Cách xác định nơi cư trú của người không có nơi thường trú, tạm trú mới từ 10/01/2025 thế nào?
Cách xác định nơi cư trú của người không có nơi thường trú, tạm trú mới từ 10/01/2025 thế nào?
Căn cứ tại Điều 4 Nghị định 154/2024/NĐ-CP hướng dẫn cách xác định nơi cư trú của người không có nơi thường trú, tạm trú mới từ 10/01/2025 như sau:
- Người không có nơi thường trú, nơi tạm trú khai báo thông tin về cư trú theo mẫu Tờ khai thay đổi thông tin cư trú và nộp trực tuyến, trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích đến cơ quan đăng ký cư trú tại nơi ở hiện tại theo quy định tại Điều 19 Luật Cư trú 2020.
Trường hợp chưa có thông tin hoặc thông tin không đầy đủ, chính xác trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú thì cơ quan đăng ký cư trú tại nơi ở hiện tại của công dân có trách nhiệm tiếp nhận thông tin, hồ sơ của công dân, kiểm tra, xác minh và thực hiện thu thập, cập nhật thông tin công dân theo quy định của pháp luật.
- Trường hợp qua kiểm tra, rà soát, cơ quan đăng ký cư trú phát hiện công dân thuộc trường hợp phải khai báo thông tin về cư trú thì có trách nhiệm hướng dẫn và yêu cầu công dân đó thực hiện việc khai báo.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày cơ quan đăng ký cư trú yêu cầu công dân khai báo thông tin về cư trú thì công dân có trách nhiệm thực hiện khai báo theo quy định như trên.
- Trường hợp qua kiểm tra, xác minh xác định thông tin về cư trú do công dân đã khai báo, cung cấp nhưng chưa đầy đủ, chính xác hoặc không kiểm tra, xác minh được thông tin về công dân thì cơ quan đăng ký cư trú có văn bản giấy hoặc văn bản điện tử từ chối tiếp nhận khai báo thông tin về cư trú và đề nghị công dân đó khai báo lại để kiểm tra, xác minh theo quy định (trừ trường hợp thông tin khai báo lại đúng với kết quả đã xác minh trước đó).
Thời hạn kiểm tra, xác minh lại được tính như thời hạn kiểm tra, xác minh lần đầu.
Qua kiểm tra, xác minh nếu có căn cứ xác định người đến khai báo là công dân Việt Nam và thông tin mà công dân đó khai báo đầy đủ, chính xác thì cơ quan đăng ký cư trú tiến hành thu thập, cập nhật thông tin công dân đó vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đề nghị cơ quan quản lý căn cước Bộ Công an xác lập số định danh cá nhân của công dân Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú khi công dân có nhu cầu.
- Nội dung giấy xác nhận thông tin về cư trú bao gồm các thông tin cơ bản về công dân:
+ Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân;
+ Ngày, tháng, năm sinh; giới tính;
+ Quốc tịch;
+ Dân tộc;
+ Tôn giáo;
+ Quê quán;
+ Nơi đăng ký khai sinh;
+ Nơi ở hiện tại;
+ Ngày, tháng, năm khai báo cư trú;
+ Họ, chữ đệm và tên chủ hộ;
+ Quan hệ với chủ hộ;
+ Số định danh cá nhân chủ hộ.
- Công dân đã được cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú có trách nhiệm đăng ký thường trú hoặc đăng ký tạm trú ngay khi đủ điều kiện, thủ tục theo quy định của Luật Cư trú 2020;
Trường hợp chưa đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú nhưng có thay đổi về thông tin cá nhân, thông tin nhân thân thì phải khai báo lại với cơ quan đăng ký cư trú nơi đã cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú để kiểm tra, xác minh, rà soát, cập nhật, điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.
Trên đây là cách xác định nơi cư trú của người không có nơi thường trú, tạm trú áp dụng từ 10/01/2025
Cách xác định nơi cư trú của người không có nơi thường trú, tạm trú mới từ 10/01/2025 thế nào? (Hình từ Internet)
Những giấy tờ, tài liệu nào dùng để chứng minh chỗ ở hợp pháp để đăng ký thường trú?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 154/2024/NĐ-CP quy định về giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp để đăng ký thường trú là một trong các giấy tờ, tài liệu sau:
- Giấy tờ, tài liệu chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do cơ quan có thẩm quyền cấp qua các thời kỳ theo quy định của pháp luật về đất đai và nhà ở;
- Giấy phép xây dựng nhà ở hoặc giấy phép xây dựng nhà ở có thời hạn đối với trường hợp phải xin giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng;
- Giấy tờ mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước hoặc giấy tờ về hóa giả, thanh lý nhà ở gần liền với đất ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật;
- Hợp đồng mua bản nhà ở hoặc giấy tờ chứng minh việc đã bàn giao nhà ở hoặc đã nhận nhà ở của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đầu tư xây - dựng để bán;
- Giấy tờ về mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai và nhà ở;
- Giấy tờ về giao tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, cấp nhà ở, đất ở cho cá nhân, hộ gia đình;
- Giấy tờ của Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết cho được sở hữu nhà ở đã có hiệu lực pháp luật.
