Hồ sơ chuyển quyền sở hữu cửa hàng miễn thuế gồm những gì? Trình tự chuyển quyền sở hữu được thực hiện như thế nào?
Cửa hàng miễn thuế có được đặt tại vị trí cách ly của cửa khẩu đường bộ quốc tế không?
Căn cứ theo điểm a khoản 1 Điều 4 Nghị định 68/2016/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 67/2020/NĐ-CP được quy định như sau:
Điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế
1. Vị trí đặt cửa hàng miễn thuế
a) Trong khu vực cách ly của cửa khẩu đường bộ quốc tế, ga đường sắt liên vận quốc tế, cảng biển loại 1; trong khu vực cách ly và khu vực hạn chế của cảng hàng không dân dụng quốc tế;
b) Trong nội địa;
c) Trên tàu bay thực hiện các chuyến bay quốc tế của hãng hàng không được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam;
d) Kho chứa hàng miễn thuế đặt tại vị trí cùng với cửa hàng miễn thuế hoặc nằm trong khu vực cách ly, khu vực hạn chế hoặc khu vực cửa khẩu hoặc thuộc địa bàn hoạt động hải quan tại các khu vực ngoài cửa khẩu quy định tại Điều 8 Nghị định số 01/2015/NĐ-CP ngày 02 tháng 01 năm 2015 và khoản 3 Điều 1 Nghị định số 12/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2015/NĐ-CP ngày 02 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết phạm vi địa bàn hoạt động hải quan; trách nhiệm phối hợp trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
...
Như vậy, cửa hàng miễn thuế được đặt tại vị trí cách ly của cửa khẩu đường bộ quốc tế.
Cửa hàng miễn thuế (Hình từ Internet)
Trong trường hợp muốn chuyển quyền sở hữu cửa hàng miễn thuế thì cần chuẩn bị hồ sơ gồm những gì?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 9 Nghị định 68/2016/NĐ-CP quy định như sau:
Mở rộng, thu hẹp, di chuyển, chuyển quyền sở hữu cửa hàng miễn thuế
1. Hồ sơ đối với trường hợp mở rộng, thu hẹp, di chuyển cửa hàng miễn thuế:
a) Văn bản đề nghị mở rộng, thu hẹp, di chuyển theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này: 01 bản chính.
b) Sơ đồ khu vực mở rộng, thu hẹp, di chuyển: 01 bản sao.
2. Hồ sơ đối với trường hợp chuyển quyền sở hữu cửa hàng miễn thuế:
Ngoài hồ sơ quy định tại Điều 5 Nghị định này, doanh nghiệp nhận chuyển quyền sở hữu cửa hàng miễn thuế nộp bổ sung giấy tờ sau:
a) Đơn đề nghị chuyển quyền sở hữu theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này: 01 bản chính;
b) Hợp đồng liên quan đến chuyển quyền sở hữu: 01 bản sao.
...
Như vậy, trong trường hợp muốn chuyển quyền sở hữu đối với cửa hàng miễn thuế thì cần chuẩn bị hồ sơ gồm:
- Đơn đề nghị chuyển quyền sở hữu theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 68/2016/NĐ-CP: 01 bản chính;
- Hợp đồng liên quan đến chuyển quyền sở hữu: 01 bản sao.
Trình tự chuyển quyền sở hữu cửa hàng miễn thuế được thực hiện như thế nào?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 9 Nghị định 68/2016/NĐ-CP quy định như sau:
Mở rộng, thu hẹp, di chuyển, chuyển quyền sở hữu cửa hàng miễn thuế
...
3. Trình tự mở rộng, thu hẹp, di chuyển, chuyển quyền sở hữu cửa hàng miễn thuế thực hiện như đối với trường hợp cấp giấy chứng nhận kinh doanh hàng miễn thuế quy định tại Điều 6 Nghị định này.
Và căn cứ theo Điều 6 Nghị định 68/2016/NĐ-CP quy định như sau:
Trình tự cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế
1. Doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế qua đường bưu điện, gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử của cơ quan hải quan đến Tổng cục Hải quan.
2. Trong thời hạn 10 ngày làm việc (tính theo dấu đến của bưu điện đối với hồ sơ gửi qua đường bưu điện hoặc từ ngày cán bộ tiếp nhận hồ sơ nhận hồ sơ của doanh nghiệp; hoặc thời gian ghi nhận của hệ thống điện tử của cơ quan hải quan) kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan hoàn thành việc kiểm tra hồ sơ, thực tế cửa hàng miễn thuế, kho chứa hàng miễn thuế. Kết thúc kiểm tra, cơ quan hải quan và doanh nghiệp ký biên bản ghi nhận nội dung kiểm tra.
3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc kiểm tra hồ sơ, thực tế cửa hàng miễn thuế, kho chứa hàng miễn thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế hoặc có văn bản trả lời doanh nghiệp nếu chưa đáp ứng điều kiện theo quy định.
4. Trường hợp chưa đủ hồ sơ hợp lệ, trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ của doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan có văn bản thông báo và yêu cầu doanh nghiệp bổ sung hồ sơ. Quá 30 ngày làm việc kể từ ngày gửi thông báo nhưng doanh nghiệp không có phản hồi bằng văn bản, Tổng cục Hải quan có quyền hủy hồ sơ.
Như vậy, trình tự chuyển quyền sở hữu cửa hàng miễn thuế được thực hiện như quy định trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.