Ai không được tăng lương hưu khi cải cách tiền lương 2024? Kinh phí để tăng lương hưu là bao nhiêu?
Ai không được tăng lương hưu khi cải cách tiền lương 2024?
Sáng 10/11/2023, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.
Theo đó, chính thức từ 01/7/2024, Nhà nước sẽ thực hiện đồng thời việc tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở cùng với cải cách tiền lương.
Bên cạnh các đối tượng được tăng lương hưu theo quy định cụ thể thì vẫn sẽ có những đối tượng khác được tăng lương hưu sau đợt cải cách tiền lương do tăng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Theo đó, các đối tượng không được tăng lương hưu được tính theo 02 trường hợp như sau:
(1) Trường hợp 01: Không thuộc đối tượng tăng lương hưu theo quy định
Như các quy định trước đây, khi điều chỉnh lương hưu thì không phải đối tượng nào cũng sẽ được tăng lương lưu.
Cụ thể, khi có văn bản chính thức về việc điều chỉnh tiền lương hưu, nội dung văn bản sẽ quy định rõ về đối tượng được điều chỉnh. Do vậy, nếu người tham gia BHXH không thuộc các đối tượng được điều chỉnh trong văn bản đó thì sẽ không được tăng lương hưu.
(2) Trường hợp 02: Không được tăng lương khi cải cách tiền lương
Đối chiếu Mục II Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, việc cải cách tiền lương sẽ thực hiện trên tinh thần là không làm giảm lương. Khi cải cách tiền lương 2024 làm tăng lương của các đối tượng tham gia BHXH thì mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của các đối tượng này cũng sẽ tăng.
Vì mức lương hưu được tính từ mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH và tỷ lệ hưởng lương hưu. Nên, nếu quy định về tỷ lệ hưởng lương hưu không thay đổi, mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tăng -> mức lương hưu cũng sẽ tăng.
Theo những phân tích trên thì xét trong trường hợp cải cách tiền lương 2024 làm tăng lương, để được tăng lương hưu theo đợt cải cách tiền lương, người tham gia BHXH cần đáp ứng các điều kiện sau:
- Đủ điều kiện hưởng lương hưu;
- Người tham gia BHXH phải nghỉ hưu sau thời điểm cải cách tiền lương và đã có khoảng thời gian hưởng mức lương tăng trước đó.
Người tham gia BHXH không đáp ứng các điều kiện nêu trên thì sẽ không được tăng lương hưu.
Ngoài ra, căn cứ Nghị quyết 27/NQ-TW năm 2018, thông tin từ Cổng TTĐT Chính phủ, khi thực hiện cải cách tiền lương thì sẽ có 36 đơn vị của một số ngành đang áp dụng cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù sẽ không còn được hưởng chính sách lương đặc thù nữa.
Nếu xây dựng bảng lương chạy ngang, một số cơ quan có thể bị giảm 50% lương. Do vậy, khi thực hiện cải cách tiền lương thì 36 đơn vị hưởng lương đặc thù khả năng cao sẽ không được tăng lương.
Như vậy, nhiều khả năng, cán bộ công chức thuộc 36 đơn vị đang áp dụng cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù nêu trên sẽ không được tăng lương khi cải cách tiền lương. -> Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH về sau có thể sẽ không tăng -> Các đối tượng này cũng không được tăng lương hưu sau cải cách tiền lương.
Trường hợp các đối tượng nêu trên được điều chỉnh tăng bình quân tiền lương từ năm 2025 thì mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH sẽ tăng theo.
>> Có tiếp tục tăng lương hưu 20.8% khi cải cách?
Ai không được tăng lương hưu khi cải cách tiền lương 2024? Nhà nước chi 11,1 nghìn tỷ đồng để tăng lương hưu? (Hình từ Internet)
Nhà nước chi bao nhiêu tiền để tăng lương hưu?
Căn cứ Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 được Quốc hội thông qua ngày 10/11/2023.
Dự kiến tổng nguồn ngân sách Trung ương dành để thực hiện cải cách tiền lương khoảng 132 nghìn tỷ đồng; nguồn tích lũy của ngân sách địa phương khoảng trên 430 nghìn tỷ đồng.
Theo tính toán của Chính phủ, để thực hiện cải cách tiền lương, dự kiến tổng nhu cầu kinh phí tăng thêm từ ngân sách trong giai đoạn 2024 - 2026 là hơn 499 nghìn tỷ đồng. Trong đó chi cho cải cách tiền lương là 470 nghìn tỷ đồng, điều chỉnh lương hưu là 11,1 nghìn tỷ đồng và trợ cấp ưu đãi người có công là 18 nghìn tỷ đồng.
Như vậy, mức ngân sách chi cho cải cách tiền lương hưu là 11,1 nghìn tỷ đồng.
Công thức tính lương hưu theo quy định hiện nay như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 7 Nghị định 115/2015/NĐ-CP, việc tính lương hưu đối với người nghỉ hưu tham gia BHXH bắt buộc được thực hiện theo công thức sau:
Mức lương hưu hàng tháng | = | Tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hằng tháng | X | Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH |
Trong đó:
(1) Tỷ lệ hưởng lương hưu
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 115/2015/NĐ-CP, Điều 16 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, Điều 17 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH.
Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu như sau:
Năm nghỉ hưu | Tỷ lệ hưởng lương hưu | Số năm đóng BHXH tương ứng | Tỷ lệ cộng thêm |
Từ ngày 01/01/2016 đến trước ngày 01/01/2018 | 45% | 15 năm | Cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ. |
Từ ngày 01/01/2018 trở đi | 45% | - Lao động nữ: 15 năm - Lao động nam: + 16 năm nếu nghỉ hưu năm 2018; + 17 năm nếu nghỉ hưu năm 2019; + 18 năm nếu nghỉ hưu năm 2020; +19 năm nếu nghỉ hưu năm 2021; + 20 năm nếu nghỉ hưu từ năm 2022 trở đi. | Cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, được tính thêm 2%. |
Trong đó:
- Mức tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa là 75%.
- Khi tính tỷ lệ hưởng lương hưu trường hợp thời gian đóng đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ thì từ 01 tháng đến 06 tháng được tính là nửa năm; từ 07 tháng đến 11 tháng được tính là một năm.
- Trường hợp người lao động nghỉ hưu trước tuổi thì cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%.
(2) Mức lương bình quân đóng BHXH
Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu được quy định tại Điều 9 Nghị định 115/2015/NĐ-CP.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.