Bác sĩ nha khoa làm việc tại bệnh viện công lập có được phép mở phòng khám răng – hàm – mặt tư nhân ngoài giờ không?

Xin chào ban biên tập, tôi có một câu hỏi như sau: Tôi hiện tại đang là bác sĩ khoa răng – hàm – mặt tại bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức, vậy tôi có được phép mở phòng khám nha tư nhân và hoạt động ngoài giờ làm việc không? Nếu có tôi cần đáp ứng những điều kiện gì và tôi có được đăng ký làm người đứng đầu của phòng khám tư nhân được không? Rất mong được giải đáp, xin cảm ơn.

Các hình thức của phòng khám tư nhân?

Căn cứ khoản 3 Điều 11 Nghị định 155/2018/NĐ-CP sửa đổi Điều 22 Nghị định 109/2016/NĐ-CP quy định về các hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh như sau:

- Phòng khám tư nhân tồn tại dưới hai hình thức: Phòng khám đa khoa và Phòng khám chuyên khoa. Trong đó phòng khám chuyên khoa gồm các loại hình sau:

+ Phòng khám nội tổng hợp;

+ Phòng khám chuyên khoa thuộc hệ nội: Tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, nhi và chuyên khoa khác thuộc hệ nội;

+ Phòng khám tư vấn sức khỏe hoặc phòng tư vấn sức khỏe qua các phương tiện công nghệ thông tin, viễn thông;

+ Phòng khám chuyên khoa ngoại;

+ Phòng khám chuyên khoa phụ sản;

+ Phòng khám chuyên khoa nam học;

+ Phòng khám chuyên khoa răng - hàm - mặt;

+ Phòng khám chuyên khoa tai - mũi - họng;

+ Phòng khám chuyên khoa mắt;

+ Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ;

+ Phòng khám chuyên khoa phục hồi chức năng;

+ Phòng khám chuyên khoa tâm thần;

+ Phòng khám chuyên khoa ung bướu;

+ Phòng khám chuyên khoa da liễu;

+ Phòng khám chuyên khoa y học cổ truyền; Phòng chẩn trị y học cổ truyền;

+ Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng;

+ Phòng khám hỗ trợ điều trị cai nghiện ma túy;

+ Phòng khám, điều trị HIV/AIDS;

+ Phòng xét nghiệm;

+ Phòng khám chẩn đoán hình ảnh, Phòng X-Quang;

+ Phòng khám, điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế thực hiện theo quy định tại Nghị định số 90/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế;

+ Phòng khám, tư vấn và điều trị dự phòng;

+ Phòng khám, điều trị bệnh nghề nghiệp;

+ Phòng khám chuyên khoa khác.

Như vậy, phòng khám nha khoa tư nhân bạn mong muốn mở sẽ thuộc phòng khám chuyên khoa răng – hàm – mặt. Theo đó với từng hình thức khác nhau của phòng khám đa khoa và chuyên khoa mà quy định về điều kiện thành lập, điều kiện về nhân sự, cơ sở vật chất và thủ tục cũng khác nhau.

Bác sĩ nha khoa làm việc tại bệnh viện công lập có được phép mở phòng khám răng – hàm – mặt tư nhân ngoài giờ không?

Đối tượng được thành lập phòng khám tư nhân là ai?

Theo quy định tại khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7 Điều 12 Nghị định 109/2016/NĐ-CP quy định nguyên tắc hành nghề như sau:

- Người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được đăng ký làm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài giờ.

- Người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước không được đăng ký làm người đứng đầu của bệnh viện tư nhân hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp, Luật hợp tác xã, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử tham gia quản lý, điều hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phần vốn của Nhà nước.

- Người hành nghề đã đăng ký làm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được đăng ký hành nghề ngoài giờ tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác.

- Người hành nghề được đăng ký hành nghề tại một hoặc nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng không được đăng ký hành nghề cùng một thời gian tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác nhau và tổng thời gian làm ngoài giờ không quá 200 giờ theo quy định của Bộ luật lao động. Người hành nghề phải bảo đảm hợp lý về thời gian đi lại giữa các địa điểm hành nghề đã đăng ký.

