Cá độ bóng đá có phải là giao dịch dân sự vô hiệu hay không? Thua cá độ bóng đá không muốn trả độ có được không?
Cá độ bóng đá có phải là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm hay không?
Hiện nay, hành vi cá độ bóng đá là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm thực hiện dưới mọi hình thức. Người có hành vi thực hiện cá độ bóng đá sẽ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự như sau:
- Xử phạt vi phạm hành chính:
Căn cứ khoản 2 Điều 28 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Hành vi đánh bạc trái phép
...
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế, binh ấn độ 6 lá, binh xập xám 13 lá, tiến lên 13 lá, đá gà, tài xỉu hoặc các hình thức khác với mục đích được, thua bằng tiền, tài sản, hiện vật;
b) Đánh bạc bằng máy, trò chơi điện tử trái phép;
c) Cá cược trái phép trong hoạt động thi đấu thể thao, vui chơi giải trí hoặc các hoạt động khác.
Theo đó, người có hành vi cá độ bóng đá có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Mức xử phạt này được áp dụng đối với cá nhân, trường hợp tổ chức vi phạm mức xử phạt trên là gấp đôi.
- Truy cứu trách nhiệm hình sự:
Căn cứ Điều 321 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bởi khoản 120 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) quy định như sau:
Tội đánh bạc
1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên;
c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Đặc biệt, khi hiện nay mùa World Cup 2022 đã bắt đầu, việc cá độ bóng đá là một trong những hành vi vi phạm pháp luật phổ biến. Mọi công dân cần nhận thức đầy đủ tính bất hợp pháp của hành vi cá độ cũng như hậu quả pháp lý có thể xảy ra nếu thực hiện việc cá độ World Cup 2022 bất hợp pháp.
Cá độ bóng đá có phải là giao dịch dân sự vô hiệu hay không? Thua cá độ bóng đá không muốn trả độ có được không? (Hình từ Internet)
Thua cá độ bóng đá không muốn trả độ có được không?
Hiện nay tại Nghị định 06/2017/NĐ-CP có hiệu lực đã quy định hợp thức hóa việc kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế thông qua việc thí điểm loại hình kinh doanh này.
Theo đó, Nghị định này cũng đặt ra nhiều điều kiện mới được kinh doanh đặt cược, cũng như người tham gia phải đảm bảo thỏa mãn các điều kiện đối với người cá độ bóng đá. Tuy nhiên hiện nay mô hình này vẫn chưa được phổ biến thực hiện.
Về việc trả độ cá cược bóng đá, theo nguyên tắc thông thường của việc cá cược này thì người thua phải trả độ cho người thắng theo mức tiền thỏa thuận ban đầu dựa vào kết quả trong 1 trận đấu bóng đá. Tuy nhiên việc cá cược này có thể bị xác định là giao dịch dân sự bị vô hiệu, căn cứ Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định như sau:
Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự
1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.
Theo đó, hành vi cá độ bóng đá là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm do đó đây là căn cứ để vô hiệu hóa giao dịch dân sự đã xác lập giữa các bên trước đó.
Đồng thời căn cứ Điều 131 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định như sau về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu:
Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu
1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.
2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.
3. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.
4. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.
5. Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định.
Như vậy, khi giao dịch dân sự đã bị xác định là vô hiệu thì không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập. Do đó, người thua cá độ bóng đá không cần phải thực hiện việc trả độ cho bên thắng theo thỏa thuận trước đó.
Muốn tố giác cá độ World Cup 2022 thì gọi vào số bao nhiêu?
Gần đây, Bộ Công an đã liên tục triệt phá hàng loạt các tụ điểm đường dây cờ bạc, cá độ bóng đá với số tiền lên đến vài ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên trước việc World Cup 2022 đã bắt đầu, với thực trạng diễn biến phức tạp của nhiều đối tượng có liên quan Bộ Công an công bố đường dây nóng ngăn chặn nạn cá cược mùa World Cup 2022.
Theo đó, khi phát hiện biểu hiện nghi vấn liên quan đến cá độ World Cup 2022 công dân có thể liên hệ tại số điện thoại: 0692348569
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.