9 Loại hàng hóa nguy hiểm theo Nghị định 34/2024/NĐ-CP từ ngày 15/05/2024 bao gồm những loại hàng hóa nào?
- 9 Loại hàng hóa nguy hiểm theo Nghị định 34/2024/NĐ-CP từ ngày 15/05/2024 bao gồm những loại hàng hóa nào?
- Thẩm quyền cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm thuộc về ai?
- Trường hợp nào được miễn cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm theo Nghị định 34?
- Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm có giá trị sử dụng trong thời hạn bao lâu?
9 Loại hàng hóa nguy hiểm theo Nghị định 34/2024/NĐ-CP từ ngày 15/05/2024 bao gồm những loại hàng hóa nào?
Căn cứ vào Điều 4 Nghị định 34/2024/NĐ-CP có nêu rõ loại hàng hóa nguy hiểm như sau:
Phân loại hàng hóa nguy hiểm
1. Tùy theo tính chất hóa, lý, hàng hoá nguy hiểm được phân thành 9 loại và nhóm loại sau đây:
a) Loại 1. Chất nổ và vật phẩm dễ nổ;
Nhóm 1.1: Chất và vật phẩm có nguy cơ nổ rộng.
Nhóm 1.2: Chất và vật phẩm có nguy cơ bắn tóe nhưng không nổ rộng.
Nhóm 1.3: Chất và vật phẩm có nguy cơ cháy và nguy cơ nổ nhỏ hoặc bắn tóe nhỏ hoặc cả hai, nhưng không nổ rộng.
Nhóm 1.4: Chất và vật phẩm có nguy cơ không đáng kể.
Nhóm 1.5: Chất không nhạy nhưng có nguy cơ nổ rộng.
Nhóm 1.6: Vật phẩm đặc biệt không nhạy, không có nguy cơ nổ rộng.
b) Loại 2. Khí;
Nhóm 2.1: Khí dễ cháy.
Nhóm 2.2: Khí không dễ cháy, không độc hại.
Nhóm 2.3: Khí độc hại.
c) Loại 3. Chất lỏng dễ cháy và chất nổ lỏng khử nhạy;
d) Loại 4;
Nhóm 4.1: Chất rắn dễ cháy, chất tự phản ứng và chất nổ rắn được ngâm trong chất lỏng hoặc bị khử nhạy.
Nhóm 4.2: Chất có khả năng tự bốc cháy.
Nhóm 4.3: Chất khi tiếp xúc với nước tạo ra khí dễ cháy.
đ) Loại 5;
Nhóm 5.1: Chất ôxi hóa.
Nhóm 5.2: Perôxít hữu cơ.
e) Loại 6;
Nhóm 6.1: Chất độc.
Nhóm 6.2: Chất gây nhiễm bệnh.
g) Loại 7: Chất phóng xạ;
h) Loại 8: Chất ăn mòn;
i) Loại 9: Chất và vật phẩm nguy hiểm khác.
2. Các bao bì, thùng chứa hàng hoá nguy hiểm chưa được làm sạch bên trong và bên ngoài sau khi dỡ hết hàng hoá nguy hiểm cũng được coi là hàng hoá nguy hiểm tương ứng.
Như vậy, hàng hóa nguy hiểm được phân thành 9 loại và nhóm loại sau:
- Loại 1 gồm các chất nổ và vật phẩm dễ nổ;
- Loại 2 gồm khí dễ cháy, khí không dễ cháy, không độc hại, khí độc hại;
- Loại 3 là các chất lỏng dễ cháy và các chất nổ lỏng khử nhạy;
- Loại 4 là các chất rắn dễ cháy, các chất tự phản ứng và các chất nổ rắn được ngâm trong chất lỏng hoặc bị khử nhạy., các chất dễ tự bốc cháy, các chất khi gặp nước phát ra khí dễ cháy;
- Loại 5 là các chất ôxi hóa, các hợp chất Perôxít hữu cơ;
- Loại 6 là các chất độc hại, các chất lây nhiễm;
- Loại 7 là các chất phóng xạ;
- Loại 8 là các chất ăn mòn
- Loại 9 là các chất và vật phẩm nguy hiểm khác.
9 Loại hàng hóa nguy hiểm nào theo Nghị định 34/2024/NĐ-CP từ ngày 15/05/2024? (Hình ảnh Internet)
Thẩm quyền cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm thuộc về ai?
