Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ khó khăn đối với các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc, nhà ở xã hội như thế nào?
- 03 vướng mắc cần tập trung giải quyết theo Công điện 194/CĐ-TTg năm 2023 là gì?
- Chỉ đạo xử phạt tình trạng thông đồng, ép giá vật liệu xây dựng cho các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc cao hơn so với giá đã công bố?
- Chỉ đạo của Chính phủ trong việc xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở lưu trú cho công nhân như thế nào?
- Khẩn trương tháo gỡ vướng mắc thủ tục pháp lý trong lĩnh vực bất động sản?
03 vướng mắc cần tập trung giải quyết theo Công điện 194/CĐ-TTg năm 2023 là gì?
Vừa qua, Thủ tướng ký Công điện 194/CĐ-TTg năm 2023 yêu cầu tập trung tháo gỡ vướng mắc về đất đai, vật liệu xây dựng để triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc và bất động sản.
Nội dung công điện gửi Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có nêu rõ Thủ tướng Chính phủ đề ra 03 vấn đề cần giải quyết như sau:
(1) Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc.
(2) Xác định giá đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
(3) Xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở lưu trú cho công nhân, nhà ở cho người dân có thu nhập trung bình, người có nhu cầu ở thật góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm công ăn việc làm, an sinh xã hội cho người dân.
Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ khó khăn đối với các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc, nhà ở xã hội như thế nào?
Chỉ đạo xử phạt tình trạng thông đồng, ép giá vật liệu xây dựng cho các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc cao hơn so với giá đã công bố?
Vấn đề này được đề cập tại Công điện 194/CĐ-TTg năm 2023, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong việc khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc trong đó:
Yêu cầu Chủ tịch Ủy ban dân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nhiệm vụ sau:
- Yêu cầu tiếp tục thực hiện việc nhất quán phương châm để triển khai các dự án đường cao tốc là công trình của quốc gia, phục vụ lợi ích chung của cả nước và mang lại động lực, lan tỏa, thúc đẩy thu hút đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; do đó, phải dành sự ưu tiên cao nhất các điều kiện về nguồn lực, vật liệu để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án giao thông, nhất là các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc.
- Chủ tịch Ủy ban dân dân cấp tỉnh tổ chức tuyên truyền tới các chủ đầu tư dự án, nhà thầu, tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác mỏ vật liệu về các quy định của pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản, pháp luật liên quan, các cơ chế đặc thù đã được Quốc hội, Chính phủ cho phép áp dụng để khai thác khoáng sản đúng quy định pháp luật, đáp ứng tiến độ, khối lượng của các dự án trên địa bàn. Phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra tình trạng giấy phép khai thác khoáng sản hết hạn, không đủ điều kiện gia hạn, thiếu nguồn vật liệu cung cấp cho dự án.
- Yêu cầu khẩn trương phối hợp với chủ đầu tư các dự án thực hiện rà soát, nâng công suất các mỏ đá, mỏ cát, mỏ đất đã cấp phép, đang khai thác trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu và tiến độ thi công.
- Chủ tịch Ủy ban dân dân cấp tỉnh phải chỉ đạo các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã có trách nhiệm cùng với các chủ đầu tư, nhà thầu thỏa thuận với các chủ sở hữu về giá đền bù, hỗ trợ, thuê đất, bồi thường cây cối, hoa màu... đối với các mỏ mới nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ các dự án, đảm bảo phù hợp với mặt bằng giá bồi thường của nhà nước quy định.
- Giao Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương có liên quan cấp trực tiếp cho chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện dự án hoặc làm việc với các nhà cung ứng vật liệu, chủ mỏ để có cam kết việc cung ứng vật liệu theo giá đã công bố, niêm yết, nếu không phải xử lý theo quy định của pháp luật.
- Yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ giá vật liệu xây dựng, đặc biệt là giá vật liệu tại các mỏ đang khai thác để không xảy ra tình trạng nâng giá, ép giá, bán với giá cao hơn mức giá đã được các địa phương công bố. Nếu phát hiện tình trạng cố tình thông đồng, ép giá cao hơn so với giá đã công bố phải có giải pháp mạnh như xử phạt, xem xét thu hồi giấy phép.
- Ngoài ra, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có nhiệm vụ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường xây dựng để kịp thời cập nhật, công bố giá vật liệu xây dựng thông thường, chỉ số giá xây dựng đảm bảo phù hợp với giá mặt bằng trong khu vực.
- Đồng thời, xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu đối với các sở, ngành, địa phương không hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng giao Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu chủ động làm việc với các địa phương để bảo đảm các mỏ và nguồn cung cấp vật liệu san lấp, đắp nền phục vụ thi công; thực hiện theo đơn giá vật liệu do các địa phương ban hành theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tính ổn định và không làm tăng vốn đầu tư.
Chỉ đạo của Chính phủ trong việc xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở lưu trú cho công nhân như thế nào?
Theo Công điện 194/CĐ-TTg năm 2023, Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở lưu trú cho công nhân như sau:
Thứ nhất, nhiệm vụ của Chủ tịch UBND cấp tỉnh:
- Nghiêm túc triển khai, thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh bền vững và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả triển khai thực hiện theo yêu cầu tại Công văn 1794/VPCP-CN năm 2023.
- Thực hiện đúng quy định của pháp luật về công tác quy hoạch, công bố quy hoạch, bố trí quỹ đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở để phát triển nhà ở xã hội.
- Rà soát, thực hiện nghiêm quy định về việc dành 20% quỹ đất ở đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư phát triển nhà ở xã hội theo pháp luật về nhà ở.
- Công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư nhà ở xã hội cho các doanh nghiệp để nghiên cứu, đề xuất đầu tư.
- Quy hoạch, bố trí các dự án nhà ở xã hôi, nhà ở cho công nhân độc lập tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô lớn, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là các thành phố lớn như Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh…
- Dành quỹ đất và kêu gọi các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp bất động sản tham gia đầu tư, phát triển nhà ở công nhân, nhà lưu trú cho công nhân thuê tại các khu công nghiệp và khu kinh tế theo quy định tại Nghị định 35/2022/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2022 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.
Thứ hai, yêu cầu Bộ Xây dựng hoàn thành tốt nhiệm vụ:
- Khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, trong đó đặc biệt đẩy mạnh:
+ Nghiên cứu xây dựng báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét ban hành "Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội" vào kỳ họp tháng 5 năm 2023;
+ Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương doanh nghiệp triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030".
Thứ ba, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải thực hiện nhiệm vụ sau:
- Nghiên cứu hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm khai thác và huy động tối đa các nguồn lực tài chính trong và ngoài nước cho phát triển nhà ở xã hội nói riêng và thị trường bất động sản nói chung, nhất là nhà ở cho người dân có thu nhập trung bình, người có nhu cầu ở thật.
Khẩn trương tháo gỡ vướng mắc thủ tục pháp lý trong lĩnh vực bất động sản?
Chính phủ cho rằng thời gian qua công tác xác định giá đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở lưu trú cho công nhân vẫn còn nhiều vướng mắc khó khăn, do đó Công điện 194/CĐ-TTg năm 2023 chỉ đạo một số nhiệm vụ để giải quyết hạn chế như sau:
- Yêu cầu Chủ tịch Ủy ban dân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, tổng hợp các dự án đang vướng mắc thủ tục pháp lý liên quan đến việc xác định giá đất cụ thể, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, để kịp thời chỉ đạo các cấp, ngành tập trung, nêu cao tinh thần trách nhiệm, không né tránh, không đùn đẩy để giải quyết, tháo gỡ;
Báo cáo kết quả cho Thủ tướng Chính phủ hàng Quý, bắt đầu từ Quý II năm 2023.
- Đồng thời, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn trong việc xác định giá đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
- Yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong việc thực hiện các thủ tục về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
- Bộ Kế hoạch và đầu tư phải thực hiện nhiệm vụ sau:
+ Rà soát nghiên cứu xây dựng và trình Chính phủ xem xét ban hành "Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư" theo quy trình rút gọn trong tháng 4 năm 2023.
+ Thực hiện tăng cường kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp các quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong chấp thuận, điều chỉnh chủ trương đầu tư, đấu thầu dự án bất động sản.
+ Nghiên cứu chính sách nhằm khai thác và huy động tối đa các nguồn lực tài chính trong và ngoài nước cho phát triển nhà ở xã hội nói riêng và thị trường bất động sản nói chung, nhất là nhà ở cho người dân có thu nhập trung bình, người có nhu cầu ở thật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.