Chính phủ thành lập 5 Tổ công tác kiểm tra tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công theo Nghị quyết 31?
Yêu cầu của Chính phủ về công tác giải ngân vốn đầu tư công theo Nghị quyết 31/NQ-CP là gì?
Nghị quyết 31/NQ-CP năm 2023 nêu rõ, Chính phủ cơ bản thống nhất với Báo cáo 1438/BC-BKHĐT ngày 02 tháng 3 năm 2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công 02 tháng đầu năm 2023 và các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Trên cơ sở nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương năm 2023 cho các bộ, cơ quan, địa phương. Đến ngày 01 tháng 3 năm 2023, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết đạt 85,2% kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ giao.
Ước thanh toán đến ngày 28 tháng 02 năm 2023 đạt 6,97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn khoảng 4,6 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ (tăng khoảng 10%). Có 12 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; 51/51 bộ, cơ quan trung ương và 22/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước, trong đó có 43 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân vốn (0%).
Tại mục III Nghị quyết 31/NQ-CP năm 2023, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương:
- Khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 đã được Thủ tướng Chính phủ giao theo đúng quy định, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải; bố trí đủ vốn theo tiến độ thực hiện, nhất là đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án phát triển hạ tầng trọng điểm có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Thực hiện điều hòa linh hoạt vốn giữa Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 theo quy định, bảo đảm giải ngân toàn bộ số vốn của Chương trình trong năm 2023.
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu, hoàn thiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội;
Trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10 tháng 3 năm 2023. Các Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về đôn đốc, kiểm tra công tác giải ngân vốn đầu tư công khẩn trương xây dựng, triển khai kế hoạch hoạt động, bảo đảm thiết thực, hiệu quả.
- Hằng tháng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính công bố công khai tại phiên họp Chính phủ thường kỳ và trên các phương tiện thông tin đại chúng về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương.
Chính phủ thành lập 5 Tổ công tác kiểm tra tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công theo Nghị quyết 31?
Thành lập 5 Tổ công tác kiểm tra tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công theo Nghị quyết 31 đúng không?
Ngày 14/03/2023, Thủ tướng ban hành Quyết định 235/QĐ-TTg năm 2023 thành lập 05 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Cụ thể, như sau:
(1) Tổ công tác số 1
Tổ công tác số 1 do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái làm Tổ trưởng, kiểm tra các Bộ, cơ quan; các địa phương sau:
- Các Bộ, cơ quan: Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam,...
- Các địa phương: Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Thành phố Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau.
(2) Tổ công tác số 2
Tổ trưởng Tổ công tác số 2 do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đảm nhiệm, kiểm tra các Bộ, cơ quan; các địa phương sau:
- Các Bộ, cơ quan: Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,...
- Các địa phương: Thành phố Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.
(3) Tổ công tác số 3
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang làm Tổ trưởng Tổ công tác số 3, kiểm tra các Bộ, cơ quan; các địa phương sau:
- Các Bộ, cơ quan: Văn phòng Trung ương Đảng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nội vụ,...
- Các địa phương: Thành phố Hải Phòng, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Bắc Giang, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên.
(4) Tổ công tác số 4
Tổ công tác số 4 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ trưởng, kiểm tra các địa phương: Yên Bái, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình.
(5) Tổ công tác số 5
Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Tổ trưởng Tổ công tác số 5, kiểm tra các địa phương: Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa Vũng Tàu.
Trong đó, thành phần tham gia các Tổ công tác của Lãnh đạo Chính phủ gồm Lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và một số cơ quan liên quan.
Thành phần cụ thể từng Tổ công tác do Tổ trưởng quyết định.
Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ được quy định như thế nào?
Căn cứ tại Điều 96 Hiến pháp 2013 quy định nhiệm vụ cũng như quyền hạn của Chính phủ như sau:
- Tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước;
- Đề xuất, xây dựng chính sách trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều này; trình dự án luật, dự án ngân sách nhà nước và các dự án khác trước Quốc hội; trình dự án pháp lệnh trước Ủy ban thường vụ Quốc hội;
- Thống nhất quản lý về kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ, môi trường, thông tin, truyền thông, đối ngoại, quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; thi hành lệnh động viên hoặc động viên cục bộ, lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp và các biện pháp cần thiết khác để bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm tính mạng, tài sản của Nhân dân;
- Trình Quốc hội quyết định thành lập, bãi bỏ bộ, cơ quan ngang bộ; thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Thống nhất quản lý nền hành chính quốc gia; thực hiện quản lý về cán bộ, công chức, viên chức và công vụ trong các cơ quan nhà nước; tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống quan liêu, tham nhũng trong bộ máy nhà nước; lãnh đạo công tác của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp; hướng dẫn, kiểm tra Hội đồng nhân dân trong việc thực hiện văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên; tạo điều kiện để Hội đồng nhân dân thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do luật định;
- Bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước và xã hội, quyền con người, quyền công dân; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội;
- Tổ chức đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước theo ủy quyền của Chủ tịch nước; quyết định việc ký, gia nhập, phê duyệt hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ, trừ điều ước quốc tế trình Quốc hội phê chuẩn quy định tại khoản 14 Điều 70; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích chính đáng của tổ chức và công dân Việt Nam ở nước ngoài;
- Phối hợp với Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.