Như vậy, pháp luật hiện hành không cấm bác sĩ bệnh viện công mở phòng khám tư nhân ngoài giờ làm việc. Tuy nhiên bác sĩ bệnh viện công sẽ không được trực tiếp đứng ra thành lập, quản lý các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh tư nhân hoạt động theo hình thức doanh nghiệp, hợp tác xã trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử tham gia quản lý, điều hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phần vốn của Nhà nước. Chỉ có những bác sĩ làm việc tại bệnh viện công lập đã về hưu hoặc những bác sĩ được đào tạo nhưng không làm việc cho bệnh viện công lập mới được đứng ra đăng ký, quản lý bệnh viện tư nhân. Ngoài ra tổng thời gian làm ngoài giờ của bác sĩ bệnh viện công sẽ không vượt quá 200 giờ theo quy định của Bộ luật Lao động. 

Tại sao lại cho phép bác sĩ bệnh viện công được mở phòng khám tư nhân ngoài giờ làm việc mà lại không cho phép người này đăng ký làm người đứng đầu của cơ sở khám chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp, Luật hợp tác xã?

Theo quy định hiện hành, người đứng đầu các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân phải là người hành nghề cơ hữu tại cơ sở đó, đảm bảo làm việc toàn thời gian ở cơ sở để quản lý, điều hành trong suốt thời gian cơ sở khám chữa bệnh đăng ký hoạt động và phải chịu trách nhiệm về sức khỏe của người bệnh là khách hàng của cơ sở. Trong khi đó, phòng khám tư nhân sẽ hoạt động ngoài giờ hành chính nên không ảnh hưởng đến công việc của bác sĩ tại cơ sở bệnh viện công lập. Nếu bác sĩ bệnh viện công trực tiếp đứng tên cơ sở khám chữa bệnh tư nhân sẽ có thể gây ra sự sao nhãng cho bác sĩ khi làm việc tại bệnh viện công lập, hoặc sẽ xảy ra trường hợp sử dụng giờ làm việc tại bệnh viện công để giải quyết công việc ở bệnh viện tư nơi mình phụ trách. Điều này là trái với quy định pháp luật.

Điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với phòng khám chuyên khoa răng - hàm - mặt?

Theo khoản 4 Điều 11 Nghị định 155/2018/NĐ-CP bổ sung Điều 23 Nghị định 109/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện chung để cấp giấy phép hoạt động của cơ sở khám bệnh chữa bệnh như sau:

- Về cơ sở vật chất:

+ Có địa điểm cố định (trừ trường hợp tổ chức khám bệnh, chữa bệnh lưu động);

+ Bảo đảm các điều kiện về an toàn bức xạ, phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật;

+ Phải bố trí khu vực tiệt trùng để xử lý dụng cụ y tế sử dụng lại, trừ trường hợp không có dụng cụ phải tiệt trùng lại hoặc có hợp đồng với cơ sở y tế khác để tiệt trùng dụng cụ.

- Về trang thiết bị y tế:

+ Có đủ trang thiết bị y tế phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở;

+) Riêng cơ sở khám, điều trị bệnh nghề nghiệp ít nhất phải có bộ phận xét nghiệm sinh hóa;

+ Phòng khám tư vấn sức khỏe hoặc phòng tư vấn sức khỏe qua các phương tiện công nghệ thông tin, viễn thông không bắt buộc phải có trang thiết bị y tế quy định tại điểm a, b khoản này nhưng phải có đủ các phương tiện công nghệ thông tin, viễn thông, thiết bị phù hợp với phạm vi hoạt động đăng ký.

- Về nhân lực:

* Mỗi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải có một người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật. Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật và trưởng các khoa chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

+ Là bác sỹ có chứng chỉ hành nghề có phạm vi hoạt động chuyên môn phù hợp phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở.

+ Có thời gian hành nghề khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 36 tháng sau khi được cấp chứng chỉ hành nghề hoặc có thời gian trực tiếp tham gia khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 54 tháng. Việc phân công, bổ nhiệm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải được thể hiện bằng văn bản;

+ Là người hành nghề cơ hữu tại cơ sở.

* Ngoài người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, các đối tượng khác làm việc trong cơ sở nếu có thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh thì phải có chứng chỉ hành nghề và chỉ được thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi công việc được phân công. Căn cứ vào phạm vi hoạt động chuyên môn, văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận đào tạo và năng lực của người hành nghề, người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phân công người hành nghề được thực hiện các kỹ thuật chuyên môn bằng văn bản;

* Kỹ thuật viên xét nghiệm có trình độ đại học được đọc và ký kết quả xét nghiệm. Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có bác sỹ chuyên khoa xét nghiệm hoặc kỹ thuật viên xét nghiệm có trình độ đại học thì bác sỹ chỉ định xét nghiệm đọc và ký kết quả xét nghiệm;

* Cử nhân X-Quang có trình độ đại học được đọc và mô tả hình ảnh chẩn đoán. Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có bác sỹ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh hoặc bác sỹ X-Quang thì bác sỹ chỉ định kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh đọc và ký kết quả chẩn đoán hình ảnh;

* Các đối tượng khác tham gia vào quá trình khám bệnh, chữa bệnh nhưng không cần phải cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh thì được phép thực hiện các hoạt động theo phân công của người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (kỹ sư vật lý y học, kỹ sư xạ trị, âm ngữ trị liệu, tâm lý trị liệu và các đối tượng khác), việc phân công phải phù hợp với văn bằng chuyên môn của người đó.

- Cơ sở khám sức khỏe đáp ứng các điều kiện sau:

+ Là cơ sở khám, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động theo quy định của pháp luật;

+ Phải có đủ các bộ phận khám lâm sàng, cận lâm sàng, nhân lực và thiết bị y tế cần thiết để khám, phát hiện được tình trạng sức khỏe theo tiêu chuẩn sức khỏe và mẫu phiếu khám sức khỏe được ban hành kèm theo các văn bản hướng dẫn khám sức khỏe theo quy định của pháp luật.

Ngoài điều kiện về người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật, phòng khám chuyên khoa phải đáp ứng thêm các điều kiện quy định tại khoản 8 Điều 11 Nghị định 155/2018/NĐ-CP sửa đổi Điều 26 Nghị định 109/2016/NĐ-CP như sau:

- Về cơ sở vật chất:

+ Trường hợp thực hiện thủ thuật, bao gồm cả kỹ thuật cấy ghép răng (implant), châm cứu, xoa bóp day ấn huyệt thì phải có phòng hoặc khu vực riêng dành cho việc thực hiện thủ thuật. Phòng hoặc khu vực thực hiện thủ thuật phải có đủ diện tích để thực hiện kỹ thuật chuyên môn;

+ Trường hợp phòng khám chuyên khoa thực hiện cả hai kỹ thuật nội soi tiêu hóa trên và nội soi tiêu hóa dưới thì phải có 02 phòng riêng biệt;

+ Trường hợp khám điều trị bệnh nghề nghiệp phải có bộ phận xét nghiệm sinh hóa.

- Về thiết bị y tế: Có hộp thuốc chống sốc và đủ thuốc cấp cứu chuyên khoa.

Như vậy, trong trường hợp bạn là bác sĩ bệnh viện công thì bạn được phép mở phòng nha ngoài giờ hành chính nhưng sẽ không trực tiếp đứng ra thành lập, quản lý phòng khám mà sẽ là người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật cho phòng khám đó. Để được mở phòng khám chuyên khoa răng – hàm – mặt tư nhân thì bạn phải đáp ứng những điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, chứng chỉ hành nghề và thời gian trực tiếp tham gia khám chữa bệnh của người chịu trách nhiệm chuyên môn theo những quy định trên. Đặc biệt thời gian tối đa mà bạn có thể khám bệnh, chữa bệnh ở phòng khám tư là 200 giờ.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

5,496 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào