04 loại nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước? Có được bán hoặc cho thuê nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước hay không?
Các loại nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước?
>> Mới nhất Tải Luật Nhà ở 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành
Căn cứ quy định tại Điều 80 Luật Nhà ở 2014 quy định các loại nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước như sau:
Các loại nhà ở thuộc sở hữu nhà nước
1. Nhà ở công vụ do Nhà nước đầu tư xây dựng hoặc mua bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc được xác lập thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật.
2. Nhà ở để phục vụ tái định cư do Nhà nước đầu tư bằng nguồn vốn hoặc hình thức quy định tại khoản 3 Điều 36 của Luật này.
3. Nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư bằng nguồn vốn hoặc hình thức quy định tại khoản 1 Điều 53 của Luật này.
4. Nhà ở cũ được đầu tư xây dựng bằng vốn ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ vốn ngân sách nhà nước hoặc được xác lập thuộc sở hữu nhà nước và đang cho hộ gia đình, cá nhân thuê theo quy định của pháp luật về nhà ở.
Như vậy, nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước bao gồm 04 loại: nhà ở công vụ, nhà ở để phục vụ tái định cư, nhà ở xã hội, nhà ở cũ (được Nhà nước đầu tư, xây dựng theo quy định nêu trên).
04 loại nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước? Có được bán hoặc cho thuê nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước hay không? (Hình từ internet)
Có được bán hoặc cho thuê nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 83 Luật Nhà ở 2014 quy định về Cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước như sau:
Cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước
1. Việc cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước phải bảo đảm công khai, minh bạch; ngoài yêu cầu phải tuân thủ quy định tại Điều 82, Điều 84 và các quy định về giao dịch mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở tại Chương VIII của Luật này thì còn phải thực hiện các quy định sau đây:
a) Trường hợp thuê nhà ở công vụ thì phải thực hiện quy định tại Điều 33 của Luật này;
b) Trường hợp cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở để phục vụ tái định cư thì phải thực hiện quy định tại Điều 35 và Điều 41 của Luật này;
c) Trường hợp cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở xã hội thì phải thực hiện quy định tại Điều 62 và Điều 63 của Luật này;
d) Trường hợp cho thuê, bán nhà ở cũ thì nhà ở đó phải không có khiếu kiện, tranh chấp về quyền sử dụng và thuộc diện được cho thuê hoặc được bán theo quy định của pháp luật về nhà ở.
2. Hợp đồng cho thuê, thuê mua, mua bán nhà ở phải có các nội dung theo quy định tại Điều 121 của Luật này. Việc ký kết hợp đồng được quy định như sau:
a) Trường hợp mua bán, thuê mua nhà ở xã hội hoặc mua bán nhà ở cũ thì hợp đồng được ký giữa bên mua, bên thuê mua với cơ quan quản lý nhà ở;
b) Trường hợp thuê, thuê mua, mua bán nhà ở để phục vụ tái định cư thì hợp đồng được ký giữa người được tái định cư với đơn vị được giao bố trí tái định cư;
c) Trường hợp thuê nhà ở bao gồm thuê nhà ở cũ, thuê nhà ở công vụ, thuê nhà ở xã hội thì hợp đồng được ký giữa bên thuê với cơ quan quản lý nhà ở hoặc đơn vị được giao quản lý vận hành nhà ở đó.
Như vậy, đối với nhà ở công vụ thuộc sở hữu Nhà nước chỉ được cho thuê. Còn lại, đối với nhà ở để phục vụ tái định cư, nhà ở xã hội, nhà ở cũ thì được phép bán.
Việc cho thuê, bán các loại nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước phải tuân thủ theo các quy định nêu trên.
Cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước?
Căn cứ theo quy định tại Điều 39 Nghị định 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Nhà ở (được hướng dẫn bởi Chương II Thông tư 09/2015/TT-BXD) quy định như sau:
Cơ quan, đơn vị quản lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước
1. Cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với nhà ở đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn trung ương được quy định như sau:
a) Bộ Xây dựng là đại diện chủ sở hữu đối với nhà ở công vụ của Chính phủ; nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn trung ương; nhà ở sinh viên do các cơ sở giáo dục trực thuộc Bộ Xây dựng đang quản lý, trừ nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an mua hoặc đầu tư xây dựng quy định tại Điểm b Khoản này;
b) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an là đại diện chủ sở hữu đối với nhà ở công vụ, nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an mua hoặc đầu tư xây dựng, nhà ở sinh viên do các cơ sở giáo dục trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đang quản lý. Riêng đối với nhà ở cũ do Bộ Quốc phòng đang quản lý thì Bộ Quốc phòng là đại diện chủ sở hữu đối với nhà ở này, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 64 của Nghị định này;
c) Các Bộ, ngành, cơ quan trung ương khác là đại diện chủ sở hữu đối với nhà ở công vụ, nhà ở sinh viên do cơ sở giáo dục trực thuộc các Bộ, ngành, cơ quan trung ương đó đang quản lý.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là đại diện chủ sở hữu đối với các loại nhà ở thuộc sở hữu nhà nước được giao quản lý trên địa bàn.
3. Cơ quan quản lý nhà ở là cơ quan được đại diện chủ sở hữu quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này giao thực hiện việc quản lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, bao gồm:
a) Đối với Bộ, ngành, cơ quan trung ương là cơ quan được giao chức năng quản lý nhà ở trực thuộc Bộ, ngành, cơ quan trung ương đó;
b) Đối với địa phương là Sở Xây dựng;
c) Cơ sở giáo dục thực hiện việc quản lý đối với nhà ở sinh viên đang được giao quản lý.
4. Đơn vị quản lý vận hành nhà ở thuộc sở hữu nhà nước là tổ chức hoặc doanh nghiệp có chức năng, năng lực chuyên môn về quản lý, vận hành nhà ở theo quy định tại Điều 105 của Luật Nhà ở được cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà ở giao quản lý vận hành nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.
Như vậy, các cơ quan trên là các cơ quan được giao trách nhiệm quản lý, sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.