Các chức danh lực lượng cơ yếu chính thức bị bãi bỏ phụ cấp chức vụ lãnh đạo từ 01/7/2024 theo chính sách cải cách tiền lương 2024?
Các chức danh lực lượng cơ yếu chính thức bị bãi bỏ phụ cấp chức vụ lãnh đạo từ 01/7/2024 theo chính sách cải cách tiền lương 2024?
Hiện nay, các chức danh được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo trong lực lượng cơ yếu được quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư 07/2017/TT-BNV như sau:
- Người làm việc tại Ban Cơ yếu Chính phủ được bổ nhiệm chức danh lãnh đạo trong tổ chức cơ yếu hưởng mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo như sau:
STT | Chức danh lãnh đạo | Hệ số |
1 | Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ | 1,30 |
2 | Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ | 1,10 |
3 | Cục trưởng, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng và tương đương thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ | 0,90 |
4 | Phó Cục trưởng, Phó Vụ trưởng, Phó Chánh Văn phòng và tương đương thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ | 0,70 |
5 | Trưởng phòng và tương đương của các đơn vị thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ | 0,50 |
6 | Phó Trưởng phòng và tương đương của các đơn vị thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ | 0,40 |
7 | Trưởng ban hoặc Đội trưởng cơ yếu đơn vị và tương đương của các tổ chức thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ | 0,20 |
- Các chức danh lãnh đạo tương đương của các đơn vị thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
- Các chức danh lãnh đạo trong tổ chức cơ yếu thuộc các Bộ, ngành, địa phương thực hiện phụ cấp chức vụ lãnh đạo quy định đối với chức danh theo tổ chức của cơ quan, đơn vị quy định tại Bảng phụ cấp chức vụ lãnh đạo (bầu cử, bổ nhiệm) trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp của nhà nước; cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân và Công an nhân dân ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP.
- Người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu thuộc diện xếp lương theo ngạch, bậc công chức hoặc chức danh nghề nghiệp viên chức thực hiện phụ cấp chức vụ lãnh đạo theo quy định tại Thông tư 02/2005/TT-BNV
Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 được Quốc hội thông qua vào 10/11 đã quyết nghị thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp từ ngày 01/7/2024.
Theo đó,các khoản phụ cấp sau bị bãi bỏ theo quy định Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018:
+ Phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu để bảo đảm tương quan tiền lương với cán bộ, công chức)
+ Phụ cấp chức vụ lãnh đạo (do các chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị thực hiện xếp lương chức vụ);
+ Phụ cấp công tác đảng, đoàn thể chính trị - xã hội;
+ Phụ cấp công vụ (do đã đưa vào trong mức lương cơ bản);
+ Phụ cấp độc hại, nguy hiểm (do đã đưa điều kiện lao động có yếu tố độc hại, nguy hiểm vào phụ cấp theo nghề).
Như vậy, từ 01/7/2024 thực hiện chính sách cải cách tiền lương thì các đối tượng sau trong lực lượng cơ yếu không còn phụ cấp chức vụ lãnh đạo:
- Người làm việc tại Ban Cơ yếu Chính phủ được bổ nhiệm chức danh lãnh đạo trong tổ chức cơ yếu:
+ Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ
+ Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ
+ Cục trưởng, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng và tương đương thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ
+ Phó Cục trưởng, Phó Vụ trưởng, Phó Chánh Văn phòng và tương đương thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ
+ Trưởng phòng và tương đương của các đơn vị thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ
+ Phó Trưởng phòng và tương đương của các đơn vị thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ
+ Trưởng ban hoặc Đội trưởng cơ yếu đơn vị và tương đương của các tổ chức thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ
- Các chức danh lãnh đạo tương đương của các đơn vị thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
- Các chức danh lãnh đạo trong tổ chức cơ yếu thuộc các Bộ, ngành, địa phương.
- Người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu thuộc diện xếp lương theo ngạch, bậc công chức hoặc chức danh nghề nghiệp viên chức.
Các chức danh lực lượng cơ yếu chính thức bị bãi bỏ phụ cấp chức vụ lãnh đạo từ 01/7/2024 theo chính sách cải cách tiền lương 2024? (Hình ảnh từ Internet)
Tổ chức của lực lượng cơ yếu hiện nay ra sao?
Căn cứ theo quy định tại Điều 22 Luật Cơ yếu 2011 thì lực lượng cơ yếu được tổ chức như sau:
(1) Ban Cơ yếu Chính phủ.
(2) Cơ yếu các bộ, ngành bao gồm:
- Hệ thống tổ chức cơ yếu Quân đội nhân dân;
- Hệ thống tổ chức cơ yếu Công an nhân dân;
- Hệ thống tổ chức cơ yếu Ngoại giao;
- Hệ thống tổ chức cơ yếu trong cơ quan của Đảng, cơ quan khác của Nhà nước ở trung ương và địa phương.
(3) Tổ chức cơ yếu thuộc cơ yếu các bộ, ngành là đầu mối độc lập đặt dưới sự lãnh đạo của cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự chỉ đạo của người đứng đầu cơ quan, tổ chức sử dụng cơ yếu và sự quản lý về hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của tổ chức cơ yếu cấp trên.
(4) Chính phủ quy định việc thành lập, giải thể các tổ chức cơ yếu và cơ cấu tổ chức của Ban Cơ yếu Chính phủ.
Lực lượng cơ yếu được hiểu như thế nào?
Căn cư theo quy định tại Điều 20 Luật Cơ yếu 2011 có thể hiểu:
Lực lượng cơ yếu là một trong những lực lượng chuyên trách bảo vệ bí mật nhà nước, có chức năng tham mưu cho Đảng, Nhà nước về công tác cơ yếu, thực hiện hoạt động cơ yếu; góp phần bảo đảm tuyệt đối bí mật, an toàn, chính xác, kịp thời thông tin phục vụ sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, chỉ đạo, chỉ huy của lực lượng vũ trang nhân dân trong mọi tình huống; chủ động phòng ngừa, tham gia đấu tranh với các hoạt động thám mã gây phương hại đến an ninh quốc gia, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.