Cách viết bài thu hoạch Nghị quyết 13 dành cho đảng viên sau khi học tập, quán triệt Nghị quyết của Đảng?
Cách viết bài thu hoạch Nghị quyết 13 dành cho đảng viên sau khi học tập, quán triệt Nghị quyết của Đảng?
Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam có nhiệm vụ chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Khi Nghị quyết mới của Đảng được ban hành, mỗi đảng viên sẽ phải nghiên cứu và học tập Nghị quyết của Đảng để nắm được những nhiệm vụ cốt lõi và xây dựng kế hoạch phát triển bản thân.
Để Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng được triển khai thực hiện nghiêm túc, đạt kết quả, ngày 09 tháng 3 năm 2021 Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 01-CT/TW yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp, các ngành tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng.
Như vậy, để đảm bảo công tác tổ chức học tập, triển khai, quán triệt nội dung Nghị quyết 13 của Đảng có hiệu quả, sau buổi học tập, đảng viên sẽ phải viết bài thu hoạch về kết quả học tập Nghị quyết của Đảng.
Có thể tham khảo cách viết bài thu hoạch nghị quyết 13 của Đảng sau:
Về mặt nội dung đảm bảo các yếu tố sau:
- Trình bày được những nội dung cốt lõi của Nghị quyết 13 của Đảng
- Trình bày được điểm mới của Nghị quyết 13 của Đảng so với Nghị quyết 12 của Đảng
- Trình bày được chủ trương, phương hướng cơ bản mà Nghị quyết 13 của Đảng xác định
- Liên hệ bản thân.
Về mặt hình thức nên đảm bảo:
- Mỗi đảng viên sẽ tự viết tay bài thu hoạch trên khổ giấy A4
- Ghi rõ thông tin cá nhân đảng viên: họ và tên, chức vụ, đơn vị công tác
- Có nhận xét, đánh giá và xác nhận của cấp ủy trực tiếp quản lý.
- Trình bày bài thu hoạch sạch đẹp, không tẩy xóa, viết một màu mực, tuyệt đối không được trang trí trong bài thu hoạch.
Trên đây là một số thông tin tham khảo về bài thu hoạch Nghị quyết 13.
Cách viết bài thu hoạch Nghị quyết 13 dành cho đảng viên sau khi học tập, quán triệt Nghị quyết của Đảng? (Hình ảnh từ Internet)
Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam là gì và họp khi nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 15 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam 2011:
Điều 15.
1. Đại hội đại biểu toàn quốc do Ban Chấp hành Trung ương triệu tập thường lệ năm năm một lần; có thể triệu tập sớm hoặc muộn hơn, nhưng không quá một năm.
2. Đại hội đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết của nhiệm kỳ vừa qua; quyết định đường lối, chính sách của Đảng nhiệm kỳ tới; bổ sung, sửa đổi Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng khi cần; bầu Ban Chấp hành Trung ương. Số lượng Uỷ viên Trung ương chính thức và Uỷ viên Trung ương dự khuyết do Đại hội quyết định.
Ban Chấp hành Trung ương xem xét việc chuyển Uỷ viên Trung ương dự khuyết có đủ điều kiện để thay thế Uỷ viên Trung ương chính thức khi khuyết.
3. Khi Ban Chấp hành Trung ương xét thấy cần hoặc khi có hơn một nửa số cấp uỷ trực thuộc yêu cầu thì Ban Chấp hành Trung ương triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc bất thường. Đại biểu dự Đại hội bất thường là các Uỷ viên Trung ương đương nhiệm, đại biểu đã dự Đại hội đại biểu toàn quốc đầu nhiệm kỳ, đủ tư cách.
Như vậy, đại hội đại biểu toàn quốc là cơ quan lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam ở cấp TW. Đại hội đại biểu toàn quốc do Ban Chấp hành Trung ương triệu tập thường lệ năm năm một lần; có thể triệu tập sớm hoặc muộn hơn, nhưng không quá một năm.
Ngoài ra, khi Ban Chấp hành Trung ương xét thấy cần hoặc khi có hơn một nửa số cấp uỷ trực thuộc yêu cầu thì Ban Chấp hành Trung ương triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc bất thường.
Quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 ra sao?
Căn cứ theo quy định tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII thì Đảng đã chỉ đạo những quan điểm sau:
- Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
- Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên.
- Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững.
- Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất.
- Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát huy bản chất giai cấp công nhân của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, xây dựng nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; gắn với tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân là những nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.