Hồ sơ cần có để thực hiện thủ tục thuận tình ly hôn được quy định thế nào? Khi thuận tình ly hôn ai có nghĩa vụ chịu lệ phí?
Theo quy định mới nhất thuận tình ly hôn được hiểu như thế nào?
Theo quy định tại Điều 55 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về thuận tình ly hôn như sau:
“Điều 55. Thuận tình ly hôn
Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.”
Theo đó, vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, hai bên thật sự tự nguyện và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn.
Tải về mẫu đơn ly hôn thuận tình mới nhất 2023: Tại Đây
Thuận tình ly hôn (Hình từ Internet)
Hồ sơ cần có để thực hiện thủ tục thuận tình ly hôn được quy định thế nào?
Căn cứ khoản 2 Điều 29 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định như sau:
"Điều 29. Những yêu cầu về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
1. Yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật.
2. Yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn."
Để được Tòa án giải quyết theo thủ tục ly hôn thuận tình thì hai vợ chồng bạn phải chuẩn bị các loại giấy tờ, hồ sơ như sau:
- Đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn;
- Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);
- Sổ hộ khẩu (bản sao có chứng thực);
- CMND/ Căn cước công dân/hộ chiếu (bản sao có chứng thực);
- Các tài liệu, chứng cứ khác chứng minh tài sản chung như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (sổ đỏ); đăng ký xe; sổ tiết kiệm… (bản sao);
- Các tài liệu, chứng cứ, giấy tờ chứng minh về khoản nợ, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân (bản sao);
- Nếu hai bên đăng ký kết hôn theo pháp luật nước ngoài muốn ly hôn tại Việt Nam thì phải hợp thức lãnh sự giấy đăng ký kết hôn và làm thủ tục ghi chú vào sổ đăng ký tại Sở Tư pháp rồi mới nộp đơn và hồ sơ xin ly hôn;
- Các giấy tờ, tài liệu khác (nếu có yêu cầu).
Nội dung đơn thuận tình ly hôn bao gồm những thông tin gì?
Theo Điều 362 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định sau đây:
“Điều 362. Đơn yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự
1. Người yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự phải gửi đơn đến Tòa án có thẩm quyền quy định tại Mục 2 Chương III của Bộ luật này.
Trường hợp Chấp hành viên yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự theo quy định của Luật thi hành án dân sự thì có quyền, nghĩa vụ của người yêu cầu giải quyết việc dân sự theo quy định của Bộ luật này.
2. Đơn yêu cầu phải có các nội dung chính sau đây:
a) Ngày, tháng, năm làm đơn;
b) Tên Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc dân sự;
c) Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người yêu cầu;
d) Những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết và lý do, mục đích, căn cứ của việc yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự đó;
đ) Tên, địa chỉ của những người có liên quan đến việc giải quyết việc dân sự đó (nếu có);
e) Các thông tin khác mà người yêu cầu xét thấy cần thiết cho việc giải quyết yêu cầu của mình;
g) Người yêu cầu là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ, nếu là cơ quan, tổ chức thì đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn; trường hợp tổ chức yêu cầu là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu được thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp.
3. Kèm theo đơn yêu cầu, người yêu cầu phải gửi tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.”
Theo đó, nội dung đơn ly hôn thuận tình bao gồm những thông tin nêu trên.
Khi thuận tình ly hôn ai có nghĩa vụ chịu lệ phí?
Theo Điều 149 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ chịu lệ phí như sau:
"Điều 149. Nghĩa vụ chịu lệ phí
1. Nghĩa vụ chịu lệ phí được xác định tùy theo từng loại việc dân sự cụ thể và do luật quy định.
2. Đối với yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn thì vợ, chồng có thể thỏa thuận về việc chịu lệ phí, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu lệ phí theo quy định của pháp luật.
Trường hợp vợ, chồng không thỏa thuận được người có nghĩa vụ chịu lệ phí thì mỗi người phải chịu một nửa lệ phí."
Theo đó, trường hợp của bạn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn thì hai vợ, chồng bạn có thể thỏa thuận với nhau về việc chịu lệ phí.
Nếu hai vợ chồng bạn không thỏa thuận được thì mỗi người sẽ chịu một nửa lệ phí.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.