always remember your body belongs to you
Luôn nhớ rằng cơ thể bạn thuộc về bạn, không ai có quyền làm bất cứ điều gì với cơ thể bạn mà khiến bạn khó chịu. Nếu ai cố tình, bạn hãy từ chối.
N - No means no
Bạn có quyền từ chối với những động chạm mà bạn không thích từ bất kỳ ai.
T - Talk about secrets that upset you
Hãy nói ra những bí mật khiến bạn cảm thấy buồn, lo lắng và sợ hãi.
S - Speak up, someone can help
Khi nào bạn cảm thấy buồn, lo lắng, sợ hãi, hãy chia sẻ, tâm sự với người mà bạn tin tưởng, có thể là bố mẹ, anh chị hoặc cô giáo, bạn bè...
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.