- Giấy tờ, tài liệu chứng minh về việc thế chấp, cầm cố quyền sở hữu chỗ ở hợp pháp;
- Xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về nhà ở, đất ở sử dụng ổn định, không có tranh chấp và không thuộc địa điểm không được đăng ký thường trú mới theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Nghị định 154/2024/NĐ-CP;
- Giấy tờ, tài liệu chứng minh về đăng ký, đăng kiểm phương tiện thuộc quyền sở hữu, xác nhận đăng ký nơi thường xuyên đậu, đỗ của phương tiện trừ trường hợp không phải đăng ký nơi thường xuyên đậu đỗ theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 154/2024/NĐ-CP;
- Hợp đồng, văn bản về việc cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật;
- Một trong các loại giấy tờ, tài liệu khác để xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai, nhà ở qua các thời kỳ.
Giấy tờ chứng minh quan hệ thân nhân từ 2025 gồm những gì?
Căn cứ tại Điều 6 Nghị định 154/2024/NĐ-CP có quy định về giấy tờ, tài liệu, thông tin chứng minh quan hệ nhân thân như sau:
- Công dân cung cấp thông tin về quan hệ nhân thân với chủ hộ, thành viên hộ gia đình cho cơ quan đăng ký cư trú khi nộp hồ sơ; cơ quan đăng ký có trách nhiệm khai thác thông tin này trong căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử trên hệ thống định danh và xác thực điện tử qua VNeID hoặc trong CSDL quốc gia về dân cư, CSDL về cư trú, Kho quản lý dữ liệu điện tử tổ chức, cá nhân trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh hoặc CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành khác khác.
Trường hợp không khai thác được thông tin chứng minh về quan hệ nhân thân trong các CSDL, hệ thống thông tin thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm kiểm tra, xác minh để giải quyết thủ tục về cư trú; công dân có trách nhiệm cung cấp bản sao, bản chụp, bản điện tử một trong các giấy tờ, tài liệu chứng minh về quan hệ nhân thân khi cơ quan đăng ký cư trú yêu cầu.
- Trường hợp không khai thác được thông tin theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 154/2024/NĐ-CP thì giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 20 Luật Cư trú 2020, bao gồm:
+ Giấy tờ, tài liệu để chứng minh quan hệ vợ, chồng: Giấy chứng nhận kết hôn; giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; thẻ căn cước (sử dụng thông tin mã hóa, lưu trữ trong bộ phận lưu trữ trên thẻ căn cước); xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú về quan hệ vợ, chồng;
+ Giấy tờ, tài liệu để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con: Giấy khai sinh; chứng nhận hoặc quyết định việc nuôi con nuôi; quyết định việc nhận cha, mẹ, con; xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú; thẻ căn cước (sử dụng thông tin mã hóa, lưu trữ trong bộ phận lưu trữ trên thẻ căn cước); quyết định của Tòa án, trích lục hộ tịch hoặc văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định về quan hệ cha, mẹ với con;
+ Ngoài các giấy tờ nêu trên, cơ quan, tổ chức nơi công dân đó đang công tác, sinh hoạt, học tập căn cứ vào hồ sơ, lý lịch cá nhân để xác nhận mối quan hệ vợ chồng, quan hệ cha, con cho cán bộ, nhân viên, thành viên thuộc tổ chức mình.
- Trường hợp không khai thác được thông tin theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 154/2024/NĐ-CP thì giấy tờ, tài liệu chứng minh nhân thân, mối quan hệ nhân thân của người thuộc trường hợp quy định tại điểm b, điểm c khoản 2 Điều 20 Luật Cư trú 2020, bao gồm:
+ Giấy tờ, tài liệu để chứng minh mối quan hệ anh, chị, em ruột: Giấy khai sinh, xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú hoặc xác nhận của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về hộ tịch;
+ Giấy tờ, tài liệu chứng minh mối quan hệ cụ nội, cụ ngoại, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, cháu ruột: Giấy khai sinh; xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc xác nhận của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về hộ tịch;
+ Giấy tờ, tài liệu chứng minh mối quan hệ người giám hộ: Quyết định cử người giám hộ; trích lục đăng ký giám hộ; thẻ CCCD, thẻ căn cước; xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú;
+ Giấy tờ, tài liệu chứng minh không còn cha, mẹ: Giấy chứng tử của cha, mẹ hoặc quyết định của Tòa án tuyên bố cha, mẹ mất tích, chết; xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú về việc cha, mẹ đã chết;
+ Giấy tờ chứng minh là người cao tuổi: Giấy khai sinh, thẻ CCCD, thẻ căn cước (sử dụng thông tin mã hóa, lưu trữ trong bộ phận lưu trữ trên thẻ căn cước); Thẻ hội viên Hội người cao tuổi Việt Nam; Hộ chiếu; Sổ Bảo hiểm xã hội, Thẻ bảo hiểm y tế hoặc xác nhận của UBND cấp xã về ngày, tháng, năm sinh;
+ Giấy tờ chứng minh là người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng, người không có khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi: Chứng nhận của cơ sở y tế cấp huyện trở lên hoặc xác nhận của UBND cấp xã tại nơi cư trú;
+ Giấy tờ chứng minh là người chưa thành niên gồm: Giấy khai sinh, thẻ CCCD, thẻ căn cước (sử dụng thông tin mã hóa, lưu trữ trong bộ phận lưu trữ trên thẻ căn cước); Hộ chiếu; Thẻ bảo hiểm y tế hoặc xác nhận của UBND cấp xã tại nơi cư trú về ngày, tháng, năm sinh.
*Nghị định 154/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/01/2025.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.