Botulinum là gì? Ngộ độc Botulinum có thuốc giải không? Botulinum có thể gây ra những biến chứng nào?

Cho tôi hỏi: Botulinum là gì? Ngộ độc Botulinum có thuốc giải không? Botulinum có thể gây ra những biến chứng nào? - Câu hỏi của chị Trâm (Đơn Dương)

Botulinum là gì? Botulinum xuất hiện trong những loại thực phẩm nào?

Căn cứ Quyết định 3875/QĐ-BYT năm 2020 về Hướng dẫn tạm thời chẩn đoán, điều trị ngộ độc botulinum do Bộ Y tế ban hành.

Theo Mục 1 Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 3875/QĐ-BYT năm 2020, Botulinum được hiểu là độc tố các chủng vi khuẩn Clostridium sinh ra. Người bị ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum (Ngộ độc Botulinum) thường do ăn uống các thực phẩm có sẵn độc tố botulinum.

Theo đó, bệnh cảnh chính là liệt ngoại biên đối xứng hai bên kiểu lan xuống, liệt toàn bộ các cơ với các mức độ khác nhau, người bệnh vẫn tỉnh táo, không có rối loạn cảm giác. Ngộ độc nặng dẫn tới liệt cơ hô hấp, suy hô hấp có thể tử vong. Liệt nặng nề kéo dài dẫn tới nhiều biến chứng.

Về nguyên nhân sinh độc tố, căn cứ Mục 2 Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 3875/QĐ-BYT năm 2020, các nguyên nhân sinh ra Botulium bao gồm:

- Vi khuẩn sinh độc tố;

- Độc tố;

- Loại thực phẩm gây ngộ độc.

Cụ thể như sau:

(1) Vi khuẩn sinh độc tố

Các vi khuẩn Clostridium sinh độc tố botulinum thuộc về 4 chủng:

+ (1) Clostridium botulinum sinh các các độc tố botulinum type A, B, C, D, E, F, G.

+ (2) C. baratii sinh độc tố botulinum type F.

+ (3) C. butyricum sinh độc tố botulinum type E.

+ (4) C. argentinense sinh độc tố type G.

(2) Độc tố

- Chỉ các ngoại độc tố botulinum type A, B, E, F gây ngộ độc trên người.

- Bệnh nhân có thể ngộ độc do một hoặc nhiều loại độc tố cùng lúc.

(3) Loại thực phẩm gây ngộ độc

- Cổ điển là thịt hộp (do đó vi khuẩn gây bệnh được gọi là vi khuẩn độc thịt).

Tuy nhiên các vụ ngộ độc trên thế giới cho thấy tất cả các loại thực phẩm từ rau, củ, quả, thịt, hải sản,....được sản xuất không đảm bảo và đóng gói kín (ví dụ đồ hộp, can, lon, chai, lọ, bao, túi, gói) cùng với môi trường bảo quản bên trong không đảm bảo dẫn tới bào tử phát triển thành vi khuẩn và sinh ngoại độc tố gây ngộ độc.

- Phổ biến là thực phẩm chế biến, đóng gói thủ công, sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình hoặc điều kiện sản xuất không đảm bảo. Có thể gặp các trường hợp ngộ độc với sản phẩm sản xuất công nghiệp và ăn tại các nhà hàng.

- Xu hướng ngộ độc tăng lên trên thế giới do: trào lưu sử dụng túi hút khí chứa đựng thực phẩm, bảo quản thực phẩm không đảm bảo, sử dụng tủ lạnh không đúng, đun lại không đủ chín trước ăn.

Xem: Triệu chứng ngộ độc Botulinum

Botulinum là gì? Ngộ độc Botulinum có thuốc giải không? Botulinum có thể gây ra những biến chứng nào?

Botulinum là gì? Ngộ độc Botulinum có thuốc giải không? Botulinum có thể gây ra những biến chứng nào? (Hình từ Internet)

Ngộ độc Botulinum có thuốc giải không?

Căn cứ tiểu mục 4.2 Mục 4 Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 3875/QĐ-BYT năm 2020, sau khi tiếp nhận bệnh nhân, thực hiện tẩy độc bằng 02 cách sau:

- Gây nôn: nếu bệnh nhân mới ăn nguồn thực phẩm nghi ngờ

- Than hoạt: phần lớn bệnh nhân đến viện muộn, tuy nhiên nên dùng do các độc tố cùng vi khuẩn vẫn tồn tại trong đường tiêu hóa nhiều giờ tới nhiều ngày sau. Liều dùng 1g/kg, kết hợp sorbitol với liều tương đương liều than hoạt.

Trong đó, thuốc giải độc Botulinum được quy định tại khoản 4.2.4 tiểu mục 4.2 Mục 4.2 Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 3875/QĐ-BYT năm 2020 như sau:

Thuốc giải độc
- Giải độc tố botulinum là các mảnh kháng thể/kháng thể trung hòa đặc hiệu độc tố botulinum. Thuốc cần có đủ các thành phần kháng thể/mảnh kháng thể trung hòa các thành phần độc tố tương ứng có thể gây ngộ độc trên người. Về lý thuyết thuốc chỉ có tác dụng với các độc tố còn tự do, không có tác dụng với các độc tố đã gắn tại thần kinh, do đó không thể ngay lập tức đảo ngược lại các triệu chứng liệt đã xảy ra. Tuy nhiên, thuốc có thể ngăn ngộ độc tiến triển nặng lên và rút ngắn đáng kể thời gian ngộ độc, giảm thời gian thở máy, hồi sức và thời gian nằm viện.
- Thuốc được xếp vào loại thuốc hiếm, thuốc mồ côi, số lượng chế phẩm thuốc giải độc tố botulinum được lưu hành mức độ hạn chế trong chương trình dự trữ thuốc hiếm của các quốc gia. Chế phẩm đã được đề cập nhiều trong các tài liệu hướng dẫn gần đây và ưu tiên sử dụng hiện nay là Botulism Antitoxin Heptavalent (sản xuất từ ngựa, là các mảnh kháng thể F(ab')2 trung hòa các độc tố botulinum type A, B, C, D, E, F, và G).

Có thể thấy, Botulinum vẫn có thuốc giải độc, tuy nhiên, thuốc thuộc loại hiếm và hạn chế số lượng chế phẩm. Do đó, đối diện với số lượng ca ngộ độc tăng như hiện nay, thuốc giải rơi vào tình trạng khang hiếm.

Xem thêm:

> Thuốc giải độc Botulinum cho người lớn và trẻ em

> Hướng dẫn điều trị Botulinum theo triệu chứng

Ngộ độc Botulinum có thể gây ra những biến chứng nào?

Căn cứ tiểu mục b Mục 5 Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 3875/QĐ-BYT năm 2020, ngộ độc Botulinum là ngộ độc nặng, tỷ lệ tử vong cao, thời gian liệt kéo dài. Thời gian thở máy cần trung bình khoảng 2 tháng sau đó mới có thể cai thở máy, tuy nhiên bệnh nhân cần nhiều tháng để hồi phục.

Theo đó, các biến chứng chính do Botulinum gây ra bao gồm:

- Nhiễm trùng bệnh viện, đặc biệt viêm phổi và các biến chứng của thở máy.

- Các biến chứng do bất động, nằm kéo dài, loét

- Liệt ruột, táo bón, trào ngược, sặc phổi.

Cách phòng ngộ độc thực phẩm do độc tố Botulinum ra sao?

Với người dân, để phòng ngộ độc thực phẩm do độc tố Botulinum cần lưu ý một số nội dung sau:

- Chọn các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm được công nhận.

- Thận trọng với các thực phẩm đóng kín như trên nhưng có mùi hoặc màu sắc thay đổi, hoặc có vị thay đổi khác thường (ví dụ sữa chua nhưng không còn vị chua bình thường).

- Không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không phải đông đá (chỉ có nhiệt độ đông đá mới làm vi khuẩn ngừng phát triển và không sinh độc tố).

- Ưu tiên ăn các thực phẩm mới chế biến, mới nấu chín để đảm bảo an toàn thực phẩm. Lưu ý nấu chín sẽ phá hủy độc tố botulinum (nếu không may có trong thực phẩm).

- Với các thực phẩm lên men, đóng gói hoặc che đậy kín theo cách truyền thống (như dưa muối, măng, cà muối,...): bạn cần đảm bảo phải chua, mặn. Khi thực phẩm hết chua thì không nên ăn.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Đặng Phan Thị Hương Trà Lưu bài viết
5,175 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào