Hộ kinh doanh chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản làm vật liệu xây dựng có cần phải xin phép cơ quan nhà nước không?
- Hộ kinh doanh có quyền chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản làm vật liệu xây dựng không?
- Hộ kinh doanh chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản làm vật liệu xây dựng có cần phải xin phép cơ quan nhà nước không?
- Hộ kinh doanh chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường khi chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận bị xử phạt thế nào?
Hộ kinh doanh có quyền chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản làm vật liệu xây dựng không?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Luật Khoáng sản 2010 về quyền của tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản như sau:
Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản
1. Tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản có các quyền sau đây:
a) Sử dụng thông tin về khoáng sản liên quan đến mục đích thăm dò và khu vực thăm dò;
b) Tiến hành thăm dò theo Giấy phép thăm dò khoáng sản;
c) Chuyển ra ngoài khu vực thăm dò, kể cả ra nước ngoài các loại mẫu vật với khối lượng, chủng loại phù hợp với tính chất, yêu cầu phân tích, thử nghiệm theo đề án thăm dò đã được chấp thuận;
d) Được ưu tiên cấp Giấy phép khai thác khoáng sản tại khu vực đã thăm dò theo quy định tại khoản 1 Điều 45 của Luật này;
đ) Đề nghị gia hạn, trả lại Giấy phép thăm dò khoáng sản hoặc trả lại một phần diện tích khu vực thăm dò khoáng sản;
e) Chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản;
g) Khiếu nại, khởi kiện quyết định thu hồi Giấy phép thăm dò khoáng sản hoặc quyết định khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
h) Quyền khác theo quy định của pháp luật.
...
Theo quy định trên, hộ kinh doanh thăm dò khoáng sản được quyền chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản làm vật liệu xây dựng.
Hộ kinh doanh chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản làm vật liệu xây dựng có cần phải xin phép cơ quan nhà nước không? (Hình từ Internet)
Hộ kinh doanh chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản làm vật liệu xây dựng có cần phải xin phép cơ quan nhà nước không?
Theo quy định tại Điều 43 Luật Khoáng sản 2010 về chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản như sau:
Chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản
1. Tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản phải có đủ điều kiện để được cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản theo quy định của Luật này.
2. Việc chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản chấp thuận; trường hợp được chấp thuận, tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản được cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản mới.
3. Tổ chức, cá nhân chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản đã thực hiện được ít nhất 50% dự toán của đề án thăm dò khoáng sản.
4. Chính phủ quy định chi tiết việc chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản.
Theo đó, hộ kinh doanh chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản làm vật liệu xây dựng phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Và trong hợp được cơ quan nhà nước chấp thuận thì tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản được cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản mới.
Hộ kinh doanh chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường khi chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận bị xử phạt thế nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 33 Nghị định 36/2020/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản như sau:
Vi phạm quy định về chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản
Phạt tiền đối với hành vi chuyển nhượng hoặc nhận chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép chấp thuận, cụ thể như sau:
1. Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với trường hợp thăm dò khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của hộ kinh doanh.
2. Từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với trường hợp giấy phép thăm dò khoáng sản do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với trường hợp giấy phép thăm dò khoáng sản do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp.
Căn cứ khoản 1 Điều 5 Nghị định 36/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 2 Nghị định 04/2022/NĐ-CP quy định về áp dụng mức phạt tiền trong xử phạt hành chính như sau:
Áp dụng mức phạt tiền trong xử phạt hành chính
1. Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II và Chương III Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt đối với hộ kinh doanh; chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện hành vi vi phạm hành chính không thuộc phạm vi, thời hạn được doanh nghiệp ủy quyền áp dụng như đối với mức phạt của cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức (kể cả chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền của doanh nghiệp) gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
...
Như vậy, hộ kinh doanh chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường khi chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.