Cần ngăn chặn chợ tự phát buôn bán động vật hoang dã trong công tác phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học?
Buôn bán động vật hoang dã có phải là hành vi bị cấm?
Căn cứ theo khoản 29 Điều 3 Nghị định 06/2019/NĐ-CP được bổ sung bởi khoản 4 Điều 1 Nghị định 84/2021/NĐ-CP thì động vật hoang dã được hiểu là những loài động vật sinh sống, phát triển trong sinh cảnh tự nhiên, nhân tạo hoặc loài động vật được nuôi trong môi trường có kiểm soát nhưng không phải là vật nuôi.
Động vật hoang dã thuộc một trong các trường hợp sau:
- Loài động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;
- Loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm;
- Loài động vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục của CITES;
- Loài động vật rừng thông thường;
- Loài động vật trên cạn khác thuộc lớp chim, thú, bò sát, lưỡng cư, trừ một số loài thuộc Danh mục do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan công bố.
Theo Bộ luật Hình sự 2015 thì buôn bán động vật hoang dã là hành vi bị cấm và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào mức độ vi phạm. Người thực hiện hành vi buôn bán trái phép động vật hoang dã có thể bị truy cứu về các tội sau:
- Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã (Điều 234 Bộ luật Hình sự 2015);
- Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm (Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015).
Cần ngăn chặn chợ tự phát buôn bán động vật hoang dã trong công tác phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học? (Hình từ Internet)
Công tác phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học giai đoạn 2022 - 2030 được quy định ra sao?
Ngày 27/12/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1623/QĐ-TTg năm 2022 về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Theo đó, tại Mục II Quyết định 1623/QĐ-TTg năm 2022 xác định các nội dung trọng tâm sau:
- Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về đa dạng sinh học;
- Hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học;
- Tăng cường công tác phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học;
- Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, kỹ thuật phục vụ công tác phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học;
- Mở rộng hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học.
Như vậy, công tác phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học giai đoạn 2022 - 2030 được thực hiện theo 05 nội dung trên.
Trách nhiệm của UBND tỉnh trong công tác phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học giai đoạn 2022 - 2030?
Căn cứ theo tiểu mục 11 Mục V Quyết định 1623/QĐ-TTg năm 2022, UBND có những trách nhiệm, nhiệm vụ sau:
- Chỉ đạo thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước tại địa phương, không để hình thành chợ tự phát, điểm tập trung hoạt động buôn bán động vật hoang dã, đặc biệt tại các địa bàn có rừng, tuyến giao thông kết nối các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia;
- Tổ chức rà soát, đánh giá tình hình vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học tại địa phương;
- Kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học, nhất là hành vi mua bán, vận chuyển, nuôi, nhốt, giết mổ, săn bắt, bẫy động vật hoang dã, phá rừng, lấn chiếm rừng, đồng thời công khai thông tin về kết quả xử lý;
- Nghiên cứu thành lập Văn phòng liên lạc phòng, chống ma túy và tội phạm qua biên giới (BLO); xem xét cử thành viên tham gia BLO đầy đủ theo hệ nghiệp vụ để hợp tác phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học;
- Lập và công bố danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc về đa dạng sinh học (động vật, thực vật hoang dã; tài nguyên, khoáng sản...);
- Tăng cường nhân lực, cơ sở vật chất cho lực lượng trực tiếp đấu tranh với tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học;
- Tăng mức đầu tư ngân sách, ưu tiên đầu tư kinh phí, trang thiết bị, phương tiện cho các lực lượng trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học;
- Phối hợp chặt chẽ với các địa phương giáp ranh chủ động phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả từ sớm, từ xa tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học hoạt động có tính chất liên tỉnh;
- Thiết lập đường dây nóng tiếp nhận, xử lý thông tin về tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học;
- Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác bảo tồn đa dạng sinh học;
- Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu, có thành tích xuất sắc.
Như vậy, trong công tác phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học giai đoạn 2022 - 2030, UBND có những nhiệm vụ nêu trên. Trong đó, cần ngăn chặn, không để hình thành chợ tự phát, điểm tập trung hoạt động buôn bán động vật hoang dã.
Xem chi tiết tại Quyết định 1623/QĐ-TTg năm 2022.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.