Áp dụng điều ước quốc tế, tập quán thương mại quốc tế trong quan hệ công cụ chuyển nhượng có yếu tố nước ngoài như thế nào?
- Công cụ chuyển nhượng là gì? Quan hệ công cụ chuyển nhượng là gì?
- Thực hiện áp dụng điều ước quốc tế và tập quán thương mại quốc tế trong quan hệ công cụ chuyển nhượng có yếu tố nước ngoài như thế nào?
- Công cụ chuyển nhượng ghi trả bằng ngoại tệ được quy định như thế nào?
- Công cụ chuyển nhượng bị hư hỏng thì xử lý như thế nào?
- Hành vi nào bị cấm đối với công cụ chuyển nhượng?
Công cụ chuyển nhượng là gì? Quan hệ công cụ chuyển nhượng là gì?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 4 Luật Các công cụ chuyển nhượng 2005 định nghĩa công cụ chuyển nhượng như sau:
Công cụ chuyển nhượng là giấy tờ có giá ghi nhận lệnh thanh toán hoặc cam kết thanh toán không điều kiện một số tiền xác định vào một thời điểm nhất định.
Căn cứ tại khoản 19 Điều 4 Luật Các công cụ chuyển nhượng 2005 định nghĩa quan hệ công cụ chuyển nhượng như sau:
Quan hệ công cụ chuyển nhượng là quan hệ giữa các tổ chức, cá nhân trong việc phát hành, chấp nhận, bảo lãnh, chuyển nhượng, cầm cố, nhờ thu, thanh toán, truy đòi, khởi kiện về công cụ chuyển nhượng.
Thực hiện áp dụng điều ước quốc tế và tập quán thương mại quốc tế trong quan hệ công cụ chuyển nhượng có yếu tố nước ngoài như thế nào?
Căn cứ tại Điều 6 Luật Các công cụ chuyển nhượng 2005 quy định việc áp dụng điều ước quốc tế và tập quán thương mại quốc tế trong quan hệ công cụ chuyển nhượng có yếu tố nước ngoài như sau:
- Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định Luật Các công cụ chuyển nhượng thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.
- Trong trường hợp quan hệ công cụ chuyển nhượng có yếu tố nước ngoài, các bên tham gia quan hệ công cụ chuyển nhượng được thoả thuận áp dụng các tập quán thương mại quốc tế gồm Quy tắc thực hành thống nhất về tín dụng chứng từ, Quy tắc thống nhất về nhờ thu của Phòng Thương mại quốc tế và các tập quán thương mại quốc tế có liên quan khác theo quy định của Chính phủ.
- Trong trường hợp công cụ chuyển nhượng được phát hành ở Việt Nam nhưng được chấp nhận, bảo lãnh, chuyển nhượng, cầm cố, nhờ thu, thanh toán, truy đòi, khởi kiện ở một nước khác thì công cụ chuyển nhượng phải được phát hành theo quy định Luật Các công cụ chuyển nhượng.
- Trong trường hợp công cụ chuyển nhượng được phát hành ở nước khác nhưng được chấp nhận, bảo lãnh, chuyển nhượng, cầm cố, nhờ thu, thanh toán, truy đòi, khởi kiện ở Việt Nam thì việc chấp nhận, bảo lãnh, chuyển nhượng, cầm cố, nhờ thu, thanh toán, truy đòi, khởi kiện được thực hiện theo quy định Luật Các công cụ chuyển nhượng.
Áp dụng điều ước quốc tế, tập quán thương mại quốc tế trong quan hệ công cụ chuyển nhượng có yếu tố nước ngoài như thế nào? (Hình từ Internet)
Công cụ chuyển nhượng ghi trả bằng ngoại tệ được quy định như thế nào?
Căn cứ tại Điều 9 Luật Các công cụ chuyển nhượng 2005 quy định về công cụ chuyển nhượng ghi trả bằng ngoại tệ như sau:
- Công cụ chuyển nhượng được ghi trả bằng ngoại tệ theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối.
- Công cụ chuyển nhượng ghi trả bằng ngoại tệ được thanh toán bằng ngoại tệ khi người thụ hưởng cuối cùng được phép thu ngoại tệ theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối.
- Công cụ chuyển nhượng ghi trả bằng ngoại tệ nhưng người thụ hưởng cuối cùng là người không được phép thu ngoại tệ theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối thì số tiền trên công cụ chuyển nhượng được thanh toán bằng đồng Việt Nam theo tỷ giá hối đoái do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm thanh toán hoặc theo tỷ giá kinh doanh ngoại tệ của ngân hàng thực hiện việc thanh toán công bố tại thời điểm thanh toán, trong trường hợp ngân hàng thực hiện việc thanh toán.
Theo đó, khi người thụ hưởng được phép thu ngoại tệ thì sẽ thanh toán bằng ngoại tệ đối với công cụ chuyển nhượng ghi trả bằng ngoại tệ.
Công cụ chuyển nhượng bị hư hỏng thì xử lý như thế nào?
Căn cứ tại Điều 14 Luật Các công cụ chuyển nhượng 2005 quy định công cụ chuyển nhượng bị hư hỏng thì xử lý như sau:
- Khi công cụ chuyển nhượng bị hư hỏng, người thụ hưởng được quyền yêu cầu người ký phát hoặc người phát hành phát hành lại công cụ chuyển nhượng có cùng nội dung để thay thế.
- Người ký phát, người phát hành có nghĩa vụ phát hành lại công cụ chuyển nhượng, sau khi nhận được công cụ chuyển nhượng bị hư hỏng nếu công cụ chuyển nhượng này chưa đến hạn thanh toán và còn đủ thông tin hoặc có bằng chứng xác định người có công cụ bị hư hỏng là người thụ hưởng hợp pháp công cụ chuyển nhượng.
Theo đó, người thụ hưởng được quyền yêu cầu người ký phát hoặc người phát hành phát hành lại công cụ chuyển nhượng có cùng nội dung để thay thế cho công cụ chuyển nhượng bị hư hỏng.
Hành vi nào bị cấm đối với công cụ chuyển nhượng?
Căn cứ tại Điều 15 Luật Các công cụ chuyển nhượng 2005 quy định cách hành vi sau bị cấm đối với công cụ chuyển nhượng:
- Làm giả công cụ chuyển nhượng, sửa chữa hoặc tẩy xóa các yếu tố trên công cụ chuyển nhượng.
- Cố ý chuyển nhượng hoặc nhận chuyển nhượng hoặc xuất trình để thanh toán công cụ chuyển nhượng bị làm giả, bị sửa chữa, bị tẩy xóa.
- Ký công cụ chuyển nhượng không đúng thẩm quyền hoặc giả mạo chữ ký trên công cụ chuyển nhượng.
- Chuyển nhượng công cụ chuyển nhượng khi đã biết công cụ chuyển nhượng này quá hạn thanh toán hoặc đã bị từ chối chấp nhận, bị từ chối thanh toán hoặc đã được thông báo bị mất.
- Cố ý phát hành công cụ chuyển nhượng khi không đủ khả năng thanh toán.
- Cố ý phát hành séc sau khi bị đình chỉ quyền phát hành séc.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.