Cho lực lượng công an mượn xe máy để truy đuổi tội phạm thì khi bị hư hỏng có được đền bù thiệt hại không?
Cho lực lượng công an mượn xe máy để truy đuổi tội phạm thì khi bị hư hỏng có được đền bù không?
Theo quy định của pháp luật thì khi cá nhân, cơ quan , tổ chức tham gia phòng, chống ma túy mà bị thiệt hại về tài sản, tính mạng, thương tích, tổn hại về sức khỏe sẽ được Nhà nước đền bù theo quy định tại Điều 1 và Điều 2 Nghị định 103/2002/NĐ-CP.
Theo đó, Điều 5 Nghị định 103/2002/NĐ-CP quy định về việc đền bù thiệt hại tài sản như sau:
1. Thiệt hại được đền bù bao gồm tài sản bị mất, bị huỷ hoại hoặc bị hư hỏng do tham gia phòng, chống ma tuý và các chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.
2. Giá trị tài sản bị thiệt hại được xác định theo giá thị trường của tài sản đó tại địa phương vào thời điểm tài sản bị thiệt hại, kể cả tính khấu hao tài sản.
3. Nếu tài sản bị thiệt hại có khả năng phục hồi nguyên trạng thì được phục hồi nguyên trạng. Nếu tài sản bị mất hoặc không phục hồi được nguyên trạng thì được đền bù.
Đồng thời, Mục III Thông tư liên tịch 03/2005/TTLT-BCA-BTC-BLĐTBXH-BQP hướng dẫn cụ thể về chế độ đền bù thiệt hại về tài sản do tham gia phòng, chống ma túy như sau:
1. Thiệt hại về tài sản do tham gia phòng, chống ma túy (sau đây viết gọn là thiệt hại về tài sản) được đền bù bao gồm:
a. Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng
b. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.
2. Giá trị tài sản bị thiệt hại, được xác định theo giá thị trường của tài sản đó tại địa phương vào thời điểm tài sản bị thiệt hại sau khi trừ khấu hao tài sản. Nếu tài sản bị thiệt hại có khả năng phục hồi nguyên trạng thì được đền bù đủ để phục hồi nguyên trạng. Nếu tài sản bị mất hoặc không phục hồi được nguyên trạng thì được đền bù bằng tiền hoặc tài sản có giá trị tương đương.
Như vậy, hiện nay pháp luật đã quy định cụ thể trường hợp xe máy bị hư hỏng do cho lực lượng công an mượn để truy đuổi tội phạm ma túy sẽ được đền bù với giá trị tài sản theo quy định trên.
Cho lực lượng công an mượn xe máy để truy đuổi tội phạm thì khi bị hư hỏng có được đền bù thiệt hại không? (Hình từ Internet)
Thẩm quyền giải quyết việc đền bù cho đối tượng bị thiệt hại về tài sản là ai?
Căn cứ theo quy định tại Điều 7 Nghị định 103/2002/NĐ-CP quy định thẩm quyền giải quyết việc đền bù thiệt hại tài sản như sau:
- Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra thuộc Công an cấp huyện, Thủ trưởng cơ quan Điều tra hình sự ở Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh quyết định đền bù thiệt hại về tài sản có giá trị đến dưới 2.000.000 (hai triệu) đồng đối với các vụ án do đơn vị mình thụ lý.
- Thủ trưởng cơ quan điều tra thuộc Công an từ cấp tỉnh trở lên, Thủ trưởng cơ quan Điều tra hình sự ở Tổng cục và cấp tương đương trong Quân đội, Thủ trưởng cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma tuý Bộ Công an quyết định đền bù thiệt hại về tài sản có giá trị đến dưới 5.000.000 (năm triệu) đồng đối với các vụ án do đơn vị mình thụ lý.
- Giám đốc Công an cấp tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Thủ trưởng cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng, Cục trưởng Cục Hải quan cấp tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh và tương đương quyết định đền bù thiệt hại về tài sản có giá trị đến dưới 10.000.000 (mười triệu) đồng đối với các vụ án do cơ quan điều tra, cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma tuý hoặc đơn vị Bộ đội Biên phòng, cơ quan Hải quan thuộc quyền thụ lý.
- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện quyết định đền bù thiệt hại về tài sản có giá trị đến dưới mười triệu đồng đối với các vụ việc khác về ma tuý xảy ra tại địa phương mình.
- Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định đền bù thiệt hại về tài sản có giá trị từ 10.000.000 (mười triệu) đồng trở lên đối với các vụ án do cơ quan điều tra, cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma tuý hoặc đơn vị Bộ đội Biên phòng, cơ quan Hải quan thuộc quyền thụ lý.
- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đền bù thiệt hại về tài sản có giá trị từ 10.000.000 (mười triệu) đồng trở lên đối với các vụ việc khác về ma tuý xảy ra tại địa phương mình.
Để được giải quyết đền bù, trợ đối với tài sản bị thiệt hại thì cần chuẩn bị những hồ sơ gì?
Căn cứ quy định tại Mục V Thông tư liên tịch 03/2005/TTLT-BCA-BTC-BLĐTBXH-BQP về hồ sơ giải quyết đền bù, trợ cấp cho đối tượng bị thiệt hại gồm các tài liệu sau đây:
- Đơn yêu cầu đền bù, trợ cấp của đối tượng bị thiệt hại hoặc người đại diện hợp pháp của đối tượng đó theo các mẫu số 01, 02 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch 03/2005/TTLT-BCA-BTC-BLĐTBXH-BQP.
- Biên bản kết luận của Hội đồng tư vấn xét đền bù, trợ cấp theo mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch 03/2005/TTLT-BCA-BTC-BLĐTBXH-BQP (trường hợp phải thành lập Hội đồng tư vấn).
- Quyết định đền bù hoặc trợ cấp thiệt hại của người có thẩm quyền theo mẫu số 04 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch 03/2005/TTLT-BCA-BTC-BLĐTBXH-BQP.
- Giấy biên nhận tiền đền bù, trợ cấp thiệt hại của đối tượng được đền bù, trợ cấp hoặc người đại diện hợp pháp của đối tượng đó.
- Các tài liệu có liên quan khác (nếu có).
Hồ sơ nêu trên do cơ quan có trách nhiệm giải quyết đền bù, trợ cấp lưu.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.