Căn cứ vào Điều 17 Nghị định 34/2024/NĐ-CP quy định về thẩm quyền cấp Giấy phép như sau:
Thẩm quyền cấp Giấy phép và các trường hợp miễn cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm
1. Bộ Công an tổ chức cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm loại 1, loại 2, loại 3, loại 4, loại 9 theo quy định tại khoản 1 Điều 4 của Nghị định này (trừ hóa chất bảo vệ thực vật và quy định tại khoản 2 Điều này).
2. Bộ Quốc phòng tổ chức cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm cho các tổ chức, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.
3. Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm loại 5, loại 8 theo quy định tại khoản 1 Điều 4 của Nghị định này.
4. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm là hóa chất bảo vệ thực vật.
5. Cơ quan cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm căn cứ vào loại, nhóm hàng hóa nguy hiểm theo quy định tại khoản 1 Điều 4 của Nghị định này để quyết định tuyến đường vận chuyển và thời gian vận chuyển.
6. Việc cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm loại 7 được thực hiện theo quy định tại Nghị định về việc tiến hành công việc bức xạ và hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử.
7. Cơ quan cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm từ chối cấp giấy phép đối với hoạt động vận chuyển hàng hóa nguy hiểm là các chất dễ cháy, nổ có hành trình đi qua công trình hầm, phà theo quy định tại Điều 12 của Nghị định này.
...
Như vậy, giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm do các Bộ có thẩm quyền cấp quản lý và cấp phép. Ngoài ra Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm là hóa chất bảo vệ thực vật.
Trường hợp nào được miễn cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm theo Nghị định 34?
Căn cứ vào khoản 8 Điều 17 Nghị định 34/2024/NĐ-CP quy định về các trường hợp miễn cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm như sau:
Thẩm quyền cấp Giấy phép và các trường hợp miễn cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm
...
8. Tổ chức, cá nhân khi vận chuyển hàng hóa nguy hiểm thuộc một trong các trường hợp sau đây được miễn cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm theo quy định tại Nghị định này:
a) Vận chuyển hàng hóa nguy hiểm là khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và khí thiên nhiên nén (CNG) có tổng khối lượng nhỏ hơn 1.080 ki-lô-gam;
b) Vận chuyển hàng hóa nguy hiểm là khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) có tổng khối lượng nhỏ hơn 2.250 ki-lô-gam;
c) Vận chuyển hàng hóa nguy hiểm là nhiên liệu lỏng có tổng dung tích nhỏ hơn 1.500 lít;
d) Vận chuyển hàng hóa nguy hiểm là hóa chất bảo vệ thực vật có tổng khối lượng nhỏ hơn 1.000 ki-lô-gam;
đ) Vận chuyển hàng hóa nguy hiểm đối với các hóa chất độc nguy hiểm còn lại trong các loại, nhóm hàng hóa nguy hiểm.
Như vậy, được miễn cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm gồm các trường hợp vận chuyển hàng hóa nguy hiểm là khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và khí thiên nhiên nén (CNG) có tổng khối lượng nhỏ hơn 1.080 ki-lô-gam; khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) có tổng khối lượng nhỏ hơn 2.250 ki-lô-gam; nhiên liệu lỏng có tổng dung tích nhỏ hơn 1.500 lít; hóa chất bảo vệ thực vật có tổng khối lượng nhỏ hơn 1.000 ki-lô-gam và hóa chất độc nguy hiểm còn lại trong các loại, nhóm hàng hóa nguy hiểm.
Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm có giá trị sử dụng trong thời hạn bao lâu?
Căn cứ vào khoản 3 Điều 16 Nghị định 34/2024/NĐ-CP có nêu rõ về thời hạn Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm như sau:
Nội dung, mẫu Giấy phép và thời hạn Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm
...
3. Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm có hiệu lực trên toàn quốc. Thời hạn của giấy phép theo đề nghị của người vận tải nhưng tối đa không quá 24 tháng và không quá niên hạn sử dụng của phương tiện.
Như vậy, Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm có thời hạn theo đề nghị của người vận tải nhưng tối đa không quá 24 tháng và không quá niên hạn sử dụng của phương tiện. Giấy phép có hiệu lực trên toàn quốc.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.