Hồ sơ thiết kế kiến trúc kỹ thuật bao gồm những giấy tờ nào? Có cần phải có bản vẽ các công trình phụ trợ hay không?

Cho anh hỏi hồ sơ thiết kế kiến trúc bao gồm những loại nào vậy? Đối với hồ sơ thiết kế kiến trúc kỹ thuật thì bản vẽ phải có những giấy tờ gì? Có cần phải có bản vẽ của các công trình phụ trợ không? - Anh Tuấn Anh đến từ Hưng Yên.

Hồ sơ thiết kế kiến trúc bao gồm những loại nào theo quy định hiện nay?

Theo khoản 2 Điều 2 Thông tư 03/2020/TT-BXD thì hồ sơ thiết kế kiến trúc bao gồm những loại sau:

Quy định chung về hồ sơ thiết kế kiến trúc
...
2. Hồ sơ thiết kế kiến trúc bao gồm các loại sau:
a) Hồ sơ thiết kế kiến trúc sơ bộ là nội dung kiến trúc trong thiết kế sơ bộ ở giai đoạn báo cáo nghiên cứu tiền khả thi;
b) Hồ sơ thiết kế kiến trúc cơ sở là nội dung kiến trúc trong thiết kế cơ sở ở giai đoạn báo cáo nghiên cứu khả thi;
c) Thiết kế kiến trúc kỹ thuật là nội dung kiến trúc trong thiết kế kỹ thuật ở giai đoạn sau thiết kế cơ sở;
d) Thiết kế kiến trúc bản vẽ thi công là nội dung kiến trúc trong thiết kế bản vẽ thi công ở giai đoạn sau thiết kế cơ sở;
đ) Các hồ sơ thiết kế kiến trúc ở các bước thiết kế khác (nếu có) theo thông lệ quốc tế, tương ứng với các bước thiết kế xây dựng do người quyết định đầu tư quyết định khi quyết định đầu tư dự án.

Như vậy, theo quy định hiện nay hồ sơ thiết kế kiến trúc bao gồm 05 loại cơ bản như trên.

Kiến trúc

Hồ sơ thiết kế kiến trúc (Hình từ Internet)

Hồ sơ thiết kế kiến trúc kỹ thuật bao gồm những giấy tờ nào theo quy định mới nhất hiện nay?

Căn cứ theo Điều 6 Thông tư 03/2020/TT-BXD, hồ sơ thiết kế kiến trúc kỹ thuật bao gồm những giấy tờ sau đây:

(1) Bản vẽ gồm:

- Sơ đồ vị trí, địa điểm khu đất xây dựng, bản đồ hiện trạng, ranh giới khu đất, thông tin quy hoạch theo quy hoạch được phê duyệt;

- Bản vẽ tổng mặt bằng: thể hiện các hạng mục dự án đầu tư xây dựng, quy định rõ hạng mục xây mới, cải tạo, chỉnh trang trên cơ sở hiện trạng khu đất, xác định chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng, xác định các lối vào, lối ra và phân luồng giao thông, các chỉ tiêu kỹ thuật về diện tích khu đất nghiên cứu, diện tích xây dựng, mật độ xây dựng, tổng diện tích sàn, hệ số sử dụng đất, diện tích các hạng mục, số tầng, hệ thống giao thông nội bộ, xác định ranh giới và định vị các công trình ngầm;

- Các bản vẽ định vị công trình, mặt bằng các tầng, mặt đứng, mặt cắt, sơ đồ dây chuyền và tổ chức không gian;

- Các bản vẽ minh họa: phối cảnh tổng thể, phối cảnh góc, nội ngoại thất cơ bản;

- Các bản vẽ kích thước, thống kê các loại cửa, buồng thang; thống kê diện tích, chỉ định vật liệu, màu sắc kiến trúc mặt đứng, khu vệ sinh, ốp lát sàn, danh mục vật liệu hoàn thiện;

- Bản vẽ công trình phụ trợ và bên ngoài nhà, hàng rào, cây xanh, sân vườn.

(2) Thuyết minh gồm:

- Thể hiện rõ các tính toán lựa chọn phương án kỹ thuật, dây chuyền công nghệ, tính chất vật liệu, làm rõ các thông số mà bản vẽ không thể hiện hết và đảm bảo đủ cơ sở để lập tổng dự toán công trình và thiết kế xây dựng;

- Các nội dung được quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này.

Như vậy, hồ sơ thiết kế kiến trúc kỹ thuật phải bao gồm những giấy tờ được quy định trên đây, trong đó phải có cả bản vẽ công trình phụ trợ.

Lưu ý: nội dung hồ sơ thiết kế kiến trúc kỹ thuật phải phù hợp với thiết kế cơ sở được cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, phải làm rõ các thông số kỹ thuật, vật liệu, kích thước, các tính toán cụ thể về kỹ thuật để sản xuất, xây dựng, lắp đặt.

Hồ sơ thiết kế kiến trúc sơ bộ gồm những tài liệu nào?

Tại Điều 4 Thông tư 03/2020/TT-BXD quy định về hồ sơ thiết kế kiến trúc sơ bộ cụ thể như sau:

Điều 4. Hồ sơ thiết kế kiến trúc sơ bộ
1. Bản vẽ gồm:
a) Sơ đồ vị trí, địa điểm khu đất xây dựng, số liệu quy mô, tính chất dự án, hiện trạng, ranh giới khu đất, thông tin quy hoạch, hướng, tuyến công trình hạ tầng kỹ thuật hiện hữu và theo quy hoạch được phê duyệt (nếu có), công trình hiện hữu và kiến trúc cảnh quan xung quanh, phân tích mối liên kết giao thông;
b) Các bản vẽ thiết kế ý tưởng kiến trúc thể hiện: dây chuyền công năng, hình khối, đường nét, màu sắc, ánh sáng trên các bản vẽ tổng thể, phối cảnh, mặt bằng, mặt đứng, mặt cắt, nội ngoại thất, mối liên hệ với không gian kiến trúc cảnh quan chung của khu vực.
2. Thuyết minh gồm:
a) Thuyết minh các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Các định hướng về giải pháp kết cấu, hệ thống trang thiết bị, hạ tầng kỹ thuật và quản lý vận hành, khai thác;
c) Danh mục các quy chuẩn và tiêu chuẩn áp dụng;
d) Phụ lục các văn bản pháp luật liên quan đến tính pháp lý của việc lập hồ sơ thiết kế kiến trúc sơ bộ.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến hồ sơ thiết kế kiến trúc nói chung và hồ sơ thiết kế kiến trúc kỹ thuật nói riêng mà bạn đang quan tâm. Trân trọng!

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Đinh Thị Ngọc Huyền Lưu bài viết
3,629 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào