Hồ sơ thủ tục của dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến để xét hưởng chế độ trợ cấp một lần được thực hiện ra sao?
- Dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến được hưởng các chế độ, chính sách như thế nào?
- Hồ sơ thủ tục của dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến để xét hưởng chế độ trợ cấp một lần được tiến hành thực hiện ra sao?
- Đối với dân công hỏa tuyến, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc tổ chức thực hiện một số chế độ, chính sách là gì?
Dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến được hưởng các chế độ, chính sách như thế nào?
Theo Điều 4 Quyết định 49/2015/QĐ-TTg quy định về các chế độ chính sách được hưởng đối với dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến như sau:
Chế độ, chính sách được hưởng
Đối tượng có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 2 Quyết định này được hưởng chế độ, chính sách sau đây:
1. Chế độ trợ cấp một lần
Mức trợ cấp một lần được ấn định theo các mốc thời gian thực tế trực tiếp tham gia dân công hỏa tuyến (trường hợp có thời gian tham gia dân công hỏa tuyến ở các đợt khác nhau hoặc có gián đoạn thì được cộng dồn), cụ thể như sau:
a) Dưới 01 năm, mức trợ cấp bằng 2.000.000 đồng;
b) Đủ 01 năm đến dưới 02 năm, mức trợ cấp bằng 2.700.000 đồng;
c) Từ đủ 02 năm trở lên, mức trợ cấp bằng 3.500.000 đồng.
Người đã từ trần, một trong những thân nhân sau đây của người từ trần được hưởng chế độ trợ cấp một lần theo mức thống nhất tương ứng nêu trên: Vợ hoặc chồng; bố đẻ, mẹ đẻ; con đẻ, con nuôi hoặc người nuôi dưỡng hợp pháp.
2. Chế độ bảo hiểm y tế
Người chưa được hưởng chế độ bảo hiểm y tế thì được hưởng chế độ bảo hiểm y tế tương tự như đối tượng quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi, bổ sung năm 2014).
3. Chế độ trợ cấp mai táng phí
Khi từ trần, người lo mai táng được hưởng trợ cấp mai táng phí theo mức quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
4. Ghi nhận thời gian tham gia dân công hỏa tuyến
Được cấp “Giấy chứng nhận” tham gia dân công hỏa tuyến.
Theo đó, dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến sẽ được hưởng các chế độ, chính sách bao gồm chế độ trợ cấp một lần, chế độ bảo hiểm y tế và chế độ trợ cấp mai táng phí. Ngoài ra, được cấp “Giấy chứng nhận” tham gia dân công hỏa tuyến.
Hồ sơ thủ tục của dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến để xét hưởng chế độ trợ cấp một lần (Hình từ Internet)
Hồ sơ thủ tục của dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến để xét hưởng chế độ trợ cấp một lần được tiến hành thực hiện ra sao?
Theo Điều 10 Thông tư liên tịch 138/2015/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC quy định về hồ sơ trình tự thực hiện chế độ trợ cấp một lần đối với dân công hỏa tuyến như sau:
(1) Hồ sơ để xét hưởng chế độ trợ cấp một lần bao gồm: Bản khai cá nhân, Giấy tờ tham gia dân công hỏa tuyến (nếu có).
(2) Trình tự thực hiện để xét hưởng:
- Lập bản khai và trực tiếp nộp 01 bộ hồ sơ cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú
- Từng đợt, trong thời gian 5 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định, Ủy ban nhân cấp xã hoàn thành việc xét duyệt, lập 02 bộ hồ sơ cho từng đối tượng
- Lập Biên bản họp Hội đồng chính sách xã theo mẫu số 2, làm công văn đề nghị theo mẫu số 3A, kèm theo danh sách đối tượng được hưởng chế độ theo mẫu số 3B, báo cáo Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện.
- Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định do Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo
- Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh, Cục Chính trị/Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tiếp nhận hồ sơ do Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện báo cáo; trong thời gian 10 ngày làm việc
- Sau khi được cấp kinh phí trợ cấp, trong thời gian 10 ngày làm việc, Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện tổ chức chi trả chế độ trợ cấp một lần cho các đối tượng bảo đảm kịp thời, công khai, chặt chẽ, chính xác.
Đối với dân công hỏa tuyến, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc tổ chức thực hiện một số chế độ, chính sách là gì?
Theo Điều 13 Thông tư liên tịch 138/2015/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC có quy định Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc tổ chức thực hiện một số chế độ, chính sách đối với dân công hỏa tuyến như sau:
Trách nhiệm của địa phương và cơ quan chức năng trong tổ chức thực hiện một số chế độ, chính sách đối với dân công hỏa tuyến
1. Đối với Ủy ban nhân dân cấp xã
a) Thành lập Hội đồng chính sách xã do Chủ tịch (hoặc Phó Chủ tịch) Ủy ban nhân dân làm chủ tịch Hội đồng, xã đội trưởng, cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội làm thường trực và các thành viên gồm: Đại diện Đảng ủy (hoặc chi bộ đối với nơi không có đảng bộ), Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, Công an xã, Ban chấp hành Hội Cựu chiến binh, Hội Cựu thanh niên xung phong, Hội Người cao tuổi, Ban Liên lạc dân công hỏa tuyến (nếu có), giúp Ủy ban nhân dân hướng dẫn tổ chức thực hiện;
b) Xác định các đợt đi dân công hỏa tuyến của xã trong các thời kỳ, số lượng người đi dân công hỏa tuyến của mỗi đợt, báo cáo Ủy ban nhân dân huyện tổng hợp (qua Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện) làm cơ sở xét duyệt tại xã;
c) Tuyên truyền, phổ biến về các chế độ, chính sách đối với nhân dân và những người tham gia dân công hỏa tuyến;
d) Chỉ đạo Hội đồng chính sách cấp xã tiếp nhận hồ sơ, tổng hợp; tổ chức hội nghị xét duyệt dân chủ, công khai, minh bạch, chặt chẽ, chính xác theo quy định sau đây:
Khi tổ chức hội nghị xét duyệt do Hội đồng chính sách xã báo cáo, mời đại diện Ban Chỉ đạo cấp huyện, triệu tập Trưởng thôn, Bí thư chi bộ thôn có đối tượng, Chi hội Cựu chiến binh, Ban Liên lạc Hội Cựu thanh niên xung phong, Ban Liên lạc dân công hỏa tuyến (nếu có) và một số đại biểu đại diện nguyên cán bộ phụ trách cấp ủy, chính quyền, cơ quan quân sự của địa phương thời kỳ kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc; đại biểu đối tượng đã hưởng chế độ theo Quyết định số 47/2002/QĐ-TTg ngày 11 tháng 4 năm 2002, Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2008, Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 09 tháng 11 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ cùng tham dự;
đ) Phối hợp với Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện tổ chức chi trả chế độ và trao Giấy chứng nhận tham gia dân công hỏa tuyến cho đối tượng; bảo đảm công khai, chặt chẽ, chính xác, kịp thời;
e) Đối với trường hợp đối tượng sinh quán và có thời gian tham gia dân công hỏa tuyến ở địa phương, hiện đang đăng ký hộ khẩu thường trú ở địa phương khác, có yêu cầu xác nhận hồ sơ thì Hội đồng chính sách xã (với thành phần nêu trên) tổ chức xét duyệt, nếu đủ điều kiện, Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận và đề nghị chính quyền địa phương nơi đối tượng đang đăng ký hộ khẩu thường trú xem xét, đề nghị hưởng chế độ theo quy định.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.