Hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý được lập như thế nào? Trường hợp nào vụ việc trợ giúp pháp lý không được tiếp tục thực hiện?
Hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý gồm có những gì?
Tại Điều 38 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 quy định như sau:
- Khi thực hiện trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm lập hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý.
- Hồ sơ trợ giúp pháp lý gồm có:
+ Các giấy tờ, tài liệu theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Luật Trợ giúp pháp lý 2017, cụ thể như sau:
Yêu cầu trợ giúp pháp lý
1. Khi yêu cầu trợ giúp pháp lý, người yêu cầu phải nộp hồ sơ cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, gồm có:
a) Đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý;
b) Giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý;
c) Các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý.
+ Các văn bản, giấy tờ liên quan và kết quả thực hiện trợ giúp pháp lý;
+ Các giấy tờ, tài liệu khác (nếu có).
Hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý được lập như thế nào? Trường hợp nào vụ việc trợ giúp pháp lý không được tiếp tục thực hiện? (Hình từ Internet)
Hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý được lập như thế nào?
Về lập hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý được hướng dẫn Điều 11 Thông tư 12/2018/TT-BTP, cụ thể như sau:
Hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý
1. Mỗi hồ sơ vụ việc có một mã số riêng, được lập và phân loại theo từng hình thức trợ giúp pháp lý. Mã số hồ sơ vụ việc gồm tập hợp các ký hiệu bằng chữ và bằng số tương ứng với tên tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, hình thức thực hiện trợ giúp pháp lý, số thứ tự của vụ việc trong Sổ theo dõi, thụ lý vụ việc trợ giúp pháp lý, năm tiếp nhận (Ví dụ TT.TV.01.2018). Trường hợp vụ việc do Chi nhánh thực hiện thì tên tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý là chữ viết tắt của tên Chi nhánh (ví dụ CN1.TGTT.01.2018). Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, Chi nhánh có trách nhiệm tạo hồ sơ vụ việc và người thực hiện trợ giúp pháp lý cập nhật lên phần mềm quản lý tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý.
2. Hồ sơ vụ việc tham gia tố tụng bao gồm:
a) Các giấy tờ, tài liệu quy định tại khoản 1 Điều 29 của Luật Trợ giúp pháp lý;
b) Quyết định cử người thực hiện trợ giúp pháp lý; quyết định thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý (nếu có);
c) Bản bào chữa hoặc bản bảo vệ quyền lợi cho người được trợ giúp pháp lý có chữ ký, ghi rõ họ tên của người thực hiện trợ giúp pháp lý;
d) Bản chính hoặc bản sao kết luận điều tra, bản cáo trạng, bản án, quyết định; văn bản tố tụng khác liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý do cơ quan tiến hành tố tụng cấp;
đ) Văn bản thông báo không tiếp tục thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý (nếu có);
e) Giấy tờ, tài liệu khác thể hiện quá trình thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý;
g) Phiếu lấy ý kiến người được trợ giúp pháp lý hoặc người thân thích của họ.
3. Hồ sơ vụ việc tư vấn pháp luật bao gồm:
a) Các giấy tờ quy định tại các điểm a, đ và e khoản 2 Điều này;
b) Văn bản tư vấn pháp luật có chữ ký, ghi rõ họ tên của người thực hiện trợ giúp pháp lý.
4. Hồ sơ vụ việc đại diện ngoài tố tụng bao gồm:
a) Các giấy tờ quy định tại các điểm a, b, đ, e và g khoản 2 Điều này;
b) Văn bản giải quyết vụ việc của cơ quan có thẩm quyền hoặc văn bản thể hiện kết quả việc đại diện ngoài tố tụng;
c) Bản báo cáo về những công việc đã thực hiện và kết quả đạt được trong phạm vi đại diện ngoài tố tụng có chữ ký, ghi rõ họ tên của người thực hiện trợ giúp pháp lý.
Theo đó mỗi hồ sơ vụ việc có một mã số riêng, được lập và phân loại theo từng hình thức trợ giúp pháp lý.
Mã số hồ sơ vụ việc gồm tập hợp các ký hiệu bằng chữ và bằng số tương ứng với tên tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, hình thức thực hiện trợ giúp pháp lý, số thứ tự của vụ việc trong Sổ theo dõi, thụ lý vụ việc trợ giúp pháp lý, năm tiếp nhận (Ví dụ TT.TV.01.2018).
Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, Chi nhánh có trách nhiệm tạo hồ sơ vụ việc và người thực hiện trợ giúp pháp lý cập nhật lên phần mềm quản lý tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý.
Trường hợp nào vụ việc trợ giúp pháp lý không được tiếp tục thực hiện?
Căn cứ Điều 37 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 quy định vụ việc trợ giúp pháp lý không được tiếp tục thực hiện khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Trường hợp phải từ chối theo quy định tại khoản 3 Điều 30 Luật Trợ giúp pháp lý 2017;
- Người được trợ giúp pháp lý thực hiện một trong các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại khoản 2 Điều 6 Luật Trợ giúp pháp lý 2017;
- Người được trợ giúp pháp lý rút yêu cầu trợ giúp pháp lý.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.