Biển nào báo hiệu các phương tiện phải tuân thủ tốc độ tối đa cho phép trên từng làn đường theo quy định?
Biển nào báo hiệu các phương tiện phải tuân thủ tốc độ tối đa cho phép trên từng làn đường theo quy định?
"Biển nào báo hiệu các phương tiện phải tuân thủ tốc độ tối đa cho phép trên từng làn đường?" là câu hỏi thắc mắc được quan tâm khi tham gia giao thông.
Căn cứ theo Phụ lục B 24b, c ban hành kèm theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT quy định như sau:
B.27b Biển số P.127b "Biển ghép tốc độ tối đa cho phép trên từng làn đường"
a) Khi quy định tốc độ tối đa cho phép trên từng làn đường, nếu chỉ sử dụng biển đặt bên đường hoặc trên cột cần vươn hay giá long môn, sử dụng biển số P.127b. Xe chạy trên làn nào phải tuân thủ tốc độ tối đa cho phép trên làn đường đó.
b) Biển số P.127b là biển hình chữ nhật nền màu xanh, trên đó thể hiện tốc độ tối đa trên các làn đường. Biển đặt bên đường hoặc treo trên giá long môn, cột cần vươn.
B.27c Biển số P.127c "Biển ghép tốc độ tối đa cho phép theo phương tiện, trên từng làn đường"
a) Khi quy định tốc độ tối đa cho phép theo phương tiện trên từng làn đường, sử dụng biển số P.127c. Các loại phương tiện phải đi đúng làn đường và tuân thủ tốc độ tối đa cho phép trên làn đường đó.
b) Biển số P.127c là biển hình chữ nhật nền màu xanh, trên đó thể hiện tốc độ tối đa trên các làn đường. Biển đặt bên đường hoặc treo trên cột cần vươn hay giá long môn. Biểu tượng trên biển có thể thay đổi theo điều kiện sử dụng thực tế.
Như vậy, biển báo hiệu các phương tiện phải tuân thủ tốc độ tối đa cho phép trên từng làn đường là:
Biển số P.127b "Biển ghép tốc độ tối đa cho phép trên từng làn đường"
Biển số P.127c "Biển ghép tốc độ tối đa cho phép theo phương tiện, trên từng làn đường"
Giải đáp "Biển nào báo hiệu các phương tiện phải tuân thủ tốc độ tối đa cho phép trên từng làn đường?" như trên.
Biển nào báo hiệu các phương tiện phải tuân thủ tốc độ tối đa cho phép trên từng làn đường theo quy định? (Hình từ Internet)
Thứ tự hiệu lực của hệ thống báo hiệu được quy định thế nào?
Căn cứ theo Điều 4 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT quy định thứ tự hiệu lực của hệ thống báo hiệu như sau:
Khi đồng thời bố trí các hình thức báo hiệu có ý nghĩa khác nhau cùng ở một khu vực, người tham gia giao thông phải chấp hành loại hiệu lệnh theo thứ tự như sau:
Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông;
+ Hiệu lệnh của đèn tín hiệu;
+ Hiệu lệnh của biển báo hiệu;
+ Hiệu lệnh của vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường.
+ Khi ở một vị trí đã có biển báo hiệu đặt cố định lại có biển báo hiệu khác đặt có tính chất tạm thời mà hai biển có ý nghĩa khác nhau thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của biển báo hiệu có tính chất tạm thời. Biển có tính chất tạm thời là biển sử dụng mang tính tình huống nhằm tổ chức điều khiển giao thông có tính chất ngắn hạn như trong các sự kiện, sự cố giao thông hay sử dụng trong quá trình thi công hoặc sửa chữa đường.
Phân loại biển báo hiệu như thế nào?
Căn cứ theo Điều 4 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT quy định phân loại biển báo hiệu như sau:
Biển báo hiệu đường bộ trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT được chia thành 5 nhóm cơ bản sau đây: biển báo cấm; biển hiệu lệnh; biển báo nguy hiểm và cảnh báo; biển chỉ dẫn; biển phụ, biển viết bằng chữ.
Biển báo hiệu trên đường cao tốc và đường đối ngoại phải phù hợp với các quy định nêu tại các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
(1) Nhóm biển báo cấm là nhóm biển biểu thị các điều cấm mà người tham gia giao thông không được vi phạm. Biển báo cấm chủ yếu có dạng hình tròn, viền đỏ, nền màu trắng, trên nền có hình vẽ hoặc chữ số, chữ viết màu đen thể hiện điều cấm, trừ một số trường hợp đặc biệt.
(2) Nhóm biển hiệu lệnh là nhóm biển để báo các hiệu lệnh phải chấp hành. Người tham gia giao thông phải chấp hành các hiệu lệnh trên biển báo (trừ một số biển đặc biệt). Các biển có dạng hình tròn trên nền xanh lam có hình vẽ màu trắng đặc trưng cho hiệu lệnh nhằm báo cho người tham gia giao thông đường biết.
(3) Nhóm biển báo nguy hiểm và cảnh báo là nhóm biển báo cho người tham gia giao thông biết trước các nguy hiểm trên đường để chủ động phòng ngừa kịp thời. Biển chủ yếu có hình tam giác đều, viền đỏ, nền màu vàng, trên có hình vẽ màu đen mô tả sự việc cần báo hiệu.
(4) Nhóm biển chỉ dẫn là nhóm biển báo dùng để cung cấp thông tin và các chỉ dẫn cần thiết cho người tham gia giao thông. Biển chỉ dẫn chủ yếu có hình chữ nhật hoặc hình vuông hoặc hình mũi tên, nền màu xanh.
(5) Nhóm biển phụ, biển viết bằng chữ là nhóm biển nhằm thuyết minh bổ sung nội dung nhóm biển tại (1) đến (4) hoặc được sử dụng độc lập.
Quy tắc chung khi tham gia giao thông đường bộ từ 1/1/2025 là gì?
Căn cứ theo Điều 10 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định quy tắc chung khi tham gia giao thông đường bộ như sau:
- Người tham gia giao thông đường bộ phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định, chấp hành báo hiệu đường bộ và các quy tắc giao thông đường bộ khác.
- Người lái xe và người được chở trên xe ô tô phải thắt dây đai an toàn tại những chỗ có trang bị dây đai an toàn khi tham gia giao thông đường bộ.
- Khi chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 mét trên xe ô tô không được cho trẻ em ngồi cùng hàng ghế với người lái xe, trừ loại xe ô tô chỉ có một hàng ghế; người lái xe phải sử dụng, hướng dẫn sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em.
Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2025, khoản 3 Điều 10 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2026.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.