Cá nhân có được cấp giấy phép thành lập bàn đổi ngoại tệ trong năm 2022 hay không? Điều kiện, thủ tục cấp phép bàn đổi ngoại tệ?
Điều kiện và thủ tục cấp phép bàn đổi ngoại tệ đối với cá nhân như thế nào?
Căn cứ vào tiểu mục 1, tiểu mục 2 Mục 6 Thông tư 07/2001/TT-NHNN (thay thế một số cụm từ bởi khoản 3 Điều 1 Thông tư 29/2015/TT-NHNN và được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Thông tư 29/2015/TT-NHNN) được quy định như sau:
- Điều kiện thành lập
+ Là công dân Việt Nam thuộc đối tượng là cư dân biên giới (trừ những người chưa thành niên, người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, người bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang phải chấp hành hình phạt tù, bị Toà án tước quyền hành nghề);
+ Có địa điểm đặt Bàn đổi ngoại tệ trong Khu vực biên giới và Khu vực kinh tế cửa khẩu, hoặc các khu vực khác trong địa bàn tỉnh biên giới được Ngân hàng Nhà nước Việt nam cho phép;
+ Có số vốn bằng tiền mặt tối thiểu là 50 (năm mươi) triệu Đồng Việt Nam. Cá nhân tự khai và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của việc kê khai vốn của mình.
- Thủ tục xin cấp giấy phép
Cá nhân đủ các điều kiện nêu trên, có nhu cầu thành lập Bàn đổi ngoại tệ để mua, bán Đồng Việt Nam với tiền của nước có chung biên giới phải gửi hồ sơ xin cấp giấy phép cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh biên giới trên địa bàn nơi đặt Bàn đổi ngoại tệ. Hồ sơ gồm:
+ Đơn xin phép thành lập Bàn đổi ngoại tệ (Mẫu phụ lục số 3);
+ Hợp đồng thuê địa điểm đặt Bàn đổi ngoại tệ hoặc giấy tờ hợp pháp chứng minh có quyền sử dụng địa điểm đặt Bàn đổi ngoại tệ;
+ Giấy tờ hợp pháp chứng minh là Cư dân biên giới trên địa bàn tỉnh xin đặt Bàn đổi ngoại tệ. Có một trong các giấy tờ sau:
Bản gốc Hộ khẩu thường trú hay Chứng minh thư biên giới hay xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn là có hộ khẩu thường trú tại Khu vực biên giới, Khu vực kinh tế cửa khẩu hay Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) tại Khu vực biên giới, Khu vực kinh tế cửa khẩu.
Trường hợp nộp bản sao các giấy tờ trên thì cá nhân có quyền lựa chọn nộp bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm xuất trình bản chính để đối chiếu.
Nếu người nộp hồ sơ nộp bản sao kèm xuất trình bản chính để đối chiếu, người đối chiếu có trách nhiệm xác nhận tính chính xác của bản sao so với bản chính.
Cá nhân có được cấp giấy phép thành lập bàn đổi ngoại tệ trong năm 2022 hay không? Điều kiện, thủ tục cấp phép bàn đổi ngoại tệ? (Hình từ internet)
Cá nhân có những quyền và nghĩa vụ nào khi được cấp giấy phép bàn đổi ngoại tệ?
Căn cứ vào tiểu mục 4 Mục 6 Thông tư 07/2001/TT-NHNN (thay thế một số cụm từ bởi khoản 3 Điều 1 Thông tư 29/2015/TT-NHNN) quy định như sau:
"4. Quyền và nghĩa vụ của cá nhân được cấp Giấy phép thành lập Bàn đổi ngoại tệ
a. Được tự quyết định tỷ giá mua, bán Đồng Việt Nam với tiền của nước có chung biên giới;
b. Có nghĩa vụ đăng ký kinh doanh, nộp thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác của Ngân sách theo quy định của pháp luật;
c. Tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh và mọi hành vi của mình trước pháp luật;
d. Đặt Bàn đổi ngoại tệ tại nơi quy định trong Giấy phép; Không được mua, bán các loại tiền của nước khác ngoài đồng tiền của nước có chung biên giới quy định trong Giấy phép; Thông báo cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh biên giới trên địa bàn khi thay đổi địa điểm hoặc khi chấm dứt kinh doanh; Chỉ thực hiện kinh doanh sau khi đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
e. Mở sổ sách để theo dõi hoạt động mua, bán Đồng Việt Nam với tiền của nước có chung biên giới;
g. Thực hiện báo cáo định kỳ cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh biên giới trên địa bàn theo quy định tại Điểm 1 Mục VII;
h. Chấp hành nghiêm chỉnh quy định khác về quản lý ngoại hối có liên quan;
i. Chịu sự thanh tra, kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh biên giới trên địa bàn và của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Có trách nhiệm cung cấp thông tin và tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình kiểm tra, thanh tra khi có yêu cầu."
Như vậy, theo quy định trước đây thì cá nhân có những quyền và nghĩa vụ như trên khi được cấp giấy phép bàn đổi ngoại tệ.
Hiện nay có còn cấp giấy phép thành lập bàn đổi ngoại tệ đối với cá nhân hay không?
Căn cứ vào Điều 4 Thông tư 11/2016/TT-NHNN quy định như sau:
“Điều 4. Quy định chuyển tiếp đối với các cá nhân được cấp Giấy phép thành lập bàn đổi ngoại tệ trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành
Các cá nhân đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp Giấy phép thành lập bàn đổi ngoại tệ theo quy định tại Thông tư số 07/2001/TT-NHNN ngày 31/8/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thực hiện Quy chế quản lý tiền của nước có chung biên giới tại khu vực biên giới và khu vực kinh tế cửa khẩu Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 140/2000/QĐ-TTg ngày 8/12/2000 của Thủ tướng Chính phủ trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, được tiếp tục thực hiện hoạt động đổi ngoại tệ.”
Theo đó thì các cá nhân đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp Giấy phép thành lập bàn đổi ngoại tệ trước ngày 13/8/2016 thì sẽ được tiếp tục thực hiện hoạt động đổi ngoại tệ.
Xét tiếp điểm a khoản 2 Điều 5 Thông tư 11/2016/TT-NHNN quy định như sau:
“Điều 5. Điều Khoản thi hành
…
2. Kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, các Điều, Khoản sau đây hết hiệu lực thi hành:
a) Mục 6 Thông tư số 07/2001/TT-NHNN ngày 31/8/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thực hiện Quy chế quản lý tiền của nước có chung biên giới tại khu vực biên giới và khu vực kinh tế cửa khẩu Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 140/2000/QĐ-TTg ngày 8/12/2000 của Thủ tướng Chính phủ;”
Theo đó thì từ ngày 13/8/2016 thì quy định về bàn đổi ngoại tệ cá nhân sẽ không còn hiệu lực. Như vậy năm 2022 cá nhân sẽ không được cấp giấy phép thành lập bàn đổi ngoại tệ.
Do đó, hiện nay không thể cấp giấy thành lập bàn đổi ngoại tệ đối với cá nhân theo các quy định trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.