Các chính sách mới có hiệu lực từ ngày 15/4/2023? Có phải xóa sổ lớp không chuyên tại trường chuyên không?
Quy chế tổ chức và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên của Thông tư 05/2023/TT-BGDĐT và Hướng dẫn hoạt động và mối quan hệ công tác của Hội đồng Giám định y khoa các cấp Thông tư 01/2023/TT-BYT là các chính sách mới có hiệu lực từ ngày 15/4/2023.
Chính sách mới về tổ chức các lớp trong trường chuyên như thế nào?
Ngày 28/02/2023, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 05/2023/TT-BGDĐT về Quy chế tổ chức và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên:
- Xóa sổ lớp không chuyên tại trường chuyên: Căn cứ tại khoản 2 Điều 8 Quy chế tổ chức và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên ban hành kèm theo Thông tư 05/2023/TT-BGDĐT quy định như sau:
Lớp học trong trường chuyên
1. Lớp học trong trường chuyên được tổ chức theo môn học trong chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, bao gồm: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Ngoại ngữ, Toán, Tin học, Vật lí, Hóa học, Sinh học (sau đây gọi chung là lớp chuyên).
2. Không tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên.
3. Mỗi lớp chuyên có không quá 35 học sinh.
4. Trên cơ sở các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục và đề nghị của hiệu trưởng trường chuyên, cơ quan quản lý trường chuyên quyết định số môn học được tổ chức lớp chuyên (sau đây gọi là môn chuyên) và số lớp chuyên đối với từng môn chuyên.
Như vậy theo quy định trên trong trường chuyên không tổ chức dạy lớp không chuyên.
Việc tuyển sinh vào các lớp không chuyên chỉ được thực hiện đến hết năm học 2023 - 2024. Các lớp không chuyên đã được tuyển sinh và tổ chức thì tiếp tục thực hiện theo quy định cho đến khi học hết lớp 12.
Các lớp học trong trường chuyên được tổ chức theo môn học trong chương trình giáo dục phổ thông, bao gồm các lớp chuyên: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lí, Tin học, Vật lí, Hóa học, Sinh học.
Mỗi lớp chuyên có không quá 35 học sinh. Trên cơ sở điều kiện và đề nghị của hiệu trưởng, cơ quan quản lý quyết định số môn học được tổ chức lớp chuyên và số lớp chuyên với từng môn chuyên.
Các chính sách mới có hiệu lực từ ngày 15/4/2023? Có phải xóa sổ lớp không chuyên tại trường chuyên không? (Hình internet)
Chính sách mới về tiêu chuẩn giám định viên y khoa như thế nào?
Tại khoản 1 Điều 14 Thông tư 01/2023/TT-BYT, quy định chung về tiêu chuẩn giám định viên y khoa như sau:
+ Trình độ chuyên môn là bác sỹ đang công tác tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh Nhà nước, có chứng chỉ hành nghề phù hợp với lĩnh vực chuyên khoa được bổ nhiệm;
+ Có chứng nhận đào tạo hoặc đào tạo liên tục hoặc tập huấn về giám định y khoa do cơ quan, đơn vị có thẩm quyền cấp.
Trình tự giám định y khoa thực hiện như thế nào?
Cơ quan thường trực Hội đồng giám định y khoa là chủ thể thực hiện trình tự giám định y khoa các cấp theo quy định tại Mục 2 Chương 1 Thông tư 01/2023/TT-BYT.
Cụ thể, trình tự giám định y khoa được quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư 01/2023/TT-BYT như sau:
Một là Xác định đối tượng giám định y khoa:
-Giám định y khoa lần đầu là việc thực hiện khám giám định y khoa lần đầu cho đối tượng với cùng mục đích giám định, không phân biệt nội dung yêu cầu giám định.
- Giám định y khoa lại là việc thực hiện giám định y khoa từ lần thứ hai trở đi cho các đối tượng đã được giám định y khoa lần đầu với cùng mục đích giám định y khoa.
- Giám định y khoa phúc quyết là việc thực hiện giám định y khoa trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư này.
- Giám định y khoa phúc quyết lần cuối là việc thực hiện giám định y khoa đối với đối tượng quy định tại Điều 7 Thông tư này.
Hai là Kiểm tra đối chiếu:
Người thực hiện giám định y khoa có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu đối tượng giám định với một trong các giấy tờ sau đây:
- Giấy chứng minh nhân dân
- Hoặc Căn cước công dân
- Hoặc Hộ chiếu
- Hoặc giấy khai sinh đối với đối tượng dưới 14 tuổi
- Hoặc giấy xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú
- Hoặc tạm trú có dán ảnh chân dung của đối tượng chụp trên nền trắng cỡ ảnh 4 cm nhân với (x) 6 cm, cách ngày lập hồ sơ không quá 06 (sáu) tháng và đóng dấu giáp lai.
Ba là Khám tổng quát:
Bác sĩ được Cơ quan thường trực Hội đồng giám định y khoa giao thụ lý hồ sơ có trách nhiệm lập hồ sơ giám định, khám tổng quát và trình Lãnh đạo cơ quan thường trực Hội đồng giám định y khoa duyệt chỉ định khám chuyên khoa (khám lâm sàng, cận lâm sàng) phù hợp với hồ sơ giám định do tổ chức hoặc cá nhân người khám giám định đề nghị.
Bốn là Khám chuyên khoa
Giám định viên chuyên khoa thực hiện khám và kết luận về những nội dung theo chỉ định của cơ quan thường trực Hội đồng giám định y khoa. Trường hợp cần thiết phải hội chẩn chuyên khoa.
Năm là Hội chẩn chuyên môn
Lãnh đạo cơ quan thường trực Hội đồng giám định y khoa chịu trách nhiệm tổ chức, chủ trì hội chẩn trước khi Hội đồng giám định y khoa họp. Trường hợp cần thiết, Cơ quan thường trực Hội đồng giám định y khoa mời đối tượng, Giám định viên và các thành viên có liên quan khác tham dự.
Sáu là Họp Hội đồng giám định y khoa
Biên bản họp Hội đồng giám định y khoa thực hiện theo Phụ lục số 3 ban hành kèm theo Thông tư này và được lưu cùng hồ sơ khám giám định y khoa.
Bảy là Ban hành Biên bản giám định y khoa
Biên bản giám định y khoa do cơ quan thường trực Hội đồng giám định y khoa thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 18 Thông tư này và được lưu cùng hồ sơ khám giám định y khoa.
Tám là Lưu trữ hồ sơ khám giám định y khoa
Theo đó, hồ sơ khám giám định y khoa được quản lý, lưu trữ theo quy định tại Thông tư 53/2017/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu chuyên môn nghiệp vụ ngành y tế.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.