Bán vật phẩm ảo trong game, mua vật phẩm trong game giữa những người chơi với nhau từ 25/12/2024 bị cấm đúng không?
Bán vật phẩm ảo trong game, mua vật phẩm ảo trong game giữa những người chơi với nhau từ 25/12/2024 bị cấm đúng không?
Bán vật phẩm ảo trong game, mua vật phẩm ảo trong game là hoạt động phổ biến giữa các game thủ nhằm trao đổi tài sản ảo trong các tựa game trực tuyến. Câu hỏi "Bán vật phẩm ảo trong game, mua vật phẩm ảo trong game" có bị cấm hay không đang được nhiều người quan tâm, đặc biệt khi quy định mới được áp dụng.
Căn cứ khoản 4, khoản 5 Điều 57 Nghị định 147/2024/NĐ-CP quy định về bán vật phẩm ảo trong game, mua vật phẩm ảo trong game giữa những người chơi với nhau như sau:
Quy định về vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng
...
4. Vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng chỉ được sử dụng trong phạm vi trò chơi điện tử trên mạng và theo đúng mục đích mà doanh nghiệp đã báo cáo, không được quy đổi ngược lại thành tiền, thẻ trả trước dịch vụ viễn thông di động, thẻ ngân hàng, thẻ mua hàng, thẻ game, thẻ quà tặng hoặc các hiện vật có giá trị giao dịch bên ngoài trò chơi điện tử trên mạng.
5. Không mua, bán vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng giữa những người chơi với nhau.
Như vậy, từ ngày 25/12/2024, những vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng trong game điện tử trên mạng sẽ không được quy đổi ngược lại thành tiền, thẻ trả trước dịch vụ viễn thông di động, thẻ ngân hàng, thẻ mua hàng, thẻ game, thẻ quà tặng hoặc các hiện vật có giá trị giao dịch bên ngoài trò chơi điện tử trên mạng.
Ngoài ra, vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng trong game điện tử trên mạng không được mua, bán vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng giữa những người chơi với nhau.
Theo đó, từ ngày 25/12/2024, hành vi bán vật phẩm ảo trong game, mua vật phẩm ảo trong game giữa những người chơi với nhau sẽ bị cấm.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng có nghĩa vụ quản lý vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng trong trò chơi điện tử theo đúng quy tắc trò chơi đã công bố và phù hợp với nội dung trò chơi đã được phê duyệt, cấp Quyết định. Không được gắn chương trình khuyến mãi có thưởng (bằng tiền hoặc hiện vật thật bên ngoài trò chơi) vào giao diện, tính năng của trò chơi điện tử trên mạng.
Bán vật phẩm trong game, mua vật phẩm trong game giữa những người chơi với nhau từ 25/12/2024 bị cấm đúng không? (Hình ảnh Internet)
Người chơi trò chơi điện tử trong quán net có quyền và nghĩa vụ gì?
Căn cứ tại khoản 8 Điều 69 Nghị định 147/2024/NĐ-CP quy định người chơi có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
- Được chơi các trò chơi điện tử trên mạng đã được cấp Quyết định phát hành trò chơi điện tử G1 trên mạng, cấp Giấy xác nhận thông báo phát hành trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng.
- Thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng Internet quy định tại Điều 7 Nghị định 147/2024/NĐ-CP.
- Được doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử bảo đảm quyền lợi theo quy tắc của trò chơi điện tử và quy tắc giải quyết khiếu nại, tranh chấp được công bố trên trang thông tin điện tử cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp.
- Lựa chọn trò chơi điện tử phù hợp với độ tuổi của mình.
- Không được lợi dụng trò chơi điện tử để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
- Thực hiện việc đăng ký thông tin người chơi theo quy định tại khoản 1 Điều 56 Nghị định 147/2024/NĐ-CP, đảm bảo các thông tin đăng ký là chính xác.
- Chấp hành quy định về quản lý giờ chơi, quy định về thời gian hoạt động của điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng.
Điều kiện hoạt động của quán net từ 25/12/2024 là gì?
Căn cứ Điều 62 Nghị định 147/2024/NĐ-CP quy định về điều kiện hoạt động của điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng như sau:
(1) Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chỉ được thiết lập điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng khi có giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng.
(2) Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Có đăng ký kinh doanh điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng;
- Có biển hiệu “Điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng” ghi rõ tên điểm, địa chỉ, số điện thoại liên hệ, số đăng ký kinh doanh. Trường hợp điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng đồng thời là đại lý Internet thì thêm nội dung “Đại lý Internet”. Trường hợp điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng đồng thời là điểm truy nhập Internet công cộng của doanh nghiệp thì thêm nội dung “Điểm truy nhập Internet công cộng”;
- Có thiết bị và nội quy phòng cháy, chữa cháy theo quy định về phòng, chống cháy, nổ của Bộ Công an.
(3) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
- Giao Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã thẩm định hồ sơ, kiểm tra thực tế và cấp, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng áp dụng trên địa bàn;
- Chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã trong việc phổ biến pháp luật, quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động của điểm truy nhập Internet công cộng và điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng trên địa bàn; chỉ đạo Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã công khai trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị danh sách các điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng được cấp và bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng trên địa bàn, danh sách các trò chơi điện tử trên mạng đã được cấp Quyết định/Giấy xác nhận phát hành và danh sách các trò chơi điện tử trên mạng đã bị thu hồi hoặc dừng hoạt động;
Thông báo cho các chủ điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng trên địa bàn danh sách các trò chơi điện tử trên mạng đã được cấp Quyết định/Giấy xác nhận phát hành và danh sách các trò chơi điện tử trên mạng đã bị thu hồi hoặc dừng hoạt động và thực hiện báo cáo định kỳ chậm nhất ngày 20 tháng 11 hàng năm về Sở Thông tin và Truyền thông các nội dung theo Mẫu số 49 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 147/2024/NĐ-CP để Sở Thông tin và Truyền thông tổng hợp báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) chậm nhất ngày 25 tháng 11 hàng năm.
Hình thức gửi báo cáo: Nộp trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính tới Sở Thông tin và Truyền thông địa phương hoặc nộp trên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Sở Thông tin và Truyền thông
Trường hợp nộp trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến, phải có chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
Lưu ý: Nghị định 147/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/12/2024.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.