Cầu thủ đội tuyển Việt Nam có phải đóng thuế thu nhập cá nhân khi nhận thưởng từ các doanh nghiệp không?
Cầu thủ đội tuyển Việt Nam có phải đóng thuế thu nhập cá nhân không?
Căn cứ Điều 2 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 có quy đinh:
Đối tượng nộp thuế
1. Đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân là cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật này phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam và cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật này phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam.
2. Cá nhân cư trú là người đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:
a) Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc tính theo 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam;
b) Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam, bao gồm có nơi ở đăng ký thường trú hoặc có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo hợp đồng thuê có thời hạn.
3. Cá nhân không cư trú là người không đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này.
Như vậy, để xác định cầu thủ có phải đóng thuế thu nhập cá nhân hay không, trước hết phải xác định người này là cá nhân cư trú hay cá nhân không cư trú.
Thông thường, các cầu thủ của đội tuyển Việt Nam được xác định là cá nhân cư trú. Việc xác định này phải thỏa mãn một trong các điều kiện là:
+ Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc tính theo 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam
+ Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam, bao gồm có nơi ở đăng ký thường trú hoặc có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo hợp đồng thuê có thời hạn
Trường hợp có phát sinh thu nhập, thì cầu thủ là người cư trú có nghĩa vụ đóng thuế thu nhập cá nhân như sau:
+ Áp dụng biểu thuế luỹ tiến từng phần đối với thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công, căn cứ Điều 22 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007.
Ngoài ra, căn cứ Điều 1 Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 về miễn trừ gia cảnh, thì hiện nay nếu tiền lương của cầu thủ từ 11.000.000đ/tháng trở lên có thể phải đóng thuế thu nhập cá nhân cho Nhà nước. Các cá nhân có thu nhập dưới 11.000.000đ/tháng thì không cần phải đóng thuế cho khoản thu nhập này.
Trường hợp, câu lạc bộ của cầu thủ không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới ba (03) tháng có tổng mức trả thu nhập từ hai triệu (2.000.000) đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước mà không tính theo biểu thuế lũy tiến từng phần, căn cứ điểm i khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC.
+ Áp dụng biểu thuế toàn phần đối với thu nhập tính thuế đối với thu nhập từ đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản, trúng thưởng, tiền bản quyền, nhượng quyền thương mại, nhận thừa kế, quà tặng. Căn cứ Điều 23 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 (Khoản 2 Điều này được sửa đổi khoản 7 Điều 2 Luật sửa đổi các Luật về thuế 2014).
Cầu thủ đội tuyển Việt Nam có phải đóng thuế thu nhập cá nhân khi nhận thưởng từ các doanh nghiệp không? (Hình từ Internet)
Cầu thủ đội tuyển Việt Nam có phải đóng thuế thu nhập cá nhân khi nhận thưởng từ các doanh nghiệp không?
Để xác định đâu là khoản tiền thưởng mà cầu thủ đội tuyển quốc gia nhận được và phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Thì cần xem xét theo tính chất từng khoản thu nhập để xác định việc kê khai, nộp hoặc không phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định. Thông thường những khoản tiền thưởng mà cầu thủ đội tuyển Việt Nam nhận được là:
+ Đối với khoản tiền thưởng của câu lạc bộ chủ quản, thì đây được xem là thu nhập từ tiền lương, tiền công. Và chịu thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần, căn cứ điểm e khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC.
+ Đối với khoản tiền thưởng từ nguồn ngân sách Nhà nước được các đơn vị trao tặng như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Olympic Quốc gia, Liên đoàn bóng đá Việt Nam, hay UBND các cấp và có kèm danh hiệu được phong tặng, thì không chịu thuế thu nhập cá nhân, căn cứ điểm e.2 khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC.
Trường hợp được thưởng từ các đơn vị nêu trên nhưng không có danh hiệu được phong tặng thì được xác định là thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân.
+ Đối với khoản thưởng tiền mặt từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, thì đây là khoản thu nhập không chịu thuế thu nhập cá nhân. Trường hợp khoản thưởng là bất động sản, các loại tài sản phải đăng ký quyền sở hữu như ôtô, xe máy, du thuyền, súng thể thao,…, chứng khoán, phần vốn góp trong doanh nghiệp. Thì đây được xác định là khoản thu nhập chịu thuế, căn cứ khoản 10 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC.
Không nộp thuế thu nhập cá nhân, có thể bị xử phạt như thế nào?
Hành vi không nộp thuế thu nhập cá nhân được xem là hành vi trốn thuế, và có thể bị xử phạt hành chính như sau, căn cứ theo Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định như sau:
Xử phạt hành vi trốn thuế
1. Phạt tiền 1 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế có từ một tình tiết giảm nhẹ trở lên khi thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế hoặc nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc kể từ ngày hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế, trừ trường hợp quy định tại điểm b, c khoản 4 và khoản 5 Điều 13 Nghị định này;
b) Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp, không khai, khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, được miễn, giảm thuế, trừ hành vi quy định tại Điều 16 Nghị định này;
c) Không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp người nộp thuế đã khai thuế đối với giá trị hàng hóa, dịch vụ đã bán, đã cung ứng vào kỳ tính thuế tương ứng; lập hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ sai về số lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ để khai thuế thấp hơn thực tế và bị phát hiện sau thời hạn nộp hồ sơ khai thuế;
d) Sử dụng hóa đơn không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp hóa đơn để khai thuế làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm;
đ) Sử dụng chứng từ không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp chứng từ; sử dụng chứng từ, tài liệu không phản ánh đúng bản chất giao dịch hoặc giá trị giao dịch thực tế để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được miễn, giảm, số tiền thuế được hoàn; lập thủ tục, hồ sơ hủy vật tư, hàng hóa không đúng thực tế làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn, được miễn, giảm;
e) Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng, khai thuế với cơ quan thuế;
g) Người nộp thuế có hoạt động kinh doanh trong thời gian xin ngừng, tạm ngừng hoạt động kinh doanh nhưng không thông báo với cơ quan thuế, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều 10 Nghị định này.
2. Phạt tiền 1,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này mà không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ.
3. Phạt tiền 2 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này mà có một tình tiết tăng nặng.
4. Phạt tiền 2,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này có hai tình tiết tăng nặng.
5. Phạt tiền 3 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này có từ ba tình tiết tăng nặng trở lên.
Đồng thời, cá nhân trốn thuế có thể chịu các biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp đủ số tiền thuế trốn vào ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, điểm a khoản 1 Điều 42 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định tiền chậm nộp tiền phạt vi phạm hành chính về thuế như sau:
Tiền chậm nộp tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn
1. Tính tiền chậm nộp tiền phạt
a) Tổ chức, cá nhân chậm nộp tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn thì bị tính tiền chậm nộp tiền phạt theo mức 0,05%/ngày tính trên số tiền phạt chậm nộp.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.