Bảo đảm an toàn cho người khi nhà ở và công trình gặp cháy, nổ như thế nào? Áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy thế nào?
Bảo đảm an toàn cho người trong an toàn cháy đối với nhà ở và công trình như thế nào?
Căn cứ tại Mục 3 Quy chuẩn QCVN 06:2022/BXD ban hành kèm theo Thông tư 06/2022/TT-BXD về an toàn cháy cho nhà và công trình.
(1) Quy định về bảo đảm an toàn cho người trong an toàn cháy đối với nhà ở và công trình yêu cầu như sau:
- Thoát nạn cho người kịp thời và không bị cản trở;
- Cứu người bị tác động của các yếu tố nguy hiểm của đám cháy;
- Bảo vệ người trên đường thoát nạn tránh khỏi những tác động của các yếu tố nguy hiểm của đám cháy.
(2) Để bảo đảm an toàn, thoát nạn an toàn phải phát hiện cháy và báo cháy kịp thời.
(3) Để bảo vệ người thoát nạn, phải bảo vệ chống khói xâm nhập các đường thoát nạn của nhà và các phần nhà.
(4) Các thiết bị điện của hệ thống bảo vệ chống cháy của nhà phải được cấp điện ưu tiên từ hai nguồn độc lập (một nguồn điện lưới về một nguồn máy phát điện dự phòng).
Lưu ý: Đối với các thiết bị điện có nguồn dự phòng riêng (ví dụ bơm diezen, tủ chống cháy có ắc quy dự phòng) thì chỉ cần một nguồn điện lưới nhưng nguồn dự phòng riêng này phải đảm bảo hoạt động bình thường khi có cháy.
(5) Không cho phép bố trí các gian phòng nhóm F5 hạng A hoặc hạng B dưới các gian phòng dùng cho hơn 50 người có mặt đồng thời; không bố trí các gian phòng nhóm F5 này trong các tầng hầm và tầng nửa hầm.
(6) Việc bảo vệ người trên các đường thoát nạn phải được bảo đảm bằng tổ hợp các giải pháp bố trí mặt bằng - không gian, tiện nghi, kết cấu kỹ thuật công trình và tổ chức.
Các đường thoát nạn trong phạm vi gian phòng phải bảo đảm sự thoát nạn an toàn qua các lối ra thoát nạn từ gian phòng đó mà không tính đến các phương tiện bảo vệ chống khói và chữa cháy có trong gian phòng này.
Việc bảo vệ đường thoát nạn ngoài phạm vi gian phòng phải được tính đến theo điều kiện bảo đảm thoát nạn an toàn cho người có kể đến tính nguy hiểm cháy theo công năng của các gian phòng trên đường thoát nạn. Số người thoát nạn, bậc chịu lửa và cấp nguy hiểm cháy kết cấu của nhà, số lối ra thoát nạn từ một tầng và từ toàn bộ nhà.
Trong các gian phòng và trên các đường thoát nạn ngoài phạm vi gian phòng phải hạn chế tính nguy hiểm cháy của vật liệu xây dựng thuộc các lớp bề mặt kết cấu (lớp hoàn thiện và ốp mặt) tùy thuộc vào tính nguy hiểm cháy theo công năng của gian phòng và nhà, có tính đến các giải pháp khác về bảo vệ đường thoát nạn.
Bảo đảm an toàn cho người khi nhà ở và công trình gặp cháy, nổ như thế nào? Áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy thế nào? (Hình từ Internet)
Áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy thế nào?
Căn cứ tiểu mục 1.2 Mục 1 Phụ lục ban hành kèm theo Công văn 1091/C07-P3,P4,P7 năm 2023 hướng dẫn áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy như sau:
Trường hợp | Áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn PCCC |
Mở rộng diện tích khoang cháy | Theo quy định của QCVN 06:2021/BXD, nhà sản xuất có kết cấu khung thép mái tôn, bậc chịu lửa IV có diện tích khoang cháy không quá 2.600 m2 (không quá 5.200 m2 khi có chữa cháy tự động), trường hợp chủ đầu tư muốn nâng bậc chịu lửa của công trình để mở rộng diện tích khoang cháy thì phải sử dụng các biện pháp bọc bảo vệ cấu kiện bằng các vật liệu ngăn cháy. Hiện nay có thể hướng dẫn lập hồ sơ thiết kế điều chỉnh áp dụng theo QCVN 06:2022/BXD để được tăng diện tích khoang cháy đến 25.000 m2 và không cần nâng bậc chịu lửa của công trình. - Trường hợp đã kiểm định sơn chống cháy từng công trình cụ thể thì tiếp tục thi công và tổ chức nghiệm thu theo giấy chứng nhận kiểm định đã có cho sơn chống cháy. - Trường hợp đã thi công sơn chống cháy nhưng chưa kiểm định thì có thể kiểm định bổ sung cho mẫu kết cấu được sơn chống cháy. - Trường hợp đã thi công sơn chống cháy nhưng kiểm định không đạt yêu cầu, nếu không thẩm duyệt điều chỉnh thì có thể lựa chọn 1 số loại sơn chống cháy khác đạt chất lượng để thay thế sơn chống cháy đã thi công hoặc sử dụng các biện pháp bọc bảo vệ khác. |
Khoảng cách an toàn phòng cháy chữa cháy | Theo quy định của QCVN 06:2021/BXD, khoảng cách an toàn PCCC giữa 02 nhà xưởng bậc chịu lửa IV, V yêu cầu không nhỏ hơn 18 m. -> Có thể hướng dẫn thẩm duyệt điều chỉnh áp dụng theo quy định tại Bảng E.3 QCVN 06:2022/BXD để khoảng cách này được giảm xuống, chỉ yêu cầu hơn 6 m khi xác định theo đường giới hoặc đường quy ước. Cách xác định khoảng cách an toàn PCCC quy định tại Điều 4.33 và Điều E.1, E.2, E.3 Phụ lục E QCVN 06:2022/BXD: có thể xác định khoảng cách an toàn PCCC giữa các công trình theo quy định tại E.1, E.2 hoặc xác định khoảng cách an toàn đến đường ranh giới theo quy định tại E.3. |
Giới hạn chịu lửa của tường ngoài không chịu lực | Theo quy định của QCVN 06:2021/BXD, tường ngoài không chịu lực của các nhà có bậc chịu lửa I yêu cầu có giới hạn chịu lửa E30. -> Có thể hướng dẫn áp dụng quy định tại E.3 Phụ lục E QCVN 06:2022/BXD và chú thích 6 Bảng 4 QCVN 06:2022/BXD để điều chỉnh thiết kế, không yêu cầu giới hạn chịu lửa tường ngoài. |
Lối thoát nạn | - Theo quy định của QCVN 06:2021/BXD, các khoang cháy phải có các lối ra thoát nạn độc lập, có thể hướng dẫn áp dụng quy định tại Điều 3.2.4 QCVN 06:2022/BXD để thiết kế, cho phép không quá 50% lối thoát nạn dẫn vào khoang cháy lân cận, qua đó giảm số lối thoát nạn của nhà. - Theo quy định của QCVN 06:2021/BXD, các căn hộ bố trí ở 2 cao trình (căn hộ thông tầng), khi chiều cao của tầng phía trên lớn hơn 18 m thì phải có lối ra thoát nạn từ mỗi tầng, có thể hướng dẫn áp dụng quy định của QCVN 06:2022/BXD để không yêu cầu bố trí lối thoát nạn từ mỗi tầng. - Theo quy định của QCVN 06:2021/BXD, số lối thoát nạn của tầng nhà phải không ít hơn 2 lối trong hầu hết các trường hợp. -> Có thể hướng dẫn áp dụng quy định tại Điều 3.6.2.2 QCVN 06:2022/BXD để chỉ bố trí 01 lối thoát nạn cho các trường hợp công trình có quy mô nhỏ (chiều cao PCCC đến 15 m, diện tích không quá 300 m2 hoặc chiều cao PCCC đến 21 m, diện tích không quá 200 m2), có trang bị hệ thống Sprinkler, số người mỗi tầng không quá 20 người. Ngoài ra tại các khu du lịch có các nhà biệt thự, villa nghỉ dưỡng từ 3 tầng trở xuống cho phép 1 lối ra thoát nạn qua cầu thang hở loại 2 và 1 lối ra khẩn cấp qua ban công. |
Giao thông phục vụ chữa cháy | - Tại một số địa phương có các cơ sở đặc thù nằm ở vùng đồi núi, sông nước (như biệt thự nghỉ dưỡng ở đồi núi, đảo, cồn cát...): Công an địa phương có thể căn cứ trên đặc điểm hiện trạng của từng khu vực, trang thiết bị phương tiện PCCC hiện có của địa phương mình để phối hợp với cơ quan về xây dựng tại địa phương ban hành các quy định riêng về đường và bãi đỗ cho xe chữa cháy phù hợp với điều kiện phương tiện chữa cháy tại địa phương để tháo gỡ khó khăn vướng mắc. - Các công trình dân dụng có chiều cao PCCC không quá 15 m không yêu cầu có bãi đỗ xe chữa cháy, chỉ yêu cầu có đường cho xe chữa cháy tiếp cận đến điểm bất kỳ trên hình chiếu bằng của nhà không lớn hơn 60 m. Đối với công trình nhà chung cư có chiều cao PCCC lớn hơn 15 m chỉ yêu cầu bãi đỗ xe chữa cháy để tiếp cận đến ít nhất toàn bộ một mặt ngoài của mỗi khối nhà. |
Ngăn cháy lan | Theo quy định của QCVN 06:2021/BXD, các phần nhà và gian phòng có công năng khác nhau phải được ngăn cháy bằng các kết cấu ngăn cháy. -> Có thể hướng dẫn áp dụng quy định tại Điều 4.5 QCVN 06:2022/BXD để không yêu cầu phải ngăn cháy giữa công năng chính và công năng phụ trợ khi công năng chính chiếm tối thiểu 90% diện tích sàn. |
Cấp nước chữa cháy ngoài nhà | Theo quy định của QCVN 06:2021/BXD và QCVN 01:2021/BXD về quy hoạch xây dựng, khoảng cách tối thiểu giữa trụ nước chữa cháy ngoài nhà đến công trình là 5 m. -> Có thể hướng dẫn điều chỉnh khoảng cách giữa trụ nước chữa cháy ngoài nhà đến công trình xuống không nhỏ hơn 1 m theo quy định tại Điều 5.1.4.6 QCVN 06:2022/BXD. |
Phân nhóm nguy hiểm cháy theo công năng đối với nhà, công trình, khoang cháy và gian phòng thế nào?
Căn cứ tại Mục 2.5 Quy chuẩn QCVN 06:2022/BXD ban hành kèm theo Thông tư 06/2022/TT-BXD quy định phân nhóm nguy hiểm cháy theo công năng đối với nhà, công trình, khoang cháy và gian phòng như sau:
- Nhà và các phần của nhà (khoang cháy, các gian phòng hoặc nhóm các gian phòng có công năng liên quan với nhau) được phân thành các nhóm nguy hiểm cháy theo công năng tùy thuộc vào đặc điểm sử dụng chúng, vào mức đe dọa tới sự an toàn của người trong trường hợp xảy ra đám cháy có tính đến lứa tuổi, trạng thái thể chất, khả năng có người đang ngủ, nhóm người sử dụng theo công năng chính và số người của nhóm đó Phân nhóm nguy hiểm cháy theo công năng được quy định tại Bảng 6.
- Các gian phòng sản xuất và các gian phòng kho, kể cả các phòng thí nghiệm và nhà Xưởng có diện tích trên 50 m2, các gian phòng chuẩn bị đồ ăn có thiết bị đun nấu có công suất trên 10 kW trong các nhà thuộc nhóm F1, F2, F3 và F4, được xếp vào nhóm F5.
- Trong các nhà có nhóm nguy hiểm cháy theo công năng nhất định, mà trong trường hợp chung cho phép bố trí nhóm các gian phòng và các gian phòng có nhóm nguy hiểm cháy theo công năng khác, thì ngoài việc tuân theo các yêu cầu chung của quy chuẩn này, cần phải bảo đảm các điều kiện bổ sung theo các tiêu chuẩn thiết kế các dạng cụ thể của nhà và các thiết bị kỹ thuật tương ứng đó.
Xem chi tiết tại Mục 2.5 Quy chuẩn QCVN 06:2022/BXD ban hành kèm theo Thông tư 06/2022/TT-BXD.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.