Báo cáo quý 3 khi nào? Hạn nộp báo cáo quý 3 2024 là khi nào? Chậm nộp báo cáo quý 3 bị phạt thế nào?
Báo cáo quý 3 khi nào? Hạn nộp báo cáo quý 3 2024 là khi nào?
Theo quy định tại Luật Quản lý thuế 2019, Luật Kế toán 2015 và các văn bản liên quan, doanh nghiệp đang hoạt động cần thực hiện làm báo cáo thuế, báo cáo tài chính trong quý 3/2024 bao gồm:
(1) Báo cáo thuế:
Căn cứ tại Điều 44 Luật Quản lý Thuế 2019 thì thời hạn nộp tờ khai thuế như sau:
Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế
1. Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với loại thuế khai theo tháng, theo quý được quy định như sau:
a) Chậm nhất là ngày thứ 20 của tháng tiếp theo tháng phát sinh nghĩa vụ thuế đối với trường hợp khai và nộp theo tháng;
b) Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế đối với trường hợp khai và nộp theo quý.
...
Như vậy, theo quy định nêu trên thì thời hạn nộp hồ sơ khai thuế quý 3/2024 cụ thể như sau:
Người nộp thuế thuộc diện kê khai thuế GTGT, thuế thu nhập cá nhân (tờ khai khấu trừ thuế TNCN từ tiền lương, tiền công) theo quý thì thời hạn nộp tờ khai thuế kỳ tính thuế Quý 3 năm 2024 là ngày 31/10/2024.
Lưu ý:
- Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, thời hạn nộp thuế trùng với ngày nghỉ theo quy định thì thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, thời hạn nộp thuế được tính là ngày làm việc tiếp theo của ngày nghỉ đó theo quy định tại Bộ Luật dân sự. (Điều 86 Thông tư 80/2021/TT-BTC)
- Thời gian nộp hồ sơ thuế điện tử, nộp thuế điện tử 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần, bao gồm cả ngày nghỉ, ngày lễ và ngày Tết. (Điều 8 Thông tư 19/2021/TT-BTC)
(2) Báo cáo tài chính:
Theo quy định tại Điều 109 Thông tư 200/2014/TT-BTC thì thời hạn nộp báo cáo tài chính Quý 3 năm 2024 như sau:
(1) Đối với doanh nghiệp nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ
- Đơn vị kế toán phải nộp Báo cáo tài chính quý chậm nhất là 20 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán quý; Đối với công ty mẹ, Tổng công ty Nhà nước chậm nhất là 45 ngày;
Ví dụ: Kỳ kế toán quý 3/2024 là từ 01/07/2024 đến 30/9/2024 thì thời hạn nộp báo cáo tài chính theo quý 3 năm 2024 là 20/10/2024. Đối với công ty mẹ, Tổng công ty Nhà nước thì chậm nhất là ngày 14/11/2024.
Lưu ý: Do ngày 20/10/2024 rơi vào ngày nghỉ nên sẽ được dời sang ngày làm việc tiếp theo theo quy định tại Điều 86 Thông tư 80/2021/TT-BTC, tức ngày 21/10/2024.
- Đơn vị kế toán trực thuộc doanh nghiệp, Tổng công ty Nhà nước nộp Báo cáo tài chính quý cho công ty mẹ, Tổng công ty theo thời hạn do công ty mẹ, Tổng công ty quy định.
(2) Đối với các loại doanh nghiệp khác
Hiện hành, pháp luật không bắt buộc các doanh nghiệp còn lại phải lập báo cáo tài chính quý. Tuy nhiên theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 14 Thông tư 96/2020/TT-BTC có quy định như sau:
Công bố thông tin định kỳ
...
3. Tổ chức niêm yết cổ phiếu, công ty đại chúng quy mô lớn phải công bố báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính quý đã được soát xét (nếu có).
a) Báo cáo tài chính quý phải là báo cáo tài chính giữa niên độ dạng đầy đủ theo Chuẩn mực kế toán “Báo cáo tài chính giữa niên độ”, được lập theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 Thông tư này;
b) Toàn văn báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính quý đã được soát xét (nếu có) phải được công bố đầy đủ, kèm theo kết luận soát xét và văn bản giải trình của công ty trong trường hợp báo cáo tài chính quý được soát xét có kết luận soát xét không phải là kết luận chấp nhận toàn phần;
c) Thời hạn công bố báo cáo tài chính quý
Tổ chức niêm yết cổ phiếu, công ty đại chúng quy mô lớn phải công bố báo cáo tài chính quý trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày kết thúc quý. Tổ chức niêm yết cổ phiếu, công ty đại chúng quy mô lớn công bố báo cáo tài chính quý được soát xét (nếu có) trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày tổ chức kiểm toán ký báo cáo soát xét nhưng không được vượt quá 45 ngày, kể từ ngày kết thúc quý.
Trường hợp tổ chức niêm yết cổ phiếu, công ty đại chúng quy mô lớn là công ty mẹ của tổ chức khác hoặc là đơn vị kế toán cấp trên có đơn vị kế toán trực thuộc tổ chức bộ máy kế toán riêng thì phải công bố báo cáo tài chính quý trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày kết thúc quý.
Trường hợp tổ chức niêm yết cổ phiếu, công ty đại chúng quy mô lớn đã thực hiện công bố Báo cáo tài chính quý đã được soát xét trong thời hạn quy định của Báo cáo tài chính quý thì không phải thực hiện công bố Báo cáo tài chính quý.
Như vậy, đối với tổ chức niêm yết cổ phiếu, công ty đại chúng quy mô lớn phải công bố báo cáo tài chính quý trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày kết thúc quý.
Trường hợp tổ chức niêm yết cổ phiếu, công ty đại chúng quy mô lớn là công ty mẹ của tổ chức khác hoặc là đơn vị kế toán cấp trên có đơn vị kế toán trực thuộc tổ chức bộ máy kế toán riêng thì phải công bố báo cáo tài chính quý trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày kết thúc quý.
Báo cáo quý 3 khi nào? Hạn nộp báo cáo quý 3 2024 là khi nào? Chậm nộp báo cáo quý 3 bị phạt thế nào? (Hình từ internet)
Chậm nộp báo cáo tài chính thì doanh nghiệp bị xử phạt thế nào?
Căn cứ Điều 12 Nghị định 41/2018/NĐ-CP có quy định như sau:
Xử phạt hành vi vi phạm quy định về nộp và công khai báo cáo tài chính
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền chậm dưới 03 tháng so với thời hạn quy định;
b) Công khai báo cáo tài chính chậm dưới 03 tháng so với thời hạn quy định.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Công khai báo cáo tài chính không đầy đủ nội dung theo quy định;
b) Nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền không đính kèm báo cáo kiểm toán đối với các trường hợp mà pháp luật quy định phải kiểm toán báo cáo tài chính;
c) Nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền chậm từ 03 tháng trở lên so với thời hạn quy định;
d) Công khai báo cáo tài chính không kèm theo báo cáo kiểm toán đối với các trường hợp mà pháp luật yêu cầu phải kiểm toán báo cáo tài chính;
đ) Công khai báo cáo tài chính chậm từ 03 tháng trở lên so với thời hạn quy định.
...
Theo đó, nếu chậm nộp báo cáo tài chính thì tùy vào số ngày chậm nộp mà mức xử phạt có thể là 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp chậm dưới 03 tháng. Mức xử phạt 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với trường hợp chậm từ 03 tháng trở lên.
Chậm nộp tờ khai thuế bị phạt bao nhiêu?
Tại Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định về việc xử phạt hành vi vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế như sau:
(1) Phạt cảnh cáo đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 05 ngày và có tình tiết giảm nhẹ.
(2) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 30 ngày, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.
(3) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 31 ngày đến 60 ngày.
(4) Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 61 ngày đến 90 ngày.
- Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên nhưng không phát sinh số thuế phải nộp.
- Không nộp hồ sơ khai thuế nhưng không phát sinh số thuế phải nộp.
- Không nộp các phụ lục theo quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết kèm theo hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.
(5) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn trên 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế, có phát sinh số thuế phải nộp và người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế lập biên bản về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế theo quy định tại khoản 11 Điều 143 Luật Quản lý thuế 2019.
(6) Biện pháp khắc phục hậu quả:
- Buộc nộp đủ số tiền chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP trong trường hợp người nộp thuế chậm nộp hồ sơ khai thuế dẫn đến chậm nộp tiền thuế.
- Buộc nộp hồ sơ khai thuế, phụ lục kèm theo hồ sơ khai thuế đối với hành vi quy định tại điểm c, d khoản 4 Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.
Lưu ý: Mức phạt tiền nêu trên là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức. Mức xử phạt đối với cá nhân bằng 1/2 mức xử phạt đối với tổ chức